Khi trái bóng World Cup chưa lăn, có lẽ Messi không thể hình dung nổi được điều này: anh và Argentina đã khởi đầu một cách vô cùng thất vọng, và trận hoà-may sao chỉ là hoà-với Iceland đã khiến búa rùi dư luận đổ lên đầu anh, người bất lực trước khung thành đội bóng Bắc Âu, dù đã sút đến 11 lần, người đã không thắng nổi trên chấm phạt đền thủ thành Iceland, một nhà quay phim tài liệu.
Nhưng hoá ra, trận đấu ấy chưa phải là điều tệ nhất, bởi thảm hoạ đã đến ngay sau đó, cuốn phăng đi mọi hy vọng có thể chiến thắng để nuôi hy vọng đi tiếp và phủ một màu chết chóc lên đội bóng áo sọc trắng-xanh. Croatia không cần phải chơi hết sức để từ chỗ kìm hãm đội bóng ấy. Họ chỉ chia cắt mọi tuyến của nó, liên tục gia tăng áp lực lên hàng thủ ba người rất ít được hỗ trợ, để rồi cuối cùng sức ép khiến Argentina bị nung chảy bằng sai lầm của Caballero, tạo tiền đề cho một thất bại không thể nào cưỡng được.
Không nghi ngờ gì nữa, đấy là một Argentina tệ nhất trong nhiều năm qua chúng ta đã từng thấy. Hiệp 1, họ không sút trúng khung thành Croatia một lần nào. Messi chạm bóng đúng 20 lần, là người chạm bóng ít thứ hai trên sân, sau Aguero, chỉ với... 7 lần, và thống kê cho thấy gần nửa hiệp 2 anh như vật thể lạ trên sân, không nhận được bóng của ai, cũng chẳng hỗ trợ ai. Đội bóng này đã chơi một thứ bóng đá kiểu gì vậy, khi tuyến giữa của nó gần như không tồn tại, và Mascherano, người đã phải dạt sang tận Trung Quốc để chơi bóng, đã hoạt động như một tên đồ tể hơn là người nắm vai trò án ngữ trung tuyến?
Sự gẫy đổ ở tuyến giữa khiến cho đội bóng bị đứt, và Messi, với tầm hoạt động còn thu hẹp hơn cả trận đấu với Iceland, thậm chí còn không sút được một lần nào về phía Subasic, cũng trở thành một vật thể lạ khác trong lòng một đội tuyển mà đa phần là những cầu thủ có chất lượng trung bình. Khi người ta chờ đợi anh toả sáng để xoá đi những ấn tượng tiêu cực đã gây ra từ trận hoà Iceland, anh còn nhợt nhạt và buồn tẻ hơn nữa, giống như một chiếc xe đã hết xăng, như một thực thể không còn sức sống. Điều gì đã xảy ra với anh vậy?
Sau trận đầu ra quân thất vọng, tất cả mọi người ở bên anh, động viên anh. Antonella Roccuzzo, vợ anh, đăng lên trang Instagram cá nhân ảnh Ciro, con trai của họ. Thông điệp rất rõ ràng: "Lionel, con anh sẽ xem anh đá đấy. Hãy đá vì nó". Mẹ anh cũng lên tiếng bảo vệ anh trước sự chỉ trích của dư luận. Trước trận đấu với Croatia, trong phòng họp báo, với gương mặt thể hiện sự lo lắng nhiều hơn là thanh thản, Sampaoli đã bảo vệ anh bằng mọi cách: "Leo là biểu tượng của chúng tôi, cũng như Maradona.
Messi đã không thể cứu Argentina thoát thua |
Thật kỳ quặc khi nghĩ rằng, thất bại của đội tuyển là lỗi của cậu ấy". Nhưng theo báo chí Argentina, Sampaoli không thể bào chữa được rằng, sở dĩ Mascherano, người đã sa sút không phanh và giờ đang thi đấu ở tận Trung Quốc, vẫn có mặt trong đội tuyển là vì tình bạn với Messi. Ông cũng khó có thể biện hộ được việc vẫn luôn phải dùng Aguero-bất kể phong độ của anh ra sao, vì tiền đạo này là người cùng phòng với Messi. Cả hai con người ấy đều đã chơi rất tệ trong thảm bại trước Croatia. Sampaoli, người đã từng thừa nhận xây dựng đội hình hiện tại là để làm hài lòng Messi, giờ đây phải trả giá cho sự nhu nhược của mình.
Cú hattrick của Messi vào lưới Ecuador để đưa Argentina lách qua khe cửa hẹp có mặt ở World Cup lần này hoá ra chỉ tạo nên những ảo mộng. Ảo mộng rằng Messi có thể một lần nữa toả sáng ở World Cup, trong khi trên thực tế, người ta chỉ thấy anh mệt mỏi và căng thẳng. Ảo mộng rằng Sampaoli là người có thể xây dựng được một đội hình đủ mạnh để đưa Argentina đi xa. Ảo mộng rằng Argentina vẫn là một ứng viên cho chức vô địch, dù cơ hội có vẻ ít hơn nhiều những Đức hay Brazil.
Ảo mộng giờ đã tan tành, khi Argentina không kiểm soát được mình trong cả hai trận đã đấu. Và Messi, người đã cùng Argentina vào 3 trận chung kết liên tiếp các năm 2014, 2015, 2016 và đều thất bại, có lẽ đang hiểu rằng, World Cup này đánh dấu hành trình rơi tự do của đội tuyển xanh-trắng, cũng như có thể là một kết cục rất buồn, chấm dứt sự nghiệp của anh trong màu áo này. Sau thất bại 2016, anh đã từ giã đội tuyển, khi có lẽ cảm thấy mình không thể nào vươn tới bất cứ vinh quang nào nữa, nhưng sau đó, anh đổi ý và trở lại. Hoá ra, trở lại có thể là một sai lầm chết người.
Mario Kempes, vua phá lưới và là nhà vô địch World Cup 1978 trên quê hương Argentina nói trên nhật báo Italy Gazzetta dello Sport rằng, ông không hề thích Argentina hiện tại, một đội bóng không hề có lối chơi rõ rệt. Ông nói, đội bóng này chỉ có phương án A, không có phương án B hay C. Mà phương án A là gì? Chuyền bóng cho Messi, nhắm mắt và hy vọng. "Nhưng nếu cậu ấy cảm cúm, thì cần những phương án khác, nếu không thì thắng bằng niềm tin sao?", ông đặt câu hỏi
Đội hình của Argentina tồn tại nhiều vấn đề |
Nhưng bình luận này của Kempes này mới thật sâu cay: "Tôi chỉ nhìn thấy trong đội hình Argentina "những người bạn của Messi" chứ không phải "các đồng đội của Messi". Sự khác biệt ấy rất lớn, vô cùng lớn. Những người bạn thân thiết có thể tạo ra một nhóm chơi thân và nướng barbecue đúng kiểu người Nam Mỹ với nhau ở vườn nhà. Nhưng các đồng đội thì tạo ra một tập thể nghiêm túc. Tập thể ấy đã từng tồn tại 4 năm trước ở World Cup 2014 và Messi chính là thủ lĩnh để đưa họ vào đến chung kết, trước khi bỏ lỡ mọi cơ hội ngon ăn để chiến thắng, và rồi tuột Cúp vàng vào tay người Đức.
Bây giờ, cơ hội đi tiếp của Argentina chưa phải là đã hết. Họ vẫn có thể tự quyết định số phận mình ở trận cuối cùng với Nigeria và hy vọng một chiến thắng sẽ đưa họ tiến vào vòng 1/8. Nhưng cánh cửa thực ra không mở lớn. Nếu Iceland đánh bại Nigeria trong trận hôm nay, họ sẽ bị đẩy vào một tình thế vô cùng ngặt nghèo. Bởi dù có thắng Nigeria ở lượt trận cuối cùng, thì một kết quả theo kiểu nhẹ tay dàn xếp giữa Croatia và Iceland có thể sẽ đóng những cái đinh cuối cùng lên chiếc quan tài mang tên họ trong bảng Tử thần.
Nhưng dù sao, Argentina vẫn hy vọng. Hy vọng là điều cuối cùng có thể chết đi. Vấn đề là liệu họ có thức tỉnh sau cú sốc 0-3 trước Croatia, và liệu chính Messi, với áp lực nặng nề lên vai anh, có thể tự mình đứng dậy, tìm lại được cảm hứng, và lại như ở trận gặp Ecuador cách đây hơn nửa năm, ghi bàn và rồi cùng Argentina lách qua khe cửa hẹp để vào vòng 1/8.
Những ngày này năm 1978, Argentina như trên thiên đường, khi Mario Kempes ghi hai bàn giúp Argentina đánh bại Hà Lan 3-1 trong trận chung kết để lần đầu tiên trong lịch sử đăng quang vô địch World Cup. 40 năm sau, những ngày này như có đám tang. Nhìn những cổ động viên Argentina ngồi lặng đi, có người khóc trên khán đài mà cũng thấy quặn lòng. Họ có rất nhiều điều để có thể làm tốt hơn thế. Họ có khao khát chứng tỏ mình để xua đi nỗi ám ảnh thất bại 4 năm trước. Họ có một siêu sao thuộc loại hay nhất trong thế hệ anh, nếu không nói là mọi thời đại. Nhưng trên đất Nga, trong một vũ điệu tango lạc nhịp và tầm thường, họ vấp chân nọ vào chân kia, ngã nhào ra đất, và không đứng dậy được nữa...