Bài viết nhấn mạnh sau gần 20 năm phải "đóng vai phụ" sau Thái Lan, đội tuyển điền kinh Việt Nam cuối cùng cũng đã vượt qua các đối thủ để vươn lên thành quốc gia dẫn đầu tại SEA Games ở Kuala Lumpur (Malaysia) năm 2017. Tiếp đó, tại SEA Games 2019 ở Philippines, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương ở các nội dung điền kinh. Tại SEA Games 31 đang diễn ra, đà thành công này cũng đang được điền kinh Việt Nam duy trì tốt. Nước chủ nhà đặt mục tiêu giành được ít nhất 15 Huy chương Vàng trong tổng số 47 nội dung thi đấu điền kinh tại SEA Games 31 và đã giành được 9 Huy chương Vàng, gần gấp đôi so với Thái Lan (đứng thứ 2 với 5 Huy chương Vàng) (tính đến thời điểm bài báo được xuất bản).
Tác giả Sazali Abdul Aziz dẫn lời Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết những tiến bộ gần đây của điền kinh Việt Nam là kết quả của việc tập trung, đầu tư mạnh mẽ các nguồn lực hướng tới mục tiêu góp mặt tại các kỳ Olympic, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đặt ra vào năm 2015. Khoảng 100 tỷ đồng đã được đầu tư vào mục tiêu này, với kỳ vọng đạt được huy chương tại các kỳ Olympic 2016, 2020 cũng như tại Đại hội Thể thao châu Á 2018 (Asian Games 2018) và những các khoản đầu tư này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Tại Olympic Rio 2016, vận động viên (VĐV) bắn súng Hoàng Xuân Vinh đã mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho Việt Nam. Hai năm sau, VĐV Quách Thị Lan (400m vượt rào) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) đã mang về những “chiến tích đầu tiên” cho Việt Nam ở môn điền kinh tại Asian Games 2018 tại Indonesia.
Tuy nhiên, bài viết cũng cho biết với việc SEA Games sẽ được tổ chức tại Bangkok vào năm 2025, điền kinh Thái Lan đang nỗ lực giành lại uy thế và niềm tự hào của mình. Tại SEA Games 31, "Xứ Chùa vàng" đã đặt mục tiêu thâu tóm tối thiểu 12 Huy chương Vàng ở môn điền kinh.
Theo huấn luyện viên điền kinh Philippines - ông Jeoffrey Chua, những sự hỗ trợ tài chính bền vững cho các ngôi sao điền kinh là điều đã giúp Việt Nam và Thái Lan vươn lên dẫn đầu khu vực trong 20 năm qua. Ông Jeoffrey Chua cho biết: “Việt Nam và Thái Lan có hệ thống câu lạc bộ rất mạnh, và những câu lạc bộ này được các tập đoàn và nhà tài trợ tư nhân hỗ trợ tài chính”.
Cựu VĐV chạy nước rút Gary Yeo - hiện là Phó Chủ tịch (phụ trách đào tạo và tuyển chọn VĐV) của điền kinh Singapore - cũng chia sẻ quan điểm này và cho rằng những sự hỗ trợ tài chính này đã tạo điều kiện để các VĐV điền kinh hàng đầu của Việt Nam và Thái Lan được gửi đi tập huấn và thi đấu thường xuyên ở châu Âu, nơi họ có thể tiếp nhận được những kinh nghiệm và sự cọ xát vô giá.
Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ hy vọng rằng lứa các VĐV điền kinh hiện tại "có thể là nguồn cảm hứng cho các tài năng trẻ" vì Việt Nam có những mục tiêu lớn hơn ở môn điền kinh. Ông nêu rõ: “Chúng tôi có hai giai đoạn trong kế hoạch của mình. Mục tiêu trong giai đoạn 1 là giành Huy chương Vàng (ở mức thường xuyên) tại cấp độ châu Á vào năm 2030. Và trong giai đoạn 2, vốn là kế hoạch dài hơi hơn nữa, Việt Nam hy vọng sẽ có những VĐV có thể có 'những màn trình diễn đặc biệt' tại các Thế vận hội và giành huy chương vào năm 2050. Việt Nam sẽ đầu tư và đào tạo các nhóm VĐV điền kinh để đạt được mục tiêu này”.