Các vận động viên thi đấu chung kết Giải vật dân tộc anh tài toàn quốc lần thứ V năm 2018. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN |
Niềm đam mê môn vật dân tộc Khởi nguồn từ lịch sử dựng nước và giữ nước, môn thể thao vật dân tộc có sức sống mạnh mẽ, gắn bó với lối sống sinh hoạt, lao động của người dân Việt Nam. Ngày nay, môn vật dân tộc đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, không thể thiếu trong các lễ hội đầu xuân tại các làng quê, đặc biệt tại các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ.
Theo đó, vào dịp hội làng, các sới vật thường được tổ chức tại đình làng, chùa hoặc các miếu đền, thu hút hàng trăm người dân đến xem và cổ vũ. Tiếng trống thúc giục rộn ràng hòa lẫn tiếng reo hò, tiếng vỗ tay cổ vũ cho các đô vật, kèo vật tạo không khí sôi động, tươi vui trong những ngày đầu xuân. Những keo vật dân tộc không chỉ góp phần thắt chặt tình đoàn kết của người dân, hy vọng về một năm mới tốt đẹp, bội thu mà còn tôn vinh và lưu giữ nét đẹp sinh hoạt truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Say mê môn vật dân tộc, anh Nghiêm Đình Cảnh (sinh năm 1985, quê ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) xin bố mẹ cho theo học lớp năng khiếu từ năm 1997. Đến nay, anh Cảnh đã tham gia rất nhiều giải đấu. Bản thân anh cũng không nhớ đã nhận được bao nhiêu huy chương, tham gia bao nhiêu kèo vật. Nghiêm Đình Cảnh chia sẻ: Anh cảm thấy mình may mắn vì nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ bố mẹ, gia đình và người thân để có điều kiện theo đuổi đam mê.
“Trước mỗi giải đấu chuyên nghiệp, tôi tập luyện bằng cách thi đấu tại các hội làng hoặc tập luyện tại nhà, tại sới vật của nhà thi đấu. Theo môn vật dân tộc, tôi xác định đặt niềm đam mê lên hết, cống hiến cho khán giả những trận đấu hay, đẹp mắt từ những miếng đòn thông dụng đến những đòn có kỹ thuật đòi hỏi sự dẻo dai, nhanh nhẹn”, Cảnh bộc bạch.
Tương tự anh Cảnh, anh Trần Văn Có (vận động viên môn Vật dân tộc, Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Thừa Thiên- Huế) đến với môn vật dân tộc được gần 13 năm. Khác với ở miền Bắc, các vận động viên ở miền Trung ít hội làng hơn, anh Có cũng ít có cơ hội được cọ xát, rèn luyện thi đấu. Trong trường, anh và các thành viên trong đội thường tự tổ chức tập luyện, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao trình độ. Anh Có nói: “Môn vật không chỉ là niềm đam mê mà còn là nghề nghiệp của tôi, đến tự nhiên như máu chảy trong người vậy. Nghe tiếng trống đánh là muốn vào sới thi đấu ngay!”.
Khó khăn chồng chất Các đô vật trong một trận đấu. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN |
Để bảo tồn, phát triển môn thể thao quần chúng vật dân tộc hiện nay, những người làm công tác quản lý, đào tạo và các vận động viên chuyên nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Mức thu nhập thấp, áp lực cuộc sống mưu sinh cũng khiến anh Có không ít lần nghĩ đến ý định bỏ nghề, bỏ anh em trong đội để ra ngoài tìm việc làm khác. “Ngoài mức lương 1,5 triệu đồng/ tháng, tôi nhận được khoảng 10 triệu đồng/năm nhờ tiền thưởng các giải thi đấu, chỉ vừa đủ phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bản thân”, anh Có tâm sự.
Tương tự anh Có, mức thu nhập của anh Nghiêm Đình Cảnh đạt khoảng 60 triệu đồng/năm nhưng do với các vận động viên mới vào nghề hoặc đạt ít huy chương, mức thu nhập của anh được coi là khá cao trong nghề. “Các giải thưởng vật dân tộc khá thấp, điển hình như Huy chương Vàng giải Vật dân tộc anh tài toàn quốc cũng chỉ ở mức 5 triệu đồng. Tiền thưởng của đội được thêm một vài triệu đồng, chủ yếu nhằm động viên, khích lệ tinh thần anh em”, anh Cảnh giải thích.
Bên cạnh vấn đề thu nhập của các vận động viên, nguồn tài chính đầu tư và duy trì các hoạt động luyện tập, ăn ở và ngủ nghỉ của các vận động viên còn eo hẹp. Theo ông Đặng Xuân Nghĩa, huấn luyện viên Đội vật dân tộc (Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện Thể thục thể thao tỉnh Nghệ An), tỉnh chỉ hỗ trợ đội tham gia thi đấu giải vô địch vật dân tộc toàn quốc, các giải khác, đội phải tự bỏ tiền cá nhân để tham gia. “Hiện nay, hầu hết các đội vật đều trong tình trạng chồng chất những khó khăn. Việc giữ chân vận động viên không dễ bởi theo nghề thu nhập thấp, tiền đầu tư hạn chế, không có chế độ và quyền lợi đặc thù, các em rất dễ bỏ nghề”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng như ông Nghĩa, ông Nguyễn Văn Hiền (Huấn luyện viên Hiệp hội Vật dân tộc Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, hầu hết các đô vật hiện nay đang có xu hướng “già hóa”, không có thế hệ trẻ kế cận. Mỗi năm, Hiệp hội thường tổ chức các giải đấu vòng loại để tìm kiếm các em có năng khiếu, yêu thích môn vật dân tộc và tổ chức đào tạo từ nhỏ. Ông Hiền cùng các huấn luyện viên khác thường đến vận động từng nhà cho con theo học, mời bố mẹ lên thăm quan chỗ ăn nghỉ và tập luyện để họ yên tâm.
Theo thống kê của Vụ Thể dục Thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện trên cả nước có 15 đội vật dân tộc thuộc các tỉnh thành, ngành khác nhau với khoảng 300 vận động viên chuyên nghiệp được hưởng chế độ và hàng nghìn vận động viên không chuyên. Trong đó, các địa phương mạnh về môn thể thao vật dân tộc gồm có các tỉnh như Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An... Những năm gần đây, môn vật dân tộc không có tên trong các môn thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Đây là một trong những hạn chế khiến môn thể thao này không được các tỉnh, ngành chú trọng đầu tư và phát triển.
Ông Nguyễn Tất Chiến, Vụ Thể dục Thể thao quần chúng cho biết: “Phong trào vật dân tộc vẫn đang phát triển trên khắp cả nước, đặc biệt tại các tỉnh, thành lớn, nơi có nhiều lễ hội đầu năm. Tuy nhiên, nếu có trong danh sách thi đấu tại hai đại hội thể thao lớn nhất cả nước, môn vật dân tộc sẽ được đầu tư chuyên môn, bài bản với nguồn kinh phí ổn định, thu hút nhiều vận động viên chuyên nghiệp”.
Cũng theo ông Nguyễn Tất Chiến, trong thời gian tới, để bảo tồn và gìn giữ môn thể thao vật dân tộc, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ đưa ra những chủ trương, chính sách hệ thống lại các giải đấu, xây dựng kế hoạch hàng năm để các tỉnh thành, ngành bố nguồn kinh phí. Bên cạnh đó, ngành tập trung duy trì các giải chính thống của môn vật như giải Vô địch Vật dân tộc toàn quốc, giải Vật dân tộc trẻ và thiếu niên toàn quốc, giải Vật dân tộc anh tài toàn quốc để tạo sân chơi chuyên nghiệp cho các vận động viên.
Đồng thời, Tổng cục Thể dục Thể thao nâng cao chất lượng các hoạt động thể thục thể thao quần chúng đến các địa phương trên cả nước; đặc biệt, thực hiện chủ trương xã hội hóa đáp ứng nhu cầu phát triển của vật dân tộc, các môn thể thao quần chúng nói riêng, sự nghiệp thể dục thể thao nói chung.