Sáu thành viên ban lãnh đạo Barca cùng một lúc nộp đơn "rũ áo ra đi" và đứng đầu nhóm chính Phó chủ tịch Rousaud, người được xem là ứng viên kế nhiệm Bartomeu ở nhiệm kỳ tới. Với những sự ra đi này, bộ máy ban lãnh đạo Barca từ 19 giảm xuống còn 13 thành viên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ban lãnh đạo đội bóng danh tiếng bậc nhất bóng đá thế giới này chỉ còn ít thành viên đến vậy.
Theo quy chế hoạt động của CLB, Chủ tịch Josep Maria Bartomeu vẫn có thể tiếp tục tại vị. Ban lãnh đạo chỉ bị giải tán một khi: Số thành viên từ chức trong bộ máy nhiều hơn 50% vào thời điểm từ chức, tính luôn cả chủ tịch; hoặc số thành viên từ chức nhiều hơn 75% vào thời điểm từ chức, không tính đến trường hợp của chủ tịch; hoặc số thành viên trong ban lãnh đạo ít hơn 5 người.
Cũng theo quy chế ấy, một bộ máy lãnh đạo phải đảm bảo có ít nhất 14 thành viên. Trước mắt, ông Bartomeu sẽ buộc phải gấp rút bổ sung nhân sự để đảm bảo con số duy trì ít nhất 14 thành viên trong bộ máy của mình và tránh phải nhận thêm những đơn từ chức khác, bằng không ghế chủ tịch của ông sẽ lâm nguy.
Đáng chú ý, có khoảng 50.000 cules sẽ có lá phiếu quyết định đến chiếc ghế Chủ tịch đội bóng xứ Catalunya. Messi sẽ có một vai trò rất quan trọng trong cuộc đua mà người ta đã dùng mọi cách để giành chiến thắng.
Trong khi đó, mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo đương thời của Barca với Messi lạigia tăng kể từ đầu năm 2020. Đầu tiên là Giám đốc thể thao E.Abidal công khai tuyên bố rằng các cầu thủ của Barcelona, mà đứng đầu là Messi, chính là lý do khiến cựu HLV Ernesto Valverde bị sa thải.
Sau đó là thông tin Chủ tịch CLB Bartomeu đã thuê hẳn một đơn vị truyền thông để bôi xấu chính siêu sao người Argentina và đồng đội. Liên tiếp những thông tin trên mạng xã hội, những bình luận tiêu cực liên quan đến việc Messi không chịu gia hạn hợp đồng hoặc đưa ra yêu sách.
Mới đây nhất là chuyện cắt giảm tiền lương. Sau những tin đồn có một nhóm trụ cột không chịu cắt giảm tiền lương, Messi đã đăng đàn thông báo việc anh và các đồng đội "sẵn sàng cắt giảm lương để trợ giúp CLB vượt qua khó khăn vì dịch bệnh" chấp nhận giảm lương 70%, nhằm phản bác quan điểm của lãnh đạo đội bóng. Lần thứ hai trong 2 tháng, cầu thủ người Argentina trực tiếp tấn công vào Ban lãnh đạo đội bóng.
Liệu Chủ tịch Bartomeu chỉ đang thao diễn màn kịch và ông muốn đẩy trách nhiệm về những scandal gần đây tại CLB cho các thành viên đã ra đi, hay bản thân ông cũng chỉ là nạn nhân của cuộc chiến quyền lực? Không loại trừ bất kỳ ai, nhưng sẽ thật khó tin nếu một người muốn giữ chiếc ghế của mình như Bartomeu lại liên tiếp đưa mình vào thế khó.
Ông Bartomeu có lẽ không điên rồ đến mức biến mình tành trung tâm của sự rắc rối. Vậy ông đang là nạn nhân. Nếu vậy, Chủ tịch Bartomeu cho thấy "khả năng" xử lý khủng hoảng của mình khi không thể kiểm soát được tình hình. Sự yếu kém và thiếu bản lĩnh đó khiến Bartomeu đang đẩy ông vào cảnh đơn độc.
Ông Bartomeu bắt đầu nhậm chức chủ tịch tạm quyền của đội bóng vào năm 2014, sau khi người tiền nhiệm Sandro Rosell từ chức bởi những cáo buộc liên quan đến vụ chuyển nhượng ngôi sao tiền đạo Neymar. Năm 2015, Bartomeu đã được chính thức bầu làm Chủ tịch thứ 40 của Barcelona sau khi vượt qua các ứng cử viên Joan Laporta, Agusti Benedito và Antoni Freixa.
Nhiệm kỳ làm Chủ tịch Barca của Bartomeu sẽ kết thúc vào tháng 6/2021, và ông không thể tiếp tục ứng cử sau khi đã làm việc đủ hai nhiệm kỳ trên cương vị lãnh đạo (Phó Chủ tịch và Chủ tịch).
Kể từ cuộc tái đắc cử vào năm 2015 đến lúc này, Bartomeu đã chứng kiến 7 phó chủ tịch dưới trướng ông từ chức. Cũng từ năm 2015 đến nay, tính rộng ra đã có 11 trong số 21 thành viên ban lãnh đạo thời Bartomeu từ chức.