Phóng viên Trương Anh Ngọc. |
Đây là lần thứ mấy anh lại trên từng cây số để làm nhiệm vụ cơ quan giao phó, mà cũng là thỏa niềm đam mê của mình?
Đây là lần thứ 5 trong vòng 8 năm qua, tôi được TTXVN tín nhiệm cử đi tác nghiệp tại các giải bóng đá lớn nhất hành tinh là World Cup và EURO. Tôi còn nhớ là vào đầu năm 2008, khi đề xuất một kế hoạch về việc cử phóng viên sang đưa tin tại Thụy Sĩ và Áo trong vòng một tháng, với việc phóng viên, chính là tôi, lái xe từ nước Ý láng giềng sang, tôi vẫn không nghĩ là được lãnh đạo đồng ý.
Bởi chưa bao giờ cơ quan cũng như làng báo Việt Nam có chuyện phóng viên rong ruổi bằng xe hơi tự lái trong vòng một tháng diễn ra giải đấu, qua hàng loạt thành phố, mỗi ngày viết về một câu chuyện khác nhau theo kiểu kí sự. Thế nhưng, lãnh đạo đã tin tưởng và đồng ý cho tôi đi. Hồi ấy, đi đường dài không phải là áp lực lớn với tôi, mà áp lực bài vở hàng ngày. Nhưng càng làm càng say và càng ra nhiều sản phẩm. Cứ thế, đến nay cứ hai năm tôi lại đi một lần, càng về sau cường độ và khối lượng công việc càng lớn hơn, yêu cầu càng cao hơn, nhưng tôi vẫn đảm bảo tốt các yêu cầu đặt ra.
Thậm chí, từ những chuyến đi trước, tôi còn cho ra được một cuốn sách ký sự có tựa đề “Phút 90++” được nhiều độc giả đón nhận một cách tích cực.
Mỗi hành trình chắc chắn đều để lại cho anh những kỷ niệm khó quên, anh có thể chia sẻ những kỷ niệm ấy?
Những kỷ niệm thì rất nhiều, thật khó có thể kể hết chỉ trong vài câu. Tôi không bao giờ quên giải đấu đầu tiên mình tham gia đưa tin, viết bài, là EURO 2008. Hồi đó, sau khi Pháp thua Hà Lan rất đậm ở Zurich, ngay trong đêm, tôi và một đồng nghiệp đã lái xe sang Besancon là thành phố Pháp gần Thụy Sĩ nhất, với mục đích sẽ phỏng vấn người dân ở đây về đội tuyển Pháp. Chúng tôi đến đó vào rạng sáng và ngủ lại trong một bãi đỗ xe lớn dưới chân núi. Sáng sau tỉnh dậy, tôi nhận ra là mình đã qua đêm ở dưới chân một pháo đài do kỹ sư huyền thoại Vauban thiết kế. Hồi đó, đã là thành mà Vauban “nhúng tay vào” thì không thể nào chiếm được. Nhưng đến khi có đại bác thì thành Vauban cũng tan nát. Sự ngẫu nhiên đêm đó đã giúp tôi có ý đưa vào bài viết, nói về hàng thủ già nua của Pháp thua tan tác trước các chân sút Hà Lan cũng như thành của Vauban không chịu nổi đại bác.
Viết bài trong một chặng dừng chân ở gần Bern, Thụy Sĩ, tháng 6/2008, cho EURO 2008. |
Hai năm sau, trong chuyến đi công tác ở Nam Phi cho World Cup 2010, tôi đã suýt chết trong một khu cùng đinh khi bị cướp. Nhưng vụ đó không khiến tôi nhớ lâu và xúc động khi một lần đến một trung tâm nhân đạo cho trẻ em nghèo ở ngoại ô Pretoria, Nam Phi. Khi tôi đang đứng xem bọn trẻ múa hát, thì cánh cửa sau lưng tôi kẹt mở. Một thằng bé đang rón rén mở ra để ngó vào trong. Tôi thấy mắt nó ngấn nước. Có vẻ như nó đã khóc trước đó. Tôi liền cầm máy ảnh và chụp liên tục khoảnh khắc cánh cửa khẽ mở và gương mặt thằng bé trong vùng ánh sáng. Thì ra, thằng bé bị phạt và bị bắt đứng ngoài một lúc. Nhưng điều khiến tôi xúc động là mấy đứa trẻ nói rằng, nó đang nhiễm HIV. Điều đó có nghĩa là và thời điểm này thì nó đã không còn sống nữa rồi. Và như thế, đấy sẽ là tấm ảnh để đời đối với tôi, khiến tôi sẽ mãi không quên. Tôi đã lấy tấm ảnh đó để làm ảnh bìa cho cuốn “Phút 90++” của mình.
Gắn bó với thể thao đã lâu và đã gắn với rất nhiều giải bóng đá nổi tiếng thế giới, từ World Cup, EURO… chắc chắn đã cho anh rất nhiều kinh nghiệm để có thể viết hay về bóng đá?
Trước tiên, đó là tình yêu bóng đá một cách say mê và sau đó là tình yêu ấy đưa tôi đến nghiệp làm bình luận viên bóng đá, tức là đi sâu hơn, chuyên môn hơn, kỹ càng và sâu sắc hơn về môn thể thao này. Thời gian càng trôi qua thì kinh nghiệm càng nhiều hơn, dày dạn hơn và từng trải hơn. Nhưng đó chỉ là về mặt chuyên môn đơn thuần. Để viết hay và được độc giả, khán giả chú ý đón đọc và đón xem thì còn phải nhiều yếu tố khác nữa, trong đó có việc truyền cho họ sự đam mê cháy bỏng của chính mình nữa. Tôi nghĩ là tôi làm được điều này, một cách rất tự nhiên.
Lần tham dự EURO này, cảm xúc có đặc biệt không? Anh mang theo hành trang là gì và hy vọng mình sẽ thu hoạch được gì sau hành trình này? Ở mỗi đất nước mà anh đặt chân đến, ngoài làm nhiệm vụ chính, anh luôn có niềm đam mê khám phá và ghi lại bằng những tác phẩm ảnh được rất nhiều người biết tới. Lần tới Pháp này anh dự kiến sẽ khám phá gì và ghi lại những gì?
Tôi đã qua nước Pháp vài lần trong những năm tháng sống và làm việc ở Châu Âu, nhưng chưa lần nào lâu như thế này, hơn một tháng. Và đây chính là một cơ hội lớn đối với tôi, bởi trước khi đến với nước Ý thì nước Pháp giống như mối tình đầu của tôi. Bởi văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ và các danh nhân Pháp đã ảnh hưởng lên tôi rất nhiều khi tôi còn nhỏ. Qua nhiều năm, khối kiến thức đó cứ lớn lên mãi, bồi bổ theo tháng năm. Rất nhiều địa danh ở Pháp tôi thậm chí thuộc lòng và ước mơ sẽ có ngày nào đó đến tận nơi và khám phá trực tiếp. Trở lại nước Pháp theo một hành trình cho EURO nhưng không quên những gì đã ở trong lòng từ trước chính là cơ hội để tôi ôn lại những gì đã biết và hiểu thêm những gì chưa hiểu hoặc chưa biết về đất nước này. Tôi sẽ thể hiện điều đó qua những bài viết, những tấm ảnh được thực hiện trên hành trình kéo dài một tháng dưới bốn bánh xe trên đất Pháp. Đấy không chỉ là nước Pháp của bóng đá, mà còn hơn thế nữa, văn hóa, lịch sử, phong tục, con người, những số phận, những điều mà bạn không thể thấy được trên sân cỏ. Bằng kiến thức, sự khao khát đi, tìm hiểu và gặp gỡ của mình, tôi sẽ phản ánh điều ấy qua các cung đường tôi đã đi.
Một dự đoán và mong chờ nào của anh cho EURO 2016?
Tôi đánh giá rất cao hai đội Pháp và Bỉ. Hai ứng viên hàng đầu sẽ là họ.
Xin trân trọng cảm ơn anh!