Bơi Việt Nam lật trang lịch sử?

Với những gương mặt nổi bật là Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Quý Phước, bơi Việt Nam hứa hẹn sẽ có một kỳ Asiad 2014 đáng nhớ...


Mục tiêu huy chương


Là một trong hai môn cơ bản của Olympic, nhưng trong quá khứ, bơi chưa bao giờ là thế mạnh của thể thao Việt Nam ở đấu trường Đông Nam Á. Sân chơi châu lục lại càng nằm ngoài tầm với. Mặc dù vậy, khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, tình hình đã được cải thiện đáng kể, nhờ việc bơi Việt Nam sở hữu một lứa vận động viên xuất sắc và đang quyết liệt đầu tư tạo đột phá về thành tích cho những gương mặt này.


Ánh Viên được kỳ vọng giành huy chương ở nội dung 200m ngửa.


Ở hai kỳ SEA Games gần đây, các “kình ngư” Việt Nam đang dần vẽ lại bản đồ bơi khu vực. Từ 2 tấm HCV của Quý Phước tại Indonesia 2011, bơi Việt Nam đã có tới 5 HCV tại Myanmar 2013, trong đó có 3 HCV của Ánh Viên. Dù chưa thể so sánh với Singapore, nhưng thành tích lịch sử này cũng giúp bơi Việt Nam đã là đối trọng của Thái Lan và Indonesia tại sân chơi Đông Nam Á. Năm 2012, Ánh Viên cũng trở thành VĐV bơi đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn Olympic và góp mặt ở sân chơi thế giới tại London.


Với những tín hiệu tích cực như vậy, rất nhiều người đang chờ đợi bơi Việt Nam gây bất ngờ tại Asiad 17, sẽ diễn ra từ ngày 19/9 - 4/10/2014, tại Incheon (Hàn Quốc). Trước đó, thành tích tốt nhất của bơi Việt Nam ở Asiad thuộc về Võ Thái Nguyên: Tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2010, Thái Nguyên về đích thứ 8/8 tại lượt bơi chung kết nội dung 200m bướm nam.


Ông Đinh Việt Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội thể thao dưới nước, cho biết: “Mục tiêu đặt ra cho Ánh Viên và Quý Phước tại Asiad 17 là lọt vào tốp 5 ở các nội dung tham dự, trong đó Ánh Viên có hai nội dung đặt chỉ tiêu tốp 3 và Quý Phước cũng có nội dung có khả năng đạt huy chương. Ngoài ra, Trần Duy Khôi và Lâm Quang Nhật phải phấn đấu lọt vào chung kết các nội dung sở trường”.


Mới 4 năm mà mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, đó thực sự là điều đáng mừng cho bơi Việt Nam.


Giữa mơ và thực


Hiện tại, kỳ vọng về tấm huy chương lịch sử cho bơi Việt Nam tại Asiad 17 được đặt trên vai Ánh Viên ở nội dung 200m ngửa nữ. Tại SEA Games 27, cô gái 17 tuổi người Cần Thơ đã phá kỷ lục của đại hội ở nội dung này, với thành tích 2 phút 14 giây 80, nhưng đó vẫn chưa phải là thành tích tốt nhất của Ánh Viên (thường là 2 phút 11 giây trong tập luyện). Trong khi đó, thành tích đạt HCĐ tại Asiad 16 ở nội dung này là 2 phút 09 giây 72.


Tương tự như vậy, ở một nội dung sở trường khác là 400m hỗn hợp cá nhân nữ, Ánh Viên cũng vừa phá kỷ lục tại SEA Games 27, với thành tích 4 phút 46 giây 16. Nhưng thành tích này kém hơn 4 giây so với HCĐ Asiad 16.


Đối với Quý Phước, ở nội dung 200m tự do nam, VĐV người Đà Nẵng đã lấy HCV SEA Games 27 với thành tích 1 phút 50 giây 64, trong khi HCĐ ở Asiad 16 là 1 phút 47 giây 73.


Năm 2014, Tổng cục Thể dục thể thao rót 200.000 USD tiền kinh phí tập huấn và thi đấu cho bộ môn bơi. Điều đáng mừng là việc đầu tư cho các VĐV trọng điểm tiếp tục được chia sẻ bởi địa phương và các đơn vị chủ quản, như trường hợp của Ánh Viên (Bộ Quốc phòng), Quý Phước (Đà Nẵng) hay Duy Khôi (TP Hồ Chí Minh).

Như vậy, có thể thấy giữa SEA Games và Asiad vẫn có một khoảng cách. Đặt mục tiêu giành huy chương Asiad, nhưng nếu không cải thiện thành tích và sẵn sàng về mặt tâm lý, các “kình ngư” Việt Nam có thể sẽ bị “ngợp”, dẫn đến thất bại. Ngay tại SEA Games 27, Ánh Viên đã không thể hiện được phong độ tốt nhất, một phần vì lý do tâm lý. Cô thậm chí còn bị HLV Đặng Anh Tuấn “mắng” khi giành HCV, vì vẫn không vượt qua được thành tích của chính mình.


Để chuẩn bị tốt nhất cho Asiad 17, Ánh Viên đã sang Mỹ tập huấn từ ngày 1/1. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Ánh Viên được đầu tư tập huấn dài hạn như vậy ở Mỹ. Sau quãng thời gian chuẩn bị về thể lực, mới đây, Ánh Viên đã tham dự giải bơi mùa xuân bang Florida và xuất sắc giành 4 HCV và 2 HCB, trong đó có 1 kỷ lục ở nội dung 400 yard hỗn hợp cá nhân (1 yard bằng 0,9144m). Tuy nhiên, theo ông Đinh Việt Hùng, đó mới là màn khởi động và sắp tới Ánh Viên mới bắt đầu bước vào các bài tập nâng cao thành tích cho Asiad.


Tương tự như vậy, Quý Phước cũng vừa “khởi động” hết sức ấn tượng tại giải bơi vô địch quốc gia bể 25m năm 2014: Giành 15 HCV, trong đó có 11 HCV cá nhân. Tại giải này, Quý Phước phá 2 kỷ lục quốc gia, ở các nội dung 400m tự do và 200m bướm. Trước đó, Quý Phước cùng một HLV người Trung Quốc đã sang tập huấn tại Côn Minh (Trung Quốc), với mục đích chính là rèn thể lực. Vào đầu tháng 4 tới, “rái cá” sông Hàn sẽ quay trở lại Trung Quốc để bước vào giai đoạn chuẩn bị tăng cường.


Các VĐV trẻ khác như Duy Khôi, Quang Nhật, Nguyễn Thị Kim Tuyến... cũng được đầu tư trọng điểm trong năm nay, hướng tới những cái đích xa hơn là Olympic 2016 và Asiad 2019.

 

Song Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN