Bóng chuyền nam dồn sức cho giải Vô địch thế giới

Trong khi vòng chung kết giải đấu Vô địch thế giới bóng chuyền nam lần thứ 18 phải tới tận khoảng tháng 8, tháng 9/2014 mới diễn ra nhưng ngay từ bây giờ, bóng chuyền nam thế giới đang dồn sức cho giải đấu lớn này.

 

Cứ 4 năm một lần, Vô địch thế giới bóng chuyền nam mới được tổ chức. Điều đó giải thích sự quan tâm và chuẩn bị kỹ càng cho một giải đấu lớn. Một loạt công tác chuẩn bị và đấu loại đã được tiến hành ngay từ tháng 1. Tại Lodz (Ba Lan) nơi lần đầu tiên đăng cai tổ chức giải đấu này, người ta đã đặt một chiếc đồng hồ lớn đếm ngược khoảng thời gian gần 8 tháng cho tới ngày diễn ra vòng chung kết giải đấu. Thậm chí, trong giới, nhiều những dự đoán đã được đưa ra. Nó cho thấy tính cam go và hấp dẫn của giải đấu hàng đầu của bộ môn bóng chuyền.

 

Đội tuyển Uganda và đội tuyển Kenya thi đấu tại vòng loại khu vực châu Phi.


Ở châu Âu, tất cả các trận đấu loại của giải đấu đã được diễn ra trong vòng tháng 1 tại 5 nước Séc, Serbia, Đức, Pháp và Slovakia. Mỗi giải đấu loại sẽ bao gồm 4 đội trong một bảng. 5 bảng đấu sẽ chọn ra được 5 đội vô địch vòng bảng và 1 đội nhì thành tích tốt để đưa vào chơi ở vòng chung kết.


Tại châu Phi, sẽ có 3 giải đấu vòng bảng được tổ chức tại Cameroon, Tunisia và Ai Cập. Mỗi bảng gồm 5 đội chọn ra 3 đội nhất bảng thi đấu vòng sau. Tại khu vực bóng chuyền Bắc, Trung Mỹ và Caribe (NORCECA), phải đến tháng 5 và 6 mới diễn ra các trận đấu vòng loại tại Mỹ, Cuba, Canada và Puerto Rico. 4 bảng đấu, mỗi bảng bao gồm 4 đội tuyển và 1 đội thắng trận play-off khu vực diễn ra vào tháng 7.

 

Brazil - nhà vô địch 3 năm liên tiếp.


Như vậy là tới sát lễ khai mạc vòng chung kết mới có thể biết hết tên đội nào sẽ tiếp tục nhận vé tới 6 thành phố xinh đẹp của Ba Lan bao gồm Gdansk, Wroclaw, Bydgoszcz, Katowice, Lodz và Krakow. Trước đó, 10 trong số 24 quốc gia lọt vào vòng chung kết đã được ghi danh bao gồm nước chủ nhà Ba Lan, đương kim vô địch Olympic Nga, Italia là các quốc gia thuộc châu Âu; Úc; Iran, Trung Quốc, Hàn Quốc là các quốc gia từ châu Á, Argentina, Venezuela và Brazil từ Nam Mỹ.


Là nước chủ nhà cho Olympic 2016, Brazil vẫn tiếp tục tham vọng thống trị ở giải đấu bóng chuyền lớn nhất diễn ra cứ 4 năm một lần này. Cho tới nay, giải đấu cuối cùng mà chức vô địch không thuộc về Brazil là từ năm 1998, khi Italy bước lên bục nhận giải cao nhất. Sau đó, Brazil vô địch cả 3 giải tiếp theo bao gồm 2002, 2006, 2010. Và năm nay, Brazil rất mong chờ một giải đấu làm nên kỷ lục mới trong làng bóng chuyền thế giới. Tuy vậy, Nam Phi đang đóng vai trò kẻ quấy rối với lực lượng phát triển nhanh. Ngoài ra, Nga cũng đang khát danh hiệu lớn này sau khi giành cả chức vô địch Olympic, giải Vô địch châu Âu và giải thế giới World League được tổ chức trong giai đoạn 2 năm qua.

 

Barbados có được lợi thế tại vòng loại khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribe (NORCECA).


Thậm chí, chính Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ sự quan tâm của mình tới bóng chuyền khi nhắc tới thành công của đội tuyển nước nhà là “góp phần làm tăng sức mạnh quốc gia” trong bài phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 90 năm bóng chuyền Nga.


Với 6 chức vô địch tính từ giai đoạn Liên Xô thì Nga là quốc gia thành công nhất tại Giải Vô địch bóng chuyền nam thế giới. Tuy nhiên, tính tới giải vô địch lần cuối năm 1982 tại Buenos Aires thì đã 32 năm Nga chưa được nhận lại chiếc huy chương vàng. Cả Brazil và Italy đều được đứng lên bục danh dự tới 3 lần, Czechoslovakia nhận giải thưởng lớn 2 lần. Số chức vô địch còn lại chia cho Mỹ, Đông Đức và Ba Lan. Đội tuyển nước chủ nhà từng vô địch giải đấu năm 1974 tại Mexico City.


Giải đấu năm nay thiếu vắng Nhật Bản khi đội tuyển này thất bại ở vòng loại khu vực châu Á. Sự gia tăng số lượng các quốc gia được tham gia đấu loại không chỉ thể hiện sự phát triển của bóng chuyền mà còn cho thấy rõ sự khắc nghiệt và cạnh tranh ngày một gia tăng. Tại giải Vô địch thế giới 2010, chỉ có 113 đội tuyển thi đấu vòng loại thì năm nay con số này đã tăng lên thành 154 đội tuyển. Tổng số 100 trận đấu loại mới xác định được 24 đội tuyển vào vòng chung kết tại Ba Lan. 24 đội bóng này sẽ được chia thành 4 bảng thi đấu vòng tròn để chọn ra 16 đội nhất nhì bảng vào vòng 2. Vòng 2 tiếp tục chia làm 2 bảng, mỗi bảng 8 đội để chọn ra 8 đội xuất sắc nhất thi đấu vòng tứ kết. Tiếp đến là các trận bán kết, chung kết.


2014 đang chờ đón những trận đấu nóng trên các sân bóng chuyền.


Minh Đăng

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN