Bóng đá châu Âu thua lỗ kỷ lục

Theo báo cáo tài chính thường niên của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), các CLB châu Âu đã thua lỗ 1,7 tỷ euro trong năm 2011. Đây là con số kỷ lục nếu so với mức thâm hụt đã lên rất cao: 1,64 tỷ euro năm 2010 và 1,2 tỷ euro năm 2009.


Malaga đang ngập trong nợ nần do “vung tay quá trán”. Ảnh: Reuters


Theo kế hoạch, những quy định về fair-play tài chính của UEFA sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2014 và buộc các đội bóng tham dự Cúp châu Âu phải đạt được sự cân bằng về thu chi. Tuy nhiên, với những tiết lộ mới về tình hình tài chính của các CLB thì công việc vẫn còn rất ngổn ngang trước mắt các nhà hoạch định chính sách của UEFA.


Trong phần đầu của bản báo cáo tài chính, đánh giá tình hình kinh doanh của 679 CLB đang đá ở hạng cao nhất tại 53 liên đoàn thành viên UEFA, Chủ tịch Michel Platini nhấn mạnh: “Nhiều CLB bóng đá, kể cả một số CLB danh tiếng, đang gặp phải những khó khăn lớn về tài chính. Điều này dẫn đến việc con số thua lỗ của các CLB hạng nhất châu Âu tăng lên”.


55% các CLB tuyên bố lỗ ròng


Theo UEFA, 63% các CLB đang chơi ở hạng cao nhất tại các giải vô địch quốc gia châu Âu tuyên bố thất thu trong kinh doanh và 55% lỗ ròng. Năm 2011, các CLB châu Âu thua lỗ 1,7 tỷ euro. Như vậy, một mốc mới đã được xác lập sau các kỷ lục thua lỗ trước đó trong năm 2010 (1,64 tỷ euro) và 2009 (1,2 tỷ euro). Tình hình tài chính xuống dốc của bóng đá châu Âu là thực sự đáng báo động, bởi vào năm 2007, tổng số thua lỗ của các CLB mới chỉ dừng ở mức 600 triệu euro.


Nghiên cứu của UEFA cũng nhấn mạnh rằng bất chấp doanh thu tăng, đạt 13,2 tỷ euro trong năm 2011 (+3% so với năm 2010), các CLB châu Âu đã rất hạn chế đầu tư một cách dài hơi. Giá trị bất động sản hữu hình (sân vận động, sân tập, trung tâm huấn luyện và các trang thiết bị khác) của 237 CLB đăng ký tham dự các giải đấu của UEFA mùa này được đánh giá vào khoảng 4,8 tỷ euro. Con số này thấp hơn nhiều so với những khoản chi vào tiền lương cầu thủ và các chi phí hoạt động trong năm 2011 (6,9 tỷ euro).


46 CLB phải cải thiện tình hình tài chính


Việc kiểm soát quỹ lương khổng lồ đang là thách thức lớn nhất đối với các CLB châu Âu. Trên thực tế, tiền lương và chi phí hoạt động đã tăng % từ năm 2007 đến 2011, ngốn phần lớn doanh thu cùng kỳ (24%). Trong khi đó, các chi phí nhân sự và chi phí chuyển nhượng vào thời điểm này cũng chiếm 71% tổng thu nhập của các CLB châu Âu.


Kết quả nghiên cứu về khả năng cân bằng tài chính trong 3 mùa giải gần đây (2009, 2010, 2011) chỉ ra rằng 46 CLB tại 22 quốc gia hiện cần phải cải thiện mức chênh lệch thu chi của mình, nếu đặt giả thiết quy định về fair-play tài chính của UEFA đã có hiệu lực. Các đội bóng đã mua sắm “bạt mạng” trong những kỳ chuyển nhượng gần đây như Manchester City, Chelsea và Paris Saint-Germain tất nhiên cũng nằm trong số này.


Ở đó, 14 CLB đăng ký tham dự các Cúp châu Âu đã ghi nhận con số thua lỗ trên mức 45 triệu euro (mỗi CLB). 32 CLB còn lại thua lỗ từ 5 đến 45 triệu euro. Các CLB này đều đã phải dùng những nguồn vốn riêng hoặc tự huy động vốn để vượt qua khó khăn. Mặc dù vậy, tỷ lệ các CLB tuyên bố “âm” về nguồn vốn riêng đã tăng từ 36 lên % trong năm 2011. 1/7 số CLB thậm chí đang bày tỏ nghi ngờ về công việc kinh doanh của mình trong tương lai.


Dù sao, những hiệu ứng đầu tiên liên quan đến quy định về fair-play tài chính đã bắt đầu được thấy. Theo đó, từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2012, UEFA ghi nhận việc giảm 47% những khoản tiền nợ đọng liên quan chuyển nhượng, tiền lương, các chi phí xã hội và tiền thuế. Các CLB châu Âu có lẽ đã học được bài học từ Malaga: Do không thể thanh toán các hóa đơn tài chính, CLB của Tây Ban Nha này đã bị cấm tham dự các Cúp châu Âu mùa giải sau.



Bảo An


Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN