Theo Ban tổ chức giải K-League, để thực hiện thành công việc nối lại thi đấu hiện nay, toàn bộ cầu thủ, HLV, trọng tài, quan chức, nhân viên… đều được xét nghiệm COVID-19 và lần gần nhất là ngày 1/5, đến nay đều xác nhận toàn bộ âm tính.
Dù đấu lại, giải K-League sẽ diễn ra trong sân không khán giả, cũng như phải thực hiện các quy trình nghiêm ngặt về phòng tránh lây lan dịch bệnh.
Giải vô địch quốc gia Đức (Bundesliga) ở châu Âu sẽ là giải thứ hai ở quy mô toàn cầu được nối lại thi đấu vào giữa tháng 5 tới đây sau khi chính phủ nước này chính thức cấp phép cho thi đấu. Bundesliga tái xuất ở thời điểm hiện tại, dù trên các sân không có khán giả nhưng cũng là tín hiệu kéo bóng đá châu Âu trở lại sân cỏ. Đó cũng sẽ là tín hiệu hết sức tích cực khi đỉnh dịch có thể đã đi qua.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha trao quyền cho Liên đoàn bóng đá nước này tự xác định thời điểm để La Liga trở lại, dự kiến vào đầu tháng 6 sau khoảng 4 tuần tập luyện. Serie A (Italy) cũng đã bắt đầu cho phép các đội bóng tập luyện từ ngày 5/5.
Ban tổ chức Ngoại hạng Anh (Premier League) muốn giải đấu trở lại vào ngày 12/6 tới. Tuy nhiên nếu có thêm vấn đề phát sinh, các trận đấu ở Premier League có thể lùi lại 1 tuần nữa. Như vậy, Premier League buộc phải trở lại vào ngày 19/6 hoặc nếu không, giải đấu này sẽ không thể hoàn tất vào thời hạn 2/8 mà Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA đưa ra cho các giải vô địch quốc gia tại châu Âu.
Nếu chính phủ Anh không thể nới lỏng lệnh phong toả vào hôm thứ Năm tới, ban tổ chức Premier League có thể đối mặt với sức ép về thời gian. Họ không có nhiều thời gian để tổ chức 92 trận còn lại khi mà UEFA đã ra thời hạn để hoàn tất mùa bóng.
Trong thời gian qua, Ban tổ chức Ngoại hạng Anh, đại diện các CLB cùng các cơ quan liên quan đã có những cuộc họp trực tuyến để bàn những phương án tốt nhất khi mùa bóng 2019 - 2020 thi đấu trở lại.
Trong những phương án được đưa ra, có cả phương án giảm bớt số phút mỗi hiệp bởi cầu thủ không đảm bảo được thể lực sau thời gian dài cách ly. Khi trở lại các vòng đấu sẽ phải diễn ra liên tục để kịp thời gian kết thúc mùa bóng.
Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) muốn Ngoại hạng Anh rút ngắn bớt thời gian thi đấu nếu giải này được tổ chức trở lại. Giám đốc điều hành PFA, ông Gordon Taylor bày tỏ quan điểm, việc các trận đấu sẽ được tăng thêm số lượt thay người của mỗi đội, một hiệp đấu cũng có thể ít hơn 45 phút.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh Rick Parry cho rằng, khi giải đấu trở lại, các trận đấu phải diễn ra liên tục, nên việc giảm thời lượng thi đấu có thể giúp người chơi nhanh phục hồi và giảm khả năng bị chấn thương.
Vì áp lực tài chính, Premier League dự kiến được tổ chức trở lại vào giữa tháng 6 cho dù tình hình COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Anh.
Trước quy định chốt kế hoạch các giải bóng đá châu Âu vào 25/5 của UEFA, hiện nay, một loạt các giải vô địch quốc gia châu Âu cũng đã kịp thời công bố phương án tổ chức các giải đấu trong nước.
Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến thi đấu giải vô địch quốc gia từ ngày 12/6 và kết thúc giải đấu này vào ngày 26/7 để chuẩn bị địa điểm tổ chức trận chung kết UEFA Champions League 2020 vào tháng 8. Để đảm bảo lịch thi đấu, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tổ chức cả các trận đấu vào giữa tuần.
Croatia cũng đã quyết định đưa bóng đá của nước này trở lại bằng trận đấu tranh Cúp liên đoàn diễn ra từ ngày 10/5. Giải vô địch quốc gia sẽ trở lại thi đấu từ ngày 6/6 trên các mặt sân không khán giả. Thể thức thi đấu của giải vô địch quốc gia này cũng được rút gọn, sẽ chỉ thi đấu 4 vòng đấu nữa để phân nhóm. Sau đó, sẽ chỉ có nhóm tranh chức vô địch và nhóm tranh suất trụ hạng là thi đấu nốt 7 vòng đấu cuối. Cùng với đó, Croatia cũng hủy hết các giải hạng 2 và 3.
Serbia đang lựa chọn ngày 5/6 hoặc 12/6 để đưa giải vô địch quốc gia nước này trở lại do các cầu thủ cần 4 tuần tập luyện để phục hồi thể lực sẵn sàng thi đấu đỉnh cao.