Thua cả 4 trận, chỉ ghi được 1 bàn thắng và để lọt lưới tới 14 bàn, ĐT U19 Việt Nam đã thất bại lớn tại giải U19 Đông Nam Á mở rộng, vừa kết thúc ngày 8/9 tại TP Hồ Chí Minh. Những thất bại liên tiếp của các đội trẻ quốc gia thời gian vừa qua đã minh chứng cho thực trạng yếu kém của bóng đá Việt Nam.
Bỡ ngỡ ngay trên sân nhà
Với tư cách là đội chủ nhà nhưng thầy trò HLV Mai Đức Chung đã gây thất vọng khi có đến 3 trận thua đậm cùng tỷ số 0 - 4, để rồi nằm ở vị trí “đội sổ”. Những trận thua này đều có nguyên nhân từ việc thiếu kinh nghiệm thi đấu của các tuyển thủ trẻ. Ở phần lớn những trận đấu, ĐT U19 Việt Nam đã có những sự khởi đầu khá tốt với lối chơi kỹ thuật, kiểm soát bóng ở giữa sân. Tuy nhiên, khả năng dứt điểm kém và sự thiếu bản lĩnh đã khiến các cầu thủ trẻ đánh mất lợi thế và hụt hơi.
U19 Việt Nam (trái) “hụt hơi” trước những đối thủ mạnh. |
Trước những đối thủ vượt trội về thể hình, thể lực như U19 Udơbêkixtan, hay có lối chơi áp sát với tốc độ cao như U19 Ôxtrâylia, U19 Việt Nam nhanh chóng rơi vào thế bị động. Các vị trí không còn liên kết nên đối phương rất dễ bẻ gãy hàng phòng ngự chỉ bằng những đợt tấn công không mấy phức tạp. Cùng với đó, khi bị thủng lưới từ sớm, các cầu thủ U19 Việt Nam xuống tinh thần và hầu như không còn sức chiến đấu.
Vấn đề dứt điểm được HLV Mai Đức Chung coi là hạn chế lớn nhất của ĐT U19 Việt Nam. Hàng tiền đạo không có cái tên nào nổi bật, ngay cả tiền vệ tài năng nhất là Thái Sung cũng gặp bất lợi về thể hình, nên không thể xoay xở trước các đối thủ cao to. Những pha dàn xếp tấn công nhanh chóng bị hóa giải, khi các cầu thủ loay hoay trong những pha bóng quyết định. Trong khi đó, cả hai thủ môn Sơn Hải và Văn Lâm đều thường xuyên mất tập trung và lúng túng trong những pha xử lý.
Báo động... trẻ
Bóng đá trẻ Việt Nam đang rơi xuống mức rất thấp, đáng báo động. Không chỉ với ĐT U19, mà sự yếu kém của ĐT U22 Việt Nam cũng đã khiến VFF phải giật mình xem lại các đội tuyển trẻ. Tại vòng loại U22 châu Á hồi tháng 6 tại Mianma, ĐT U22 VN đã thua đậm những đối thủ ngang tầm như Malaixia, dưới tầm như Mianma và thậm chí là thua cả đối thủ không được đánh giá cao là Đài Loan (Trung Quốc).
Những thất bại trên đều có nguyên nhân xuất phát từ tình trạng làm bóng đá “bề nổi” hiện nay. Tại V - League và giải hạng Nhất, rất khó tìm ra một cầu thủ trẻ triển vọng. Các CLB do phải chạy đua theo thành tích nên thường tập trung vào việc chuyển nhượng hay nhập tịch các cầu thủ ngoại, mà quên đi khâu đào tạo trẻ. Đặc biệt, rất ít CLB tạo cơ hội cho những cầu thủ trẻ được ra sân thi đấu thường xuyên ở cấp độ cao. Điều đó dẫn đến việc khan hiếm tài năng trẻ phục vụ cho các đội tuyển. Các tuyển thủ trẻ được lên tập trung thì cũng lập tức bộc lộ sự non kinh nghiệm và thiếu động lực thi đấu. Thực tế ở 2 ĐT U19 và U22 đã cho thấy, các tuyển thủ trẻ rất bị động và trở thành những cá thể rời rạc trên sân.
Vòng chung kết U19 châu Á diễn ra vào tháng 11/2012 tại UAE, ĐT U19 Việt Nam sẽ là một trong hai đại diện của Đông Nam Á dự giải. Thầy trò HLV Mai Đức Chung còn quá nhiều việc phải làm khi dự đấu trường châu lục. Trọng trách vào chung kết SEA Games 27 năm 2013 cũng đang đến rất gần. Nếu chứng kiến những đối thủ như U22 Malaixia và Mianma đang tiến bộ vượt bậc, chưa kể đến Inđônêxia và Thái Lan, người hâm mộ sẽ không khỏi hoang mang trước mục tiêu mà bóng đá Việt Nam hướng tới.
L.K