Câu chuyện thể thao Bóng đá Anh đang trở lại thời... Trung cổ?

Danh tiếng về một giải đấu hấp dẫn, kịch tính và trong sạch hàng đầu thế giới của Premier League đang bị phủ mờ bởi những scandal liên quan tới phân biệt chủng tộc, một vấn đề đáng lẽ không được phép tồn tại ở những xã hội văn minh.

John Terry bị tố cáo là có những lời lẽ phân biệt chủng tộc với cầu thủ Anton Ferdinand của QPR.

Sau trận đấu giữa Liverpool với Manchester United hồi tháng 10 năm ngoái, hậu vệ Patrice Evra của M.U tố cáo tiền đạo Luis Suarez của Liverpool đã 7 lần sử dụng từ "negro" khi tranh cãi với anh. "Negro" vốn là một từ gốc Tây Ban Nha, ban đầu dùng để chỉ những người "da đen", sau càng ngày càng được dùng với nghĩa tiêu cực, tương đương "mọi đen". Suarez sau đó nói rằng ở quê anh Urugoay, người ta vẫn dùng từ "negro" khi nói chuyện với bạn bè. Tuy nhiên, lập luận của cựu cầu thủ Ajax, người từng chơi bóng bằng tay ở World Cup 2010 và cắn đứt tai đối thủ khi còn chơi ở giải Hà Lan, không được FA chấp nhận. Kết quả là anh bị treo giò tới 8 trận.

Vụ Suarez-Evra xảy ra vào ngày 5/10. Hơn 2 tuần sau, xảy ra vụ Terry-Ferdinand. Trong trận đấu giữa Queens Park Rangers với Chelsea, trung vệ đội trưởng của Chelsea John Terry bị tố cáo là đã có những từ ngữ mang tính phân biệt chủng tộc với cầu thủ Anton Ferdinand của QPR. Terry đã gọi Ferndinand là một "đống phân đen". Ban đầu, Terry phủ nhận. Nhưng kết quả phân tích khẩu hình cho thấy đúng là tuyển thủ Anh đã gọi Anton như thế. Sau đó, Terry lại nói rằng mọi người cần xem lại ngữ cảnh của câu chuyện. Terry dùng từ ngữ có tính phân biệt chủng tộc, nhưng không hề có ý phân biệt chủng tộc!?

Việc các cầu thủ có những hành vi, lời nói mang tính phân biệt chủng tộc trên sân là cực kỳ đáng trách. Nhưng công bằng mà nói, đôi khi một chút nóng giận nhất thời (như trong vụ Terry), hay sự thiếu hiểu biết về những khác biệt trong văn hóa (vụ Suarez), có thể khiến họ "phạm tội". Đáng trách hơn cả chính là cách những bên liên quan xử lý vấn nạn này.

Trong vụ Suarez, FA đã tỏ ra cực kỳ nghiêm khắc, và sự nghiêm khắc ấy của họ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ dư luận. Tuy nhiên, cũng trong vụ này, phía Liverpool lại tự làm xấu hình ảnh của mình khi một mực bảo vệ Suarez, xem anh ta như "nạn nhân" của những "trò bẩn" từ Evra và M.U. Liverpool thậm chí còn mặc cả áo có in hình Suarez ra sân để bày tỏ sự ủng hộ với anh ta. HLV Dalglish và các cầu thủ thì liên tục đăng đàn nói rằng Suarez của họ không bao giờ là một kẻ phân biệt chủng tộc. Nhưng chính cách hành xử này của Liverpool đã vô tình "cổ xúy" cho hành vi phân biệt chủng tộc. Trong thời gian gần đây, liên tục có các CĐV của họ bị cảnh sát bắt vì đã có những lời nói và các hành vi phân biệt chủng tộc (giả tiếng hú, động tác gãi người của khỉ) với các cầu thủ đối phương từ khán đài.

Nhưng không chỉ Liverpool, ngay cả FA cũng tỏ ra không nhất quán. Trong khi với vụ Suarez, họ làm nhanh, triệt để và đầy nghiêm khắc, thì ở vụ Terry, họ lại tỏ ra chần chừ. Hai vụ cùng xảy ra trong một tháng, nhưng trong khi vụ Suarez đã có phán quyết, và tiền đạo người Urugoay đã thực hiện xong án treo giò 8 trận của mình, thì vụ Terry tới giờ vẫn chưa có kết luận. Tòa án còn trì hoãn ngày xét xử tới tận tháng 7, nghĩa là Terry còn "an toàn" cho tới hết Euro 2012. Điều này khiến người ta không thể không nghĩ tới một sự phân biệt đối xử khác. Suarez bị xử nặng, xử nghiêm vì anh là người nước ngoài, trong khi Terry được ưu ái vì anh là người Anh, còn là thủ quân, trụ cột của tuyển Anh.

Động thái mạnh tay duy nhất mà FA đã thực hiện trong vụ Terry là tước băng thủ quân của anh. Nhưng họ lại gặp phải phản ứng quyết liệt từ HLV Capello vì quyết định này. Vị HLV người Italia khẳng định ông không đồng tình với FA, và rằng Terry "đã, đang và sẽ vẫn là đội trưởng của tôi". Có chăng khả năng sau đây FA trả lại băng đội trưởng, vốn chưa tìm được chủ nhân xứng đáng, cho Terry vì áp lực của Capello?

Tuệ Minh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN