Ngày càng ít cầu thủ nội địa được sử dụng trong đội hình các CLB giải Ngoại hạng Anh. Số lượng cầu thủ trẻ lại càng ít hơn. Hậu quả là U21 Anh thảm bại tại giải vô địch U21 châu Âu vừa qua, ngay từ vòng bảng. Phải chăng đã đến lúc cần phải có một cơ chế quota ở Premier League?
Do giá cầu thủ
Khi các tuyển thủ trẻ Anh tủi hổ chia tay giải vô địch U21 châu Âu, người ta muốn đổ hết lỗi lên đầu HLV Stuart Pearce. 3 trận thua, 1 bàn thắng, đứng bét bảng, tuy Pearce có sai lầm, nhưng lỗi lớn hơn thuộc về Liên đoàn Bóng đá Anh (FA). Hầu hết các tuyển thủ U21 Anh rất ít được thi đấu ở giải Ngoại hạng Anh, hoặc hoàn toàn mất hút trong đội hình 1 của các CLB. Thậm chí, tại vòng 1 Premier League mùa bóng mới, chỉ có 3 cầu thủ của đội U21 Anh được ra sân từ đầu: Ross Barkley, Jonjo Shelvey và Nathan Redmond.
Jonjo Shelvey (Swansea) là một trong số ít tuyển thủ trẻ Anh đang được đá chính tại Premier League.zimbio |
Làn sóng cầu thủ ngoại ở Anh chưa bao giờ dừng lại. Mỗi mùa chuyển nhượng, các đội bóng lại mang về nhiều ngoại binh. Và với ngoại binh, người ta không còn cần cầu thủ trẻ bản địa nữa. Ngay những cầu thủ Anh đã thành danh, có kinh nghiệm cũng phải cạnh tranh rất quyết liệt cho vị trí của mình. Cơ hội thể hiện mình bị hạn chế, ít được thi đấu cọ xát thường xuyên, nên việc năng lực của cầu thủ Anh bị mai một hay chững lại không có gì lạ. Quỹ cầu thủ cho đội tuyển quốc gia không phong phú và khoảng 10 năm nay, người ta vẫn thấy đi thấy lại những cái tên Frank Lampard, Steven Gerard, Wayne Rooney, Jermain Defoe, Ashley Cole hay Glen Johnson. Tính kế thừa là không cao và thành tích của đội tuyển Anh ở các giải đấu thì vẫn “làng nhàng” ở tứ kết là cùng.
Premier League hiện là giải đấu hái ra nhiều tiền nhất thế giới. Với cách chia tiền bản quyền truyền hình tương đối đồng đều cho 20 đội bóng, ngay cả các CLB nhỏ cũng được hưởng lợi lớn. Điều này tạo ra một sức hút lớn đối với các cầu thủ nước ngoài.
Thêm vào đó, nước Anh hiện có nhiều ông chủ nước ngoài là các tỷ phú. Có tiền, các ông chủ sẵn sàng tìm kiếm tài năng ở mọi nơi, miễn là xây dựng đội hình tốt. Ngoài Scotland, xứ Wales, Bắc Ailen và Ailen là các thị trường truyền thống, đã có 96 nước khác cung cấp cầu thủ cho Premier League từ trước tới nay. Hiện tại, Pháp chiếm thị phần nhiều nhất, với 35 cầu thủ. Tây Ban Nha đang ngày càng tăng, đến nay đã là 32 cầu thủ.
Một kỷ lục mới ở giải Ngoại hạng Anh đã được thiết lập trong mùa hè năm nay: 67% số cầu thủ được đăng ký thi đấu là người nước ngoài. Sự thực đáng kinh ngạc là chỉ có 75 cầu thủ là người Anh trong mùa giải Premier League 2013 - 2014 cho tới thời điểm hiện tại. |
Ngoài ra, các đội bóng cũng than rằng các cầu thủ Anh thành danh luôn có giá cao. Đơn cử như Andy Caroll, người đã làm Liverpool phá két đến 35 triệu bảng để tậu về từ Newcastle năm 2011. Chi phí đào tạo cầu thủ ở Anh không hề nhỏ, do đó, nhiều ông chủ sẵn sàng thổi giá cao cho các cầu thủ Anh có “số má”. Giá của người Anh đắt, vậy tại sao không đi tìm các món hàng nước ngoài, nếu rẻ hơn, để có kết quả tốt hơn?
Quả thực là các cầu thủ nước ngoài, nếu có danh tiếng tương đương, thường có giá rẻ hơn. Xu thế cầu thủ Tây Ban Nha đổ xô tới Anh là ví dụ điển hình. Ở Tây Ban Nha, tình hình kinh tế đang ảm đạm, cộng với cơ chế trả tiền bản quyền truyền hình thiên lệch khiến đa số các đội không rộng rãi với hầu bao của mình. Hơn nữa, thuế thu nhập ở Tây Ban Nha rất cao. Vì vậy các cầu thủ nước này đang tìm cách tới Anh, nơi họ có thể tìm thấy nhiều ông chủ tỷ phú, đại gia dầu mỏ có thể trả lương nhiều hơn cho họ. Roberto Soldado (26 triệu bảng) hay Alvaro Negredo (16,4 triệu bảng) vẫn được coi là các món hàng hời cho Tottenham và Manchester City mùa hè này. Tình hình tương tự cũng diễn ra với các cầu thủ Pháp.
Cần có một quota?
Quá nhiều ngoại binh không phải là một biểu hiện tích cực cho bất kỳ nền bóng đá nào. Nhiều nước cũng đã áp dụng quy định giới hạn cầu thủ nước ngoài và phải chăng Anh nên áp dụng? FA hiện đã có luật buộc các đội phải đăng ký ít nhất 8 cầu thủ nội địa trong danh sách, nhưng biện pháp này không đảm bảo vị trí cho các cầu thủ người Anh. Phải có một số lượng cầu thủ Anh nhất định được thi đấu trên sân trong mỗi trận. Bất cập là Cesc Fabregas, người trước đây đến Arsenal dưới dạng đào tạo, cũng được coi là “nội địa”. Cần đảm bảo cầu thủ mang quốc tịch Anh chính thống được hưởng nhiều quy chế ưu đãi hơn.
Ý tưởng này có vẻ rất khó thực hiện. Cầu thủ EU có quyền ngang với người Anh. Nếu FA hạn chế họ, chắc hẳn Nghị viện châu Âu sẽ không hài lòng. Hơn nữa, hiện có quá nhiều cách để các cầu thủ ngoài EU xin được hộ chiếu EU và không cần phải xin tại Anh.
Kể từ khi Chelsea đưa vào sân một đội hình toàn ngoại binh hồi năm 1999, ngày nay hầu hết các CLB Anh đều ít để tâm đến vai trò của cầu thủ nội. Trận đấu vòng 1 Premier League mùa này giữa Sunderland và Fulham cũng chỉ có 4 cầu thủ Anh ra sân. Nếu các đội bóng Anh không thôi “ích kỷ” vì thành tích, các đội tuyển của nước này sẽ còn tụt hậu xa hơn nữa.
Trần Anh