Champion League 2014-2015: Vì sao các đội bóng Anh sớm thất bại

Sau thất bại sớm của các câu lạc bộ bóng đá của giải Ngoại hạng Anh tại Champion League mùa giải này, nhiều chuyên gia và fan hâm mộ làng túc cầu tỏ ra nuối tiếc cho sự sa sút của các đại diện bóng đá xứ sở sương mù. Tuy nhiên, nếu nhìn lại chất lượng của các câu lạc bộ thuộc giải Ngoại hạng Anh những năm gần đây so với các câu lạc bộ lớn của châu lục, sự thất bại đó không có gì khó hiểu.

Thất bại báo trước


Trong nhiều mùa bóng trở lại đây, các câu lạc bộ của Bóng đá Anh liên tục thất bại trên đấu trường châu lục. Không còn là hạt giống số một cho ngôi vương, chất lượng chuyên môn của các đại diện từ giải Ngoại hạng cũng không được đánh giá cao. Chính vì thế, sau khi đại diện sáng giá nhất Chelsea bị loại sớm khỏi Champion League ngay tại vòng 1/16, nhiều người đã coi đó là dấu chấm hết của các câu lạc bộ giải Ngoại hạng Anh trong cuộc phiêu lưu giành chiếc cúp danh giá nhất châu Âu. Không ngoài dự đoán, sau Chelsea, lần lượt Arsenal và Manchester City cũng ngậm ngùi về nước.

Cú xảy chân của Fabregas và Chelsea đánh dấu sự thất bại của các đại diện xứ sở sương mù tại Champion League mùa này.


Nhìn lại những mùa giải gần đây, thực chất thất bại sớm tại Champion League mùa này là điều không bất ngờ. Tuy nhiên, điều mà mọi người quan tâm là các đại diện tới từ sứ sở sương mù đã phải dừng chân quá sớm ngay tại vòng 1/16. Tại mùa giải Champion League 2012-2013, Ngoại hạng Anh không có đại diện nào qua được vòng 1/16. Mùa giải Champion League 2013-2014, Chelsea và Manchester United đại diện cho các câu lạc bộ của Anh tiến vào vòng tứ kết, nhưng đều nhận những thất bại cay đắng và phải dừng chân trước bán kết. Thành tích cao nhất của đại diện bóng đá Anh tại giải đấu danh giá nhất châu Âu là chiếc cúp vô địch thì đã từ mùa giải 2011-2012 cũng nhờ sự may mắn của Chelsea trong loạt đá luân lưu 11m. Bởi, tại mùa giải đó, Chelsea thực sự sa sút trên đấu trường quốc nội, chẳng ai dám nghĩ Chelsea sẽ vô địch châu Âu nhờ lối đá thực dụng của Mourinho.

Kể từ sau giai đoạn đỉnh cao của bóng đá Anh tại mặt trận châu Âu Champion League kéo dài từ 2005-2009, khi bóng đá Anh luôn có những đại diện góp mặt trong trận chung kết, thậm chí năm 2008, cả 2 đội bóng của Anh đều xuất sắc vượt qua các câu lạc bộ khác để có mặt tại trận chung kết Champion League tại Luzhniki (Moskva, Nga) các đại diện của Premier League đã thực sự xuống sức. Thậm chí, tại mùa giải 2010-2011 và 2011-2012 khi lần lượt Manchester và Chelsea lọt vào chung kết Champion League thì cả hai đều không còn được đánh giá cao tại mùa giải đó. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các câu lạc bộ lớn của châu Âu ngày càng lớn mạnh hơn và hồi sinh. Tiêu biểu là giai đoạn đỉnh cao của FC Barcelona thời kỳ Pep Guardiola dẫn dắt với hàng loạt danh hiệu lớn cả trong và ngoài nước. Hay sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đại diện bóng đá Tây Ban Nha và Đức. Mùa giải 2012-2013, hai đại diện của bóng đá Đức Bayern Munich và Borussia Dortmund xuất sắc hất cẳng các ông lớn của bóng đá châu Âu để xứng đáng có mặt tại Wembley (London, Anh) trong đêm chung kết. Và mùa giải 2013-2014, hai đội bóng của thành Madrid là Real và Atletico biến chung kết Champion thành cuộc chiến nội bộ của La Liga.

Trong khi MU và Chelsea không thể hiện được mình, các đại diện khác của Anh như MU, Man city, Arsenal hay Liverpool cũng không để lại dấu ấn tại đấu trường quốc tế, khi sớm dừng bước, thậm chí mất dấu tại Champion League những mùa gần đây.

Minh chứng rõ ràng nhất cho sự sa sút đó là thành tích trên bảng xếp hạng các câu lạc bộ bóng đá mạnh nhất thế giới do Liên đoàn thống kê và lịch sử bóng đá thế giới IFFHS thống kê. Theo đó, trong 3 năm liên tiếp 2012, 2013 và 2014 trong số 10 câu lạc bộ bóng đá mạnh nhất thế giới, đại diện tới từ Anh chỉ có duy nhất một câu lạc bộ (2012, 2013 là Chelsea, năm 2014 là Arsenal). Cũng theo IFFHS, trong năm 2014 trong Top 10 giải đấu mạnh nhất thế giới thì giải Ngoại hạng Anh cũng chỉ xếp ở vị trí số 3 và năm 2012 là vị trí số 5 giải đấu mạnh nhất.

Yếu thế trên thị trường chuyển nhượng

Sức mạnh của một câu lạc bộ được xem xét phần lớn dựa trên chất lượng cầu thủ. Trong khi các câu lạc bộ lớn của châu Âu luôn thu hút được các cầu thủ nổi tiếng đầu quân thì giải Ngoại hạng Anh lại tỏ ra yếu thế trong việc giành chữ ký ở những bản hợp đồng lớn. Tính tới thời điểm hiện tại, 3 bản hợp đồng đắt giá nhất bóng đá thế giới đều bắt nguồn từ các câu lạc bộ của Anh là Ronaldo (Manchester United sang Real Madrid), Gareth Bale (từ Tottenham Hotspur sang Real Madrid) và Luis Suarez (từ Liverpool sang Barcelona). Bên cạnh đó, hàng loạt cái tên lớn chủ chốt của nhiều câu lạc bộ Anh cũng đều bị các đội bóng khác của châu Âu chiêu mộ thành công như Luka Modrich, hay mùa giải 2011-2012 là Fabregas từ Arsenal sang Barcelona. Mới đây nhất, Sterling và Henderson của Liverpool và David Degea của MU là những tuyển thủ chất lượng cũng đang có nguy cơ chia tay các câu lạc bộ của Anh để đầu quân cho La Liga...

Không chỉ bị mất dần những cầu thủ có chất lượng, các câu lạc bộ của giải Ngoại hạng Anh còn khó chiêu mộ thành công những cầu thủ lớn. Điển hình như ông lớn Manchester United, trong hai mùa giải liên tiếp, MU đã gửi rất nhiều lời hỏi mua các cầu thủ lớn nhằm tăng cường cho tuyến giữa và hàng thủ nhưng đều bị từ chối và những hợp đồng mang về đều không phải sự lựa chọn số 1 của họ. Không những thế, đa phần các cầu thủ tới với bóng đá Anh những năm gần đây đều không phải các cầu thủ lớn đã thành danh mà hầu hết là các cầu thủ trẻ. Không thì là các hàng thải của các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu, điển hình là Mesult Ozil, Radamel Falcao hay bản hợp đồng đắt giá nhất Primier League Angel Dimaria.

Thất bại sớm tại Champion League mùa này mang lại nhiều nuối tiếc cho người hâm mộ các câu lạc bộ của giải Ngoại hạng Anh. Tuy nhiên, đây cũng là lúc để các câu lạc bộ nhìn lại mình. Biết đâu, mùa giải sau các câu lạc bộ của Ngoại hạng sẽ tìm lại được chính mình trong cuộc đua giành danh hiệu cao quý nhất châu Âu cấp các câu lạc bộ.

Anh Đức
Barcelona lập kỉ lục 11 lần vào bán kết Champions League
Barcelona lập kỉ lục 11 lần vào bán kết Champions League

Barcelona là đội bóng vào bán kết Champions League nhiều nhất kể từ khi giải đấu chuyển từ Cúp C1 Châu Âu thành Champions League vào mùa giải 1992-1993.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN