Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong nhiều thập kỷ, các quốc gia châu lục này đã tham gia nhiều kỳ Thế vận hội, đua tranh vì những tấm huy chương và niềm tự hào dân tộc. Tuy nhiên, bất chấp một số câu chuyện thành công, vẫn còn đó cảm giác về tiềm năng thể thao của châu lục còn chưa được khai thác. Trong khi nhiều vận động viên đạt huy chương, mang lại niềm tự hào cho châu lục, thì thành tích chung của các quốc gia châu Phi thường không đạt được kỳ vọng. Khi các quốc gia châu Phi cân nhắc đến viễn cảnh đăng cai Olympic, nhiều người tỏ ra nghi ngờ liệu có quốc gia nào trên lục địa có đủ năng lực để tổ chức thành công sự kiện tầm cỡ như vậy hay không.
Tuy nhiên, châu Phi cũng đã có những thành công trong việc đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế. Theo bà Sydney Mungala, một quan chức của đội tuyển bóng đá nữ Zambia, việc Nam Phi đăng cai Giải vô địch bóng bầu dục thế giới năm 1995 và Giải vô địch bóng đá thế giới FIFA World Cup năm 2010 vốn được coi là chuẩn mực cho các sự kiện thể thao lớn thành công, chứng tỏ năng lực của châu Phi trong việc đăng cai các sự kiện thể thao toàn cầu. Việc Maroc cùng với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ đăng cai FIFA World Cup 2030 cũng khẳng định thêm khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn của châu lục này.
Trước đó, Côte d’Ivoire cũng đã đăng cai thành công một trong những giải Cúp bóng đá các quốc gia châu Phi (AFCON) đáng nhớ nhất vào năm 2023, nhấn mạnh rằng các quốc gia châu Phi có thể tổ chức thành công các giải đấu thể thao lớn.
Thế vận hội là đỉnh cao của thể thao quốc tế, đòi hỏi quy mô cơ sở hạ tầng và phối hợp hậu cần chưa từng có. Tuy nhiên, theo bà Mungala, những yêu cầu như vậy không thể ngăn cản bất kỳ quốc gia nào trong số 54 quốc gia châu Phi nắm lấy cơ hội. Bà nói: "Về mặt kinh tế, nếu chúng ta cải thiện cơ sở hạ tầng và cho phép thanh thiếu niên phát triển tài năng, họ sẽ tiến bộ và đạt được thành tích cao trong các cuộc thi đấu quốc tế".
Nhà báo thể thao Florence Ndungu đến từ Nairobi (Kenya) cho biết lợi ích kinh tế của việc đăng cai Olympic là không thể nghi ngờ, rằng thể thao có thể là cánh cổng để cải thiện tình hình kinh tế của những thanh, thiếu niên trẻ châu Phi. Tuy nhiên, còn đó những trở ngại đối với khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng của châu Phi. Mặc dù châu Phi đã thể hiện lòng tự hào và tiềm năng khi tham gia các sự kiện toàn cầu và tổ chức các cuộc thi quốc tế, nhưng cơ sở hạ tầng không đầy đủ vẫn là trở ngại đáng kể đối với nhiều quốc gia của châu lục này.
Theo vận động viên Janeth Busienei đến từ Kenya, ngoài tham vọng đăng cai, còn có nhu cầu cấp thiết về đầu tư vào cơ sở hạ tầng thể thao. Để đạt được điều này sẽ cần sự quyết tâm và cam kết của các nhà lãnh đạo châu Phi. Vận động viên này cho biết thêm rằng dù các quốc gia châu Phi có thể có nguồn lực, nhưng thường thiếu ý chí hoặc sự phối hợp để tạo hiệu quả. Thách thức thực sự đối với châu Phi trong vấn đề này không chỉ dừng lại ở việc xây dựng sân vận động hay nâng cấp cơ sở vật chất, mà còn liên quan đến việc vun đắp một nền văn hóa coi trọng thể thao ngay từ cấp cơ sở.
Giấc mơ châu Phi đăng cai Olympic đầy tham vọng, nhưng không phải là không thể. Tham vọng này không chỉ đòi hỏi đầu tư tài chính mà còn phải thay đổi tư duy. Hành trình để một thành phố châu Phi đăng cai Thế vận hội rất phức tạp, đòi hỏi chiến lược toàn diện bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vận động viên và thúc đẩy văn hóa thể thao mạnh mẽ.