Lâu nay, chuyện ăn uống của vận động viên (VĐV) Việt Nam vẫn thường bị xem nhẹ. Nhiều người xác định ăn… cốt để lấy chắc dạ. Một hình ảnh khác cũng hay được bắt gặp, đó là việc các VĐV đi thi đấu quốc tế cứ phải nhét theo hành trang món “đặc sản” mỳ tôm để đề phòng bị đói, do không hợp khẩu vị với đồ ăn xứ bạn. Ăn như thế, liệu có thể nâng cao thành tích thi đấu?
Thành tích từ… nhà bếp
Tại vòng loại giải vô địch U19 châu Á 2014 hồi đầu tháng 10 vừa qua, các cầu thủ trẻ Việt Nam có thể hình nhỏ bé nhất tại bảng đấu của mình. Nhưng thực tế sân cỏ đã cho thấy rằng, bù lại hạn chế về chiều cao và cân nặng, U19 Việt Nam rất dẻo dai và luôn tràn đầy năng lượng. Họ lần lượt đánh bại các đối thủ cao to là Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Australia với các tỷ số đậm, để giành tấm vé đầu tiên vào vòng chung kết.
Đội tuyển bóng đá U19 Việt Nam rất được quan tâm về dinh dưỡng. |
Một trong những bí quyết thành công của U19 Việt Nam nằm ở… nhà bếp. Tại Malaysia, các cầu thủ Việt Nam lúc đầu đã không thể ăn được các món ăn chế biến theo khẩu vị của người Hồi giáo. Nhưng nhờ có sự điều chỉnh kịp thời của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG (mời hai đầu bếp và hai chuyên gia dinh dưỡng từ Việt Nam sang), các cầu thủ đã được ăn những món thuần Việt, ngon miệng và bổ dưỡng. Đặc biệt, trong bữa trưa trước trận “chung kết” với Australia, các cầu thủ đã được thưởng thức món gà tiềm sâm. Vào trận, các em chạy sung, giống hệt như hình ảnh đội tuyển Hàn Quốc hồi World Cup 2002. Đến mức sau trận đấu, các cầu thủ Australia phải thốt lên: “Các bạn Việt Nam ăn gì mà chạy khỏe vậy?”.
Thử hỏi, nếu cứ phải “xơi” món mỳ tôm để “chữa cháy” như cách quen thuộc, liệu U19 Việt Nam có thể đá tưng bừng như vậy?
Một ví dụ khác là về chế độ ăn của Nguyễn Thị Ánh Viên. Chia sẻ về giai đoạn tập huấn tại Mỹ mới đây, nữ kỳ ngư số 1 Việt Nam, cho biết: “Các chuyên gia bơi lội Mỹ rất quan tâm đến dinh dưỡng. Với họ, ăn đúng chất và đúng lúc quan trọng hơn ăn nhiều. Mỗi ngày được chia làm 4 bữa, có khi giữa buổi tập lại ăn. Bây giờ mình đã thay đổi suy nghĩ: Ăn cũng là một nhiệm vụ, một bài tập. Kết quả là dù ăn nhiều, nhưng mình không lên cân. Ngược lại, cơ thể rất khỏe và dẻo dai”.
Tất nhiên, không phải VĐV nào cũng được chăm chút về dinh dưỡng như các cầu thủ của HAGL - Arsenal JMG hay Ánh Viên. Phần lớn các đội tuyển quốc gia đều đang phải ăn uống theo chế độ được phê duyệt từ giữa năm 2011, ở mức 200.000 đồng/người/ngày. Phải đến giữa tháng 9/2013, chế độ này mới được tăng lên mức 300.000 đồng/người/ngày, nhưng cũng chỉ được áp dụng cho các VĐV chuẩn bị tham dự SEA Games 27. Đến Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội những ngày này, không khỏi ái ngại khi chứng kiến cảnh nhà ăn VĐV được ngăn làm hai khu vực cách biệt: Bên này ăn theo chế độ cũ, bên kia là chế độ “VIP”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội, thừa nhận: “Mức tiền ăn 200.000 đồng/người/ngày thực tế chỉ đủ giúp VĐV không bị đói về lượng, chứ về chất thì chưa thể đáp ứng. Một số thực phẩm bổ dưỡng cũng đành phải gạt bỏ khỏi thực đơn để cân đối thu, chi”.
Tích lũy dinh dưỡng
Nhân Hội nghị khoa học quốc tế “Phát triển thể thao - Tầm nhìn Olympic” tại Hà Nội hồi cuối năm 2012, Phó giáo sư, bác sỹ y học thể thao Marco De Angelis (người Italy) lại có một góc nhìn khác về việc các VĐV cần bổ sung dinh dưỡng ở sát thời điểm thi đấu. “100% thành tích thi đấu tốt là do thể lực có được từ chế độ dinh dưỡng tốt. Chế độ dinh dưỡng này không dựa trên bữa ăn gần nhất, mà cần tích lũy trong thời gian dài, là tổng thể dinh dưỡng cho cả quá trình tập luyện. Kinh nghiệm này đã được kiểm chứng ở các VĐV Italy và Trung Quốc”, ông De Angelis khẳng định.
Từ góc nhìn này, quay trở lại với HAGL - Arsenal JMG thì càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của ăn uống trong quá trình phát triển VĐV. Theo bác sỹ Đồng Xuân Lâm (HAGL): “Bữa ăn cực kỳ quan trọng, không những đủ chất, cân bằng, mà còn ăn theo nhu cầu. Đối với học viên, các em sắp bước vào giai đoạn tập sức mạnh, cơ bắp, nên chúng tôi nghiên cứu và đầu tư một cách tốt nhất”. Trong khi đó, theo ông Huỳnh Mau (Giám đốc điều hành HAGL), HAGL sẽ triển khai mô hình ăn tự chọn (buffet) với tiêu chuẩn khoảng 250.000 đồng/người/ngày, dành cho tất cả các cầu thủ của Học viện, năng khiếu và đội 1. Nghĩa là, ngoài việc có một “bàn đạp” về dinh dưỡng ngay từ độ tuổi 12, chế độ ăn ở HAGL thực tế còn cao hơn so với tại các đội tuyển quốc gia.
Hiện tại, Tổng cục Thể dục Thể thao đã xây dựng dự thảo về một số chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV xuất sắc - được đầu tư trọng điểm cho các đấu trường lớn (Asiad và Olympic). Trong đó, vấn đề dinh dưỡng cũng rất được quan tâm: Mức tiền ăn đề xuất là 400.000 đồng/người/ngày và được phép điều chỉnh theo mức độ biến động giá cả thị trường; VĐV còn được hưởng chế độ thực phẩm chức năng theo đặc thù của từng môn thể thao. Hy vọng quyết định sẽ sớm được ban hành, để các VĐV tập trung cải thiện cái “chất” trong thành tích thi đấu, thay vì cứ phải lo chuyện cái “chất” trong từng bữa ăn.
Song Long
Bài cuối: “Thần dược” làm nên nhà vô địch