Một số tay đua tự để mình dính líu vào những liều thuốc cấm, những chất tăng cường testosterone nhằm tăng cường thể lực cho mỗi cuộc đua. Nhiều người trong số họ là đồng đội của nhau cũng là những người đã dẫn dắt nhau trốn tránh các cuộc thử máy. Các bác sĩ đội đua thì trở thành người hỗ trợ họ sử dụng chất cấm hoặc là người môi giới, bán thuốc cấm cho họ. Vậy bên cạnh việc những tay đua cỡ Lance Armstrong sử dụng chất kích thích, còn biết bao nhiêu người của đội Bưu điện Mỹ còn dính dáng đến câu chuyện này?
Chris Horner, người đồng đội của Lance Armstrong chưa từng bị dương tính với chất kích thích, cũng phủ nhận các cáo buộc sử dụng chất tăng cường thể chất. Mới đây nhất, anh đã vô địch giải đua danh giá kéo dài 3 tuần lễ Vuelta vòng quanh Tây Ban Nha vào tháng 9.
Còn bao nhiêu tay đua ngoài Lance Armstrong ở đội Bưu điện Mỹ có dính đến doping? |
Chính Chris Horner và gần 40 người khác nữa cũng được Cơ quan phòng chống Doping Mỹ (Usada) cho là dính líu tới sự dối trá kéo dài của Armstrong. Thế nhưng 1 năm sau khi những cáo buộc ấy được đưa ra, vẫn chưa có cái tên cụ thể nào được nêu ra và buộc đúng người đúng tội. Thay vào đó, những cái tên có liên quan đã được các cơ quan điều tra thay bằng các ký hiệu bằng mã số.
Travis Tygart, giám đốc điều hành cơ quan phòng chống doping của Mỹ này cho biết những cái tên kể trên không được tiết lộ bởi lẽ Usada vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra những vi phạm về chất kích thích. Tuy nhiên, với nhiều người, sở dĩ Cơ quan phòng chống Doping Mỹ chưa đưa được thêm những cái tên bởi họ đã có một án điểm - Armstrong.
Mười hai tháng sau khi vụ việc của Armstrong chính thức bị phanh phui, không có thêm một vụ điều tra nào khác được đưa ra chính thức, không có một tay đua nào khác nhận án phạt. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, trong làng đua xe đạp của Mỹ đầy rẫy những người có dính líu tới doping vẫn đang tiếp tục công việc của mình, tiếp tục thụ hưởng lợi ích từ việc tăng thể chất bằng doping và thậm chí tiếp tục giành chiến thắng theo những cách không trung thực.
Trong khi đó, Cơ quan phòng chống Doping Mỹ vẫn cho rằng họ rất lạc quan về bức tranh toàn cảnh đua xe đạp của đất nước và luôn khẳng định đang giành được nhiều thành công trên con đường loại bỏ doping để không làm hại thể thao trong nhiều thập kỷ tới. Công bằng mà nói, Cơ quan phòng chống Doping Mỹ đã có công trong việc đưa ra ánh sáng vụ việc của Armstrong. Thậm chí vì việc này, giữa Tygart và ông Pat McQuaid - Chủ tịch Liên đoàn Đua xe đạp quốc tế đã nảy sinh căng thẳng.
Nhưng dù cho những người lãnh đạo có nỗ lực thế nào trong việc phòng chống doping thì cũng không dễ gì thay đổi được “văn hóa doping” đã ăn vào máu các VĐV đua xe đạp. Thứ văn hóa bắt đầu từ cả trăm năm trước khi các tay đua tìm cách giảm đau bằng các chất có cồn, thuốc diệt chuột liều nhỏ. Cho đến nay, thói quen dùng những thứ thuốc giảm đau bằng kích thích thần kinh ấy vẫn còn và được pha chế ra nhiều dạng rất phức tạp giúp các tay đua giảm đau nhanh chóng. Và bởi nó là văn hóa cho nên vụ việc của Armstrong lắng xuống nhưng rất có thể chỉ không lâu sau đó có thể tiếp tục bùng phát.
Tại Tour de France năm 2004, Armstrong từng rượt đuổi tốp dẫn đầu chặng 18 và sau đó kèm Filippo Simeoni chỉ để anh này không thể về nhất chặng này. Anh làm thế để trừng phạt Simeoni người đã tiết lộ những bằng chứng chống lại bác sĩ riêng của anh là Michele Ferrari. Bác sĩ này sau đó cũng đã bị điều tra về hành vi cung cấp chất kích thích cho Amstrong.
Trong “nền văn hóa sử dụng doping” của đua xe đạp, các tay đua đồng đội của Amstrong như George Hincapie, Tyler Hamilton và Floyd Landis bị buộc phải im lặng đã trở thành luật bất thành văn. Thậm chí, các tay đua đều thống nhất một quan niệm rằng “nếu tất cả các tay đua đều sử dụng doping thì đó không còn là lừa đảo nữa”.
Lê Sơn