Chuyện cơ sở hạ tầng hậu Olympic trên thế giới

Khi ngọn lửa Olympic Sochi đã ngừng cháy ở Nga, câu hỏi được đặt ra là chuyện gì sẽ đến với hệ thống cơ sở hạ tầng trị giá hàng chục tỉ USD được dựng lên để phục vụ sự kiện thể thao này?

Liệu các kỳ Thế vận hội có thật sự là cơ hội để các thành phố đăng cai tổ chức tái thiết cơ sở hạ tầng trong dài hạn hay không? Kinh nghiệm trên thế giới đã cho thấy, tại mỗi quốc gia, câu chuyện cơ sở hạ tầng sau mỗi kỳ Olympic là hoàn toàn khác biệt.

Bắc Kinh (Trung Quốc) - 2008: Hoang phế hậu Olympic

Hoạt động xây dựng sân vận động Tổ Chim của Trung Quốc.


Cây bút Mark Byrnes của tờ Những thành phố Đại Tây Dương cho rằng hệ thống công trình kiến trúc mới coóng của kỳ Thế vận hội năm 2008 tại Bắc Kinh ít nhiều đã trở thành “một bộ sưu tập những cơ sở thể thao không được sử dụng…”. Cơ sở hạ tầng dành cho môn đua thuyền kayak, bóng chuyền bãi biển, đua xe đạp địa hình và bóng chày đã bị bỏ hoang kể từ năm 2008. Ngay cả sân vận động Tổ Chim, một công trình thể thao mang tính biểu tượng của Trung Quốc, cũng hiếm khi được sử dụng trong khi chi phí để duy trì, bảo dưỡng sân vận động này cũng vô cùng đắt đỏ.

Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc và là một trong những thành phố nổi tiếng nhất trên thế giới, chưa từng lập ra một bản kế hoạch nào phục vụ mục đích phát triển cơ sở hạ tầng của kỳ Thế vận hội 2008 thành những “thực thể” sống của thành phố. “Các quan chức của Thế vận hội Bắc Kinh đã xem Olympic 2008 là một cơ hội để đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, chứ không phải là cơ hội để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng vĩnh cửu”, Byrnes nói.

Los Angeles (Mỹ) - 1984: Bổn cũ soạn lại

Sân vận động Los Ageles Memorial Coliseum.


Không như Bắc Kinh, thành phố Los Angeles lựa chọn một hướng đi khác trong cách tiếp cận vấn đề cơ sở hạ tầng phục vụ thế vận hội. Thay vì xây dựng những cơ sở mới toanh, Los Angeles đã tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng và nâng cấp những cơ sở sẵn có. (Duy chỉ có đường đua xe đạp và trung tâm dưới nước được đặc biệt xây dựng dành cho kỳ thế vận hội mùa hè năm 1984).

Sân vận động thể thao ngoài trời Los Angeles Memorial Coliseum, thường được biết đến với cái tên Coliseum, của trường đại học Nam California, là nơi diễn ra buổi lễ khai mạc và đóng vai trò là một trung tâm thể thao chính của kỳ Thế vận hội. Các trận đá bóng được tổ chức tại sân vận động Rose Bowl, trong khi các trận tennis diễn ra trong khuôn viên của trường đại học California. Các tay đua xe đạp thi thố tài năng trên tuyến đường quốc lộ 91 và làng Olympic, nơi các vận động viên ăn nghỉ, trải rộng trên khuôn viên của các trường đại học tại địa phương.

Cho đến nay, những công trình này vẫn duy trì là những “nhân tố sống” trong hệ thống cơ sở hạ tầng tại Los Angeles và trong cuộc sống của thành phố. Không những vậy, theo tờ Thời báo Los Angeles, “kỳ Thế vận hội đã tạo ra khoản doanh thu ròng (doanh thu sau khi trừ các khoản chi phí) 232,5 triệu USD (khoảng 4.650 tỷ đồng), và vẫn đang tiếp tục đóng góp cho cộng đồng”.

Sydney (Australia) - 2000: Vùng ngoại ô xanh

Khu ngoại ô xanh của Sydney.


Thành phố Sydney đã tiến hành xây mới cơ sở hạ tầng trong khu Công viên Olympic Sydney nhằm phục cho Thế vận hội mùa hè năm 2000. Mặc dù thành phố đã không hoàn thành bản kế hoạch tái phát triển trong 5 năm sau đó, ngày nay Công viên Olympic Sydney vẫn là một khu ngoại ô dân sinh phát triển.

Việc xây dựng làng Olympic đã trở thành cơ hội để Sydney tiến hành những đổi mới xanh cũng như hoạt động khôi phục năng lượng. Tính bền vững với môi trường được Ủy ban Olympic đưa lên ưu tiên hàng đầu thông qua việc các tấm pin mặt trời và cơ sở tái chế nước được đưa vào trong các công trình xây dựng. Theo trang giám sát tài sản của Australia, vào thời điểm được tạo ra, khu ngoại ô trên là vùng ngoại ô sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới.

Không dừng lại ở đó, kế hoạch hậu Thế vận hội của Sydney vẫn tiếp tục được mở rộng: Các nhà hoạch định chính sách hy vọng Công viên Olympic Sydney sẽ có dân số khoảng 50.000 người gồm công nhân, sinh viên và dân cư trước năm 2030.


Anh Tiếu
(Theo Rockefellerfoundation.org)

Gấu Sochi 'rơi lệ' trong lễ bế mạc
Gấu Sochi 'rơi lệ' trong lễ bế mạc

Đêm bế mạc Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014 đã để lại trong lòng người xem những hình ảnh hết sức ý nghĩa và ấn tượng, trong đó có hình ảnh giọt nước mắt lăn dài trên má chú gấu linh vật Sochi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN