Vậy là sau 4 năm, vòng bảng AFF Suzuki Cup sẽ quay trở lại Việt Nam vào năm 2014. Đây được xem là cơ hội để đội tuyển Việt Nam phấn đấu giành chức vô địch Đông Nam Á lần thứ hai trong lịch sử, sau màn đăng quang tại sân Mỹ Đình năm 2008. Quan trọng hơn, AFF Suzuki Cup 2014 đang được nhìn nhận như một “gói kích cầu” cho bóng đá Việt Nam sau một năm 2012 khủng hoảng, cả ở cấp CLB lẫn đội tuyển.
Cơ hội và thách thức
Ngay sau thất bại của đội tuyển Việt Nam trên đất Thái Lan hồi cuối năm 2012, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Ngô Lê Bằng, đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tổ chức AFF Suzuki Cup 2014. Những nỗ lực vận động của các nhà lãnh đạo VFF cuối cùng đã đem lại kết quả, khi cuộc họp Hội đồng Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) ngày 3/4 đã thông qua quyết định chọn Việt Nam cùng với Xinhgapo là đồng chủ nhà của vòng bảng giải đấu lớn nhất khu vực năm 2014.
Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng (trái) tại cuộc họp Hội đồng AFF ngày 3/4. Ảnh: aseanfootball.org
|
Đây là thông tin rất vui đối với những người làm bóng đá và đặc biệt là đối với người hâm mộ Việt Nam. Cho dù bóng đá Việt Nam đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn, nhưng người hâm mộ chưa bao giờ quay lưng với đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Bằng chứng là đông đảo khán giả đã kéo đến sân Mỹ Đình (Hà Nội) trong trận gặp Các tiểu vương quốc Arập thống nhất cách đây 2 tháng và tất cả vẫn đang dõi theo từng bước chân của thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc tại vòng loại Asian Cup 2015.
Việt Nam từng 3 lần đăng cai vòng bảng AFF Suzuki Cup (tiền thân là Tiger Cup), nhưng không lần nào trong số đó, các tuyển thủ Việt Nam giành chức vô địch. Giải đấu năm 2014 chính là cơ hội để đội tuyển Việt Nam thay đổi lịch sử, để khẳng định chúng ta xứng đáng với vị trí số 1 Đông Nam Á trong bảng xếp hạng FIFA như hiện nay. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đội tuyển Việt Nam tất yếu không thể bỏ qua sự ủng hộ của khán giả nhà.
Trong 9 lần giải được tổ chức, AFF Suzuki Cup (trước là Tiger Cup, gọi theo tên nhà tài trợ) chỉ 3 lần đầu tiên giải được đăng cai bởi chỉ một quốc gia, trong đó có Việt Nam (năm 1998). Kể từ năm 2002, giải được đồng tổ chức bởi hai quốc gia và điều này trở thành truyền thống. Việt Nam từng đăng cai 2 bảng đấu: Năm 2004 (cùng với Malaixia) và năm 2010 (cùng với Inđônêxia). |
Theo kế hoạch, sau khi trở về từ Kuantan (Pahang, Malaixia), TTK Ngô Lê Bằng sẽ gặp gỡ HLV Hoàng Văn Phúc để thương lượng hợp đồng mới. Ông Phúc có thể sẽ được đề nghị gia hạn 2 năm, tức là HLV của CLB Hà Nội sẽ có cơ hội dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2014. Điều này nằm trong định hướng của VFF, khi lứa cầu thủ U23 tham dự SEA Games 27 cuối năm nay đã sớm được xác định là nòng cốt của ĐTQG tại AFF Suzuki Cup 2014. Với tính liên tục được duy trì, bắt đầu từ kế hoạch trẻ hóa đội hình tham dự vòng loại Asian Cup 2015, đội tuyển Việt Nam dự kiến sẽ không làm người hâm mộ phải thất vọng ở giải đấu trên sân nhà sau đây 1 năm.
Gạch nối tới tương lai
Ngoài chuyện chuyên môn, AFF Suzuki Cup 2014 còn được xem là cơ hội để VFF thu hút tài chính (bán vé, tìm kiếm các hợp đồng tài trợ, quảng cáo...). Thông qua giải đấu này, VFF hy vọng các doanh nghiệp sẽ có cái nhìn lạc quan hơn về bóng đá Việt Nam, để họ tiếp tục sát cánh cùng ĐTQG và đặc biệt là cùng các CLB, sau một năm 2012 ảm đạm với việc nhiều CLB phải giải thể do bị doanh nghiệp bỏ rơi.
AFF Suzuki Cup 2014 vì thế được chờ đợi rất nhiều, nhằm tạo ra một cú hích cho bóng đá Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để thể thao Việt Nam tiếp tục nâng cao tầm vóc của mình, sau khi đã tổ chức thành công SEA Games 22 - năm 2003, Asian Indoor Games III - năm 2009, và tiến tới là đăng cai Asian Beach Games lần thứ V - năm 2016, Asiad lần thứ XVIII - năm 2019.
Bảo An