Đánh đôi như người Ấn Độ

Chỉ trong một Wimbledon 2015, Ấn Độ có 3 tay vợt vô địch. Nội dung đánh đôi ghi dấu quần vợt Ấn Độ lên bản đồ thể thao thế giới. Một trong ba tay vợt đó có cả Sumit Nagal - người đã cùng Lý Hoàng Nam vô địch nội dung đôi nam trẻ.

Ba người lính ngự lâm

Grand Slam trên mặt sân cỏ Wimbledon 2015 ghi dấu 3 cái tên của quần vợt Ấn Độ - những cái tên vươn tới ngôi vô địch. Họ có thể là những tay vợt từng đạt nhiều vinh quang ở nội dung đánh đôi như Leander Paes, Sania Mirza và cũng có cả một tay vợt trẻ thể hiện sức vươn của tương lai như Sumit Nagal.

Sania Mirza (trái) và Leander Paes đang là những tay vợt đánh đôi hàng đầu thế giới hiện nay.


Khi Wimbledon bắt đầu, người ta thường chú tâm vào Roger Federer hay Serena Williams. Nhưng với người Ấn Độ, họ có những cái tên lớn cho mình. Đó là cặp đôi vàng của quần vợt Ấn Độ Sania Mirza và Leander Paes. Cả hai đều đánh cặp với Martina Hingis lần lượt ở nội dung đôi nữ và đôi nam nữ. Khi ấy, tay vợt trẻ mới 17 tuổi Sumit Nagal cũng chỉ là một trong số rất nhiều hạt giống hy vọng mà quần vợt Ấn Độ có được.

Bắt đầu với Sania Mirza, cô năm nay 28 tuổi, là tay vợt Ấn Độ đầu tiên vô địch một giải Grand Slam nội dung đôi nữ. Năm 2003, tài năng của cô bắt đầu đem lại vàng cho Ấn Độ với chức vô địch Wimbledon nội dung đôi nữ trẻ.

12 năm sau, cô lần đầu tiên vô địch Grand Slam đôi nữ khi được đánh cặp cùng Hingis. Khi đó, bất kể cô có được thành tích như thế nào trong tương lai, cô cũng đã là tay vợt Ấn Độ số 1. Mirza không phải là cái tên xa lạ với các danh hiệu Grand Slam. Cô từng có thêm 3 chức vô địch Grand Slam khác ở nội dung đôi nam nữ bao gồm Australia mở rộng 2009, Pháp mở rộng 2012, Mỹ mở rộng 2014.

Sau Mirza, chàng trai 17 tuổi Nagal, bạn đánh cặp của tay vợt Lý Hoàng Nam, cũng đã ghi tên mình vào cuốn sách kỷ lục của quần vợt Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu Lý Hoàng Nam là trường hợp duy nhất cho đến lúc này của quần vợt Việt Nam thì trước Nagal, Ấn Độ cũng đã có 6 tay vợt vô địch Grand Slam nội dung trẻ. Cả Nagal và Lý Hoàng Nam đều dễ dàng bị loại trong trận đấu mở màn nội dung đơn nam trẻ, nhưng khi kết hợp với nhau họ đã tiến thẳng tới chức vô địch.

Thần tượng cho Nagal và tấm gương cho rất nhiều tay vợt trẻ Ấn Độ là Leander Paes. Năm nay 42 tuổi, lứa tuổi hiếm trong thể thao đỉnh cao, bảng thành tích của tay vợt nam kỳ cựu người Ấn Độ đủ để lịch sử quần vợt thế giới vinh danh anh như là một trong những tay vợt đánh đôi xuất sắc bậc nhất. Trong số 64 danh hiệu trong sự nghiệp, anh đã 16 lần vô địch Grand Slam. Ở nội dung đánh đôi nam, anh có trong tay bộ sưu tập đầy đủ của tất cả các danh hiệu Grand Slam, thậm chí có giải còn vô địch tới 3 lần và chỉ còn thiếu Pháp mở rộng ở nội dung đôi nam nữ. Cùng với Hingis, cặp đôi Ấn Độ - Thụy Sỹ không thua một séc đấu nào ở nội dung đôi nam nữ Wimbledon năm nay.

Chọn đúng hướng đi

Quần vợt Ấn Độ luôn nổi danh trên mặt sân cỏ. Nhưng ở một mùa giải Wimbledon giành tới 3 chức vô địch, quần vợt Ấn Độ thực sự gây ấn tượng mạnh với cả một hệ thống các tay vợt được đào tạo bài bản và có mục tiêu phát triển rõ ràng ở trong nước.

Thời điểm quần vợt Ấn Độ được xem là làm mưa làm gió tại Wimbledon là năm 1973 và năm 1981, khi tay vợt Vijay Amritraj đều góp mặt đến vòng tứ kết đơn nam. Với thành tích này, quần vợt Ấn Độ tuy chưa có được danh hiệu cao nhất nhưng cũng đã tạo tiền đề lòng tin cho các thế hệ tiếp theo rằng họ có khả năng bước lên bục nhận giải. Và nếu họ thất bại ở các nội dung đánh đơn thì hướng đi dần được chuyển sang các nội dung đánh đôi.

Ở lứa trẻ, họ hiện có 4 tay vợt nằm trong top 100 các tay vợt trẻ thế giới bao gồm ngoài tay vợt nam Sumit Nagal (hạng 31) và họ còn có 3 tay vợt nữ Pranjala Yadlapalli (hạng 17), Karman Thandi (hạng 86) và Mihika Yadav (hạng 89).

Tuy không nhận được nhiều đầu tư tài chính của thể thao Ấn Độ nhưng tự các tay vợt cũng đã tìm được những hướng đi riêng để đầu tư cho tài năng của chính mình. Sania đã tự tìm đến Hingis với đề nghị đánh đôi sau khi chia tay vợt tay vợt đánh cặp Hsieh Su-wei (Đài Loan, Trung Quốc). Kể từ đó, cô liên tiếp thắng các giải Indian Wells, Miami, Charleston và nay là Wimbledon mở rộng. Cô trở thành tay vợt đánh đôi nữ số 1 thế giới.

Sumit Nagal cũng là tay vợt được HLV Mahesh Bhupathi phát hiện năm 10 tuổi. Sau đó, Nagal được HLV và gia đình đầu tư cho một chiến lược dài hơi. Anh được đưa tới học viện quần vợt Schuttler Waske tại Đức để tập luyện và từng bước định hình phong cách và ghi đấu tên tuổi ở các giải quần vợt trẻ thế giới.

Quần vợt đôi Ấn Độ hứa hẹn sẽ ghi dấu tại Olympic Rio.

Bình Minh
Khi các tay vợt giải nghệ  “vội vã trở về”
Khi các tay vợt giải nghệ “vội vã trở về”

Quần vợt là môn thể thao có thời gian thi đấu khá ngắn ngủi, khi tuổi già đã gọi thì sẽ không còn chỗ trên sân quần vợt đỉnh cao. Vì thế, câu hỏi quan trọng với các tay vợt là “Mình sẽ làm gì khi hết tuổi thi đấu?”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN