Điền kinh 'nước rút' tới Asiad 2014: Đột phá từ 'xuất ngoại'?

Những thất bại gần đây của điền kinh Việt Nam sau các chuyến tập huấn nước ngoài đang làm dấy lên những lo ngại về kế hoạch “xuất ngoại” lần này của đội tuyển, trong quá trình chuẩn bị cho Asiad 17.


Chuyển hướng sang Mỹ


Như báo Tin Tức đã thông tin, với mục tiêu đổi màu huy chương cho điền kinh Việt Nam tại Asiad 17, một nhóm 7 vận động viên trọng điểm sẽ được đầu tư mạnh trong thời gian tới.


Giống như nhiều bộ môn khác, điền kinh xác định cải thiện, nâng cao thành tích của VĐV thông qua tập huấn nước ngoài. Thế nhưng, tập huấn ở đâu để đem đến hiệu quả tốt nhất lại là điều đáng bàn.

 

Cú ngã của Quách Thị Lan ở vạch đích nội dung 400m rào tại SEA Games 27. Ảnh: TTXVN


Năm 2013, nhằm chuẩn bị cho SEA Games 27 và những mục tiêu dài hạn, nhóm 4 VĐV Thanh Hóa (Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Phương, Lê Trọng Giang) đã được địa phương phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao đầu tư khoảng 4 tỷ đồng cho kế hoạch tập huấn nước ngoài, kéo dài 6 tháng. Chuyến “xuất ngoại” đó của chị em họ.


Quách đã trở thành một chủ đề gây tranh luận, xuất phát từ việc họ rời Bulgaria về nước chỉ sau 3 tháng vì hết hạn visa và vì không chịu được thời tiết lạnh, mà lãnh đạo ngành… không hề hay biết. Sau đó, bộ môn điền kinh đã phải “chữa cháy” bằng cách đưa Lan và các đồng đội sang Malaysia tập huấn tiếp và do không mời được chuyên gia, đích thân Trưởng bộ môn Dương Đức Thủy đã phải sang Malaysia làm công tác huấn luyện.


Nhưng điều đáng nói hơn là nhóm VĐV được đầu tư trọng điểm này đã thi đấu không thành công tại SEA Games 27. Gương mặt trẻ rất được chờ đợi là Quách Thị Lan chạy dưới sức và chỉ giành 2 Huy chương Bạc cá nhân (400 m, 400 m rào), còn người anh trai Quách Công Lịch (400 m) thì phải bỏ cuộc giữa chừng vì chấn thương. Ở nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật, Nguyễn Thị Phương cũng gặp “vật cản” chấn thương, trong khi Lê Trọng Giang chỉ xếp hạng 6.


Trước đó, năm 2011, bộ đôi xuất sắc Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng cũng được đi tập huấn dài hạn ở Đức. Nhưng Hương lại bị chấn thương trong quãng thời gian này và sau đó không bảo vệ được 2 Huy chương Vàng (100 m, 200 m) tại kỳ SEA Games do Indonesia tổ chức.


Đến đầu năm nay, điền kinh cũng đã lên kế hoạch trở lại Đức tập huấn, chủ yếu xuất phát từ mối quan hệ được xây dựng từ trước. Nhưng đến thời điểm hiện tại, “con tàu” lại đang hướng sang bờ bên kia Thái Bình Dương. Bộ môn điền kinh đã cử người sang Mỹ khảo sát địa điểm tập huấn và nếu không có bất ngờ thì phương án này sẽ được chốt vào cuối tháng.


Lý giải việc “chuyển hướng” này, ông Dương Đức Thủy cho biết: “Mỹ có bộ môn điền kinh đặc biệt phát triển. Đây là môi trường lý tưởng để các VĐV Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm, phát huy khả năng. Sau khi khảo sát xong địa điểm tập luyện, chúng tôi sẽ sớm lên chương trình cho các VĐV tập huấn”.


Liệu có hiệu quả?


So với việc tập luyện trong nước, tập huấn nước ngoài có khả năng lớn hơn để tạo ra sự đột phá về mặt thành tích, bởi các VĐV được tiếp cận với những điều kiện cơ sở vật chất lý tưởng và những giáo án tiên tiến nhất. Tuy nhiên, ngoài vấn đề kinh phí (di chuyển, thuê địa điểm, thuê chuyên gia hướng dẫn…), tập huấn nước ngoài còn có cái khó nữa về việc giám sát quy trình huấn luyện và việc tập luyện của VĐV. Đây giống như một con dao hai lưỡi, có thể dẫn tới những sự việc ngoài mong muốn, như chấn thương của VĐV…


Đó là những lý do khiến một số VĐV mới đây cho rằng, không nhất thiết cứ phải tập huấn nước ngoài để chuẩn bị cho các giải đấu lớn. Theo họ, nếu có trang thiết bị tập luyện đầy đủ và hơn nữa là mời được chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam huấn luyện, thì tập luyện “tại gia” cũng tốt. Cũng vì cân nhắc thiệt hơn, nên tới thời điểm này, điền kinh vẫn chưa đưa quân đi tập huấn nước ngoài, dù các phân đội đều đã tập trung kể từ đầu tháng 1.


Ngoài ra, có một điều chắc chắn là khi nằm trong danh sách VĐV trọng điểm và được gửi đi tập huấn ở những địa điểm có tiếng như Đức hay Mỹ, các VĐV sẽ phải chịu một sức ép lớn hơn về mặt thành tích. Dư luận sẽ chú ý nhiều hơn tới các VĐV này, để xem những khoản đầu tư lớn của ngành và địa phương sẽ đem lại kết quả tương xứng hay không. Đối với lứa VĐV trẻ chưa từng góp mặt ở sân chơi Asiad như Quách Thị Lan hay Nguyễn Thị Oanh, tâm lý có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới từng sải chân của họ.

 

Năm 2014, điền kinh đã được cấp ngân sách hoạt động 150.000 USD (khoảng 3 tỷ đồng). Số tiền này chủ yếu dành cho các đội tuyển và đội tuyển trẻ tập huấn, thi đấu, với mục tiêu quan trọng nhất là Asiad 17.

 

Bảo An

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN