Dọc đường SEA Games 27:Vẻ đẹp bóng chuyền

Trong các môn bóng thuộc hệ thống Olympic, ở Việt Nam, có lẽ người hâm mộ yêu bóng chuyền chỉ sau bóng đá, còn nếu nói thương thì chắc chắn là thương bóng chuyền nhất. Chỉ một dòng trạng thái về môn thể thao này trên mạng xã hội mà có thể có tới cả trăm bình luận của người hâm mộ.

 

Còn nữa, nếu tham dự thi đấu SEA Games mà ai đó ví như chơi trong ao làng, nghe thì cũng có cái lý riêng, nhưng với bóng chuyền thì không, bởi ngoài tính chất Olympic, bóng chuyền khu vực còn sở hữu nhà đương kim vô địch nữ là Thái Lan, từng 2 lần đoạt Cúp châu Á và xếp trên các “đại gia” Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.


Mà trên hết, bóng chuyền luôn tiềm ẩn những vẻ đẹp nhãn tiền và gợi nguồn cảm hứng cao. Thế cho nên, khi sắp diễn ra một kỳ SEA Games, người hâm mộ lại chờ đợi một nét đẹp nào đó, một thế hệ cầu thủ mới, hay thứ tư duy bóng chuyền nào đó, khả dĩ làm người ta “ưng cái bụng”...


1. Khơi nguồn


Cách đây vài chục năm, vào lúc thể thao Việt Nam bắt đầu tái hòa nhập với thể thao khu vực, bóng chuyền Thái Lan và Indonesia đã là hai tên tuổi. Vậy mà người hâm mộ Việt Nam vẫn tự hào nhắc tới trận thắng 3 - 0 trước chủ nhà Indonesia của đội bóng chuyền nam nước ta tại Đại hội Ganefo 1963. Tuy vậy, sau nhiều năm gian nan chống giặc và gặp rất nhiều khó khăn, nên từ SEA Games 15 (1989), bóng chuyền Việt Nam chưa có lại được vị thế xưa, nói khác đi là đã bị vài đội bóng khác bỏ lại phía sau.

 

Bóng chuyền nữ Việt Nam (bên kia lưới) tiếp tục là á quân SEA Games.
Ảnh: Cao Mạnh Tuấn - TTXVN


Ở bảng nam, 2 đội Thái Lan và Indonesia thay nhau lấy giải. Bên cạnh đó, Malaysia cũng từng làm khó các đối thủ khu vực. Kể cả Myanmar luôn có những cầu thủ sức vóc, có thể cầm cự nhiều đội bóng đàn anh. Tại bảng nữ, Thái Lan đi sớm một bước do công tác xã hội hóa rất tốt và nhanh chóng trở nên bài bản trong khâu đào tạo. Vì thế, họ độc tôn vị trí hàng đầu trong suốt cả thời gian dài.


Tại SEA Games 21, lần đầu tiên bóng chuyền Việt Nam có tấm HCB nữ sau trận thắng nghẹt thở trước Philippines trên sân Kuala Lumpur, chính thức giữ ngôi á hậu đến bây giờ. 4 năm sau, đội nam Việt Nam lấy tấm huy chương đầu tiên tại Manila và 2 năm sau nữa, “oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều tỏa sáng giúp Việt Nam giành HCB ngay trên đất Thái Lan sau khi thắng chủ nhà 3 - 0 và chỉ chịu nhường bước trước Indonesia mạnh mẽ, có dàn cầu thủ đồng đều và rất ăn ý. Tuy nhiên, cũng từ đó, bóng chuyền Việt Nam 2 kỳ SEA Games liền chỉ còn tấm HCB của đội nữ, mà phái mày râu chưa sao tìm lại được ánh hào quang năm nào...


2. Kiến trúc sư Kiatipong


Tôi gặp doanh nhân - HLV này từ mười lăm năm trước, khi ông đem đội nữ Thái Lan tham gia Cúp bóng chuyền Mùa Xuân tại Nhà thi đấu quân đội (Hà Nội). Thái Lan đã lấy giải và trình làng một nhóm cầu thủ xuất sắc, trong đó nổi bật là cây chuyền hai trái tay Prim Intawong, cao 1m69 và hội đủ mọi phẩm chất của một nhà tổ chức xuất sắc.

 

Bóng chuyền nam Việt Nam chuyển giao thế hệ thành công.
Ảnh: Cao Mạnh Tuấn - TTXVN


Nhưng cũng ngay thời điểm ấy, tư duy bóng chuyền khu vực bắt đầu đổi thay nhờ du nhập lối đánh nhanh của Trung Quốc - các phụ công chạy và lấy đà một chân rồi ra đòn ở vị trí số 2 làm náo loạn hàng chắn đối phương. Bài học ấy lan nhanh đến chóng mặt, những phụ công giỏi ở khu vực xuất hiện như nấm mọc sau mưa, tiêu biểu nhất là Pleumjit, Ampor (Thái Lan), Ngọc Hoa, Kim Huệ (Việt Nam). Chưa hết, lối chơi thiên về các phụ công đã làm bóng chuyền Việt Nam lên cơn sốt, thậm chí có lần người ta gọi lên tuyển tới 5 phụ công!


Chính từ trong thời điểm ấy, Kiatipong đã nghiên cứu và trình làng thứ tư duy mới mang “Made in Thailand”: Do ý thức rất rõ rằng tầm vóc khu vực không sao theo kịp các quốc gia khác, bởi thế, ông kiên quyết mở rộng 27 m2 trên lưới ra phía sau, đào tạo các chủ công không cao nhưng có khả năng nhảy đánh sau vạch 3m, bên cạnh đó triển khai cú đánh chồng thật nhuyễn và có tính bất ngờ cao... Cứ thế, thậm chí bóng chuyền Thái Lan có khi chỉ còn một phụ công Pleumjit nhưng đã 2 lần lên ngôi ở châu lục, đó là các năm 2009 và 2013. Họ vọt lên hạng 12 thế giới, nghĩa là cao hơn bóng chuyền Việt Nam 80 bậc!


3. Vào trận...


Gặp lại nhau ở SEA Games 27, Kiatipong chỉ tôi xem lứa trẻ của ông và cho tôi biết số cầu thủ còn lại sẽ đổ bộ vào Nay Pyi Taw trước trận chung kết để lấy giải (!). Và quả nhiên, khi tới trận chung kết, tôi mới nhìn thấy tay chuyền hai xinh đẹp T. Nootshara xuất hiện, song chỉ ở vai áp trận mà không vào sân. Kiatipong luôn duy trì 3/6 cầu thủ chính thức trên sân là cựu binh, ngoài ra là chủ công trẻ Thatdao và Chaisri, cô này chỉ cao 1m69 và lại có cú đánh dưới vạch 3m rất hiệu quả. Trong khi đó, bóng chuyền Việt Nam ra quân cũng có vài gương mặt trẻ là Bùi Thị Ngà và Hà Ngọc Diễm, Âu Hồng Nhung, họ lần lượt ghi 5, 4, 3 điểm, còn các cựu binh như Xuân, Minh, Hoa là 12, 9, 7 điểm. Thái Lan thắng 3 - 0 (25 - 16, 25 - 20, 25 - 18) và lấy HCV như mọi lần.


Từ hàng ghế khán giả, tôi nhìn thấy hai nữ cầu thủ xinh đẹp và lão luyện Kim Huệ, Phạm Thị Yến đã không vào sân, các “chân dài” này đã bộc lộ giới hạn của nghề nghiệp và chuẩn bị bàn giao lại cho lớp đàn em đi tiếp chặng đường dang dở hướng đến danh hiệu VIP của bóng chuyền khu vực.
Như 2 trận trước, Kiatipong dẫn học trò chạy đến chắp tay vái chào ông Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Thái Lan, rồi cất tiếng hát bài ca Giáng sinh vui tươi. Thật tuyệt vời các cô gái Thái Lan!


4. Điều còn đọng lại


Cuộc chuyển giao thế hệ ở bóng chuyền nam của chúng ta thật trọn vẹn. Cách đây 6 năm, Ngô Văn Kiều, Phạm Minh Dũng, Nguyễn Duy Quang... cùng đồng đội đã lấy “Bạc”, họ đã không còn có mặt ở Myanmar này để hài lòng nhìn đồng đội và đàn em đi tiếp chặng đường ấy. Tuyển Việt Nam lần này có chỗ dựa tinh thần là lão tướng Nguyễn Hữu Hà, anh đã cháy hết mình cho lần này và có thể là lần cuối với đội tuyển. Bên cạnh Hữu Hà là “cánh chim lạ” đến từ Vĩnh Long: Chủ công Từ Thanh Thuận, cao 1m92 và mới 21 tuổi.


So với “cơn bão” mà bóng chuyền Việt Nam tạo ra ở Nakhon 6 năm về trước, dù chưa có lại mũi đánh mang tính oanh tạc cao như Ngô Văn Kiều, song lối chơi của đội có nét dân chủ hơn. Nói khác đi là không có tính bá đạo như từng có và xem ra thì đã chơi bóng với tiết tấu cao hơn. Hoàng Văn Phương, Nguyễn Hoàng Thương, Phạm Thái Hưng đều ở phong độ cao và cùng một hướng nhìn, trong đó tỏa sáng là Từ Thanh Thuận. Chàng Phù Đổng của bóng chuyền Việt Nam đã chơi một SEA Games để đời với số điểm ghi được ở 3 trận gặp Indonesia, Thái Lan, Myanmar lần lượt là 29, 8 và 25 - một thông số đáng ngạc nhiên.


Điều đáng khen ngợi còn là việc đội bóng của chúng ta đã thắng 3 - 0 trước chủ nhà Myanmar, đối thủ đã 3 lần thắng chúng ta trong những kỳ thi đấu gần đây nhất. Thật tuyệt vời! Với bóng chuyền Việt Nam, SEA Games 27 xem như đã thành công về nhiều mặt.


Nếu hỏi 100 người, tôi tin có quá bán yêu môn bóng chuyền, nhất là xem các chân dài biểu diễn vẻ đẹp thể thao và vẻ đẹp hình thể. Đã thấy một Grand Prix bóng chuyền có nữ VĐTG Brazil với trang phục vàng - xanh truyền thống, với những mái tóc vàng rực và dải ruy băng trắng; đã thấy vẻ uyển chuyển của các cô gái Nhật Bản với chuyền hai số 1 thế giới Takesita, hay các cô gái Trung Hoa mạnh mẽ và gần gũi nhất với chúng ta là các cô gái Thái Lan quả cảm và xuất sắc cùng các bạn gái Việt Nam, tôi tự hỏi tại sao chưa có nhạc sỹ nào cho ra mắt một bài hát về bóng chuyền?
Nay Pyi Taw, ngày 21/12/2013


Ama Lâm

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN