Doping: SOS

Chưa bao giờ thể thao thế giới lại chao đảo bởi vấn nạn doping như lúc này. Liên tiếp thời gian gần đây, hàng loạt vụ bê bối sử dụng chất cấm bị phanh phui và doping không loại trừ ngay cả môn thể thao “sạch” như quần vợt.

 

Tượng đài Lance Armstrong đã sụp đổ.


Từ đầu năm trở lại đây, những cáo buộc sử dụng doping đã xuất hiện ở nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó, nổi cộm nhất là hai vụ việc xảy ra tại Mỹ, nơi từ lâu đã bị lên án là thiếu quyết liệt trong việc phòng chống doping.


Ngày 5/8, ngôi sao Alex Rodriguez của New York Yankees và 12 cầu thủ khác của giải bóng chày Bắc Mỹ (MLB) đã bị cấm thi đấu, trong khuôn khổ cuộc điều tra về những mờ ám tại bệnh viện Biogenesis. Alex Rodriguez bị treo giò tới 211 trận, trong khi các cầu thủ khác bị cấm thi đấu 50 trận. Đây là vụ bê bối doping lớn nhất tại Mỹ kể từ vụ Balco, liên quan đến các vận động viên (VĐV) điền kinh Marion Jones và Tim Montgomery.


Đầu tháng 1, một thần tượng khác của thể thao Mỹ đã sụp đổ hoàn toàn vì dính đến doping: 3 tháng sau khi bị tước 7 danh hiệu vô địch Tour de France, cuarơ Lance Armstrong đã chọn cách tự thú thông qua chương trình đối thoại trên truyền hình nổi tiếng của Oprah Winfrey.


Một số VĐV đua xe đạp khác cũng đi theo vết xe đổ của Armstrong, trong đó có 2 gương mặt kỳ cựu của Tour de France: Jan Ullrich (nhà vô địch năm 1997) và Erik Zabel (6 lần giành áo xanh). Tên tuổi của 2 tay đua người Đức chỉ xuất hiện vào cuối tháng 7, bên cạnh Marco Pantani và Laurent Jalabert, trong danh sách 17 cuarơ từng phải nhờ tới sự hỗ trợ của chất cấm EPO tại Tour de France 1998 và 1999. Danh sách này được lập nên, dựa vào những tài liệu do một ủy ban điều tra về doping của Thượng nghị viện Pháp, công bố.


Trong scandal doping máu Puerto nổ ra tại Tây Ban Nha, đua xe đạp cũng là môn thể thao chính có liên quan. Tháng 1/2013, phán quyết của vụ này cho đến nay vẫn đang tạo ra một dư luận xấu: Các nhà chức trách Tây Ban Nha đã quyết định hủy hơn 200 túi máu, được phát hiện tại nhà riêng của can phạm chính - bác sỹ Eufemiano Fuentes. Những túi máu này có thể sẽ cho phép xác định các khách hàng của Fuentes, người đã tuyên bố trong phiên xét xử rằng ông đã làm việc với “tất cả các VĐV”, chứ không riêng gì các VĐV đua xe đạp. Tháng 12/2010, Fuentes còn gây sốc với lấp lửng: “Nếu tôi nói, người ta có thể sẽ tước chức vô địch World Cup 2010 của đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha”.


Tuy nhiên, cú sốc lớn nhất về doping trong năm nay là liên quan đến môn điền kinh. Ngày 14/7, 2 trong số những người chạy nhanh nhất thế giới ở cự ly 100 m là Tyson Gay (Mỹ) và Asafa Powell (Jamaica) đều bị phát hiện dương tính doping. Liên tiếp sau đó, 31 VĐV điền kinh Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cấm thi đấu 2 năm, trong khi con số này tại Nga lên đến khoảng 40 VĐV, ngay trước thềm giải điền kinh vô địch thế giới được đăng cai bởi Mátxcơva.


Chưa dừng lại ở đó, một trong những môn thể thao ít dính đến doping nhất là quần vợt cũng không thoát khỏi vòng xoáy. Cuối tháng 7, các tay vợt Victor Troicki người Serbia và Marin Cilic người Croatia cũng bị phát hiện sử dụng chất cấm.


“Cuộc chiến chống doping đang thiếu những phương tiện tài chính. Làm sao có thể chống doping hiệu quả với 28 triệu USD - ngân sách của WADA?”- Chủ tịch WADA, John Fahey.

Gần đây nhất, một báo cáo khác đã tiết lộ chính sách doping được tổ chức bởi chính quyền Tây Đức (cũ) từ những năm 1970 và đang gây chấn động cả nước Đức. Hàng thập kỷ sau khi sự việc xảy ra, bức màn sự thật mới được vén lên. Điều này càng cho thấy cuộc chiến chống doping có rất nhiều khó khăn.


Trong một báo cáo hồi tháng 5, một ủy ban được phụ trách bởi cựu Chủ tịch Cơ quan chống doping thế giới (WADA), Dick Pound, đã chỉ ra rằng, dưới 1% các cuộc kiểm tra là dẫn đến những kết quả bất bình thường, nếu loại bỏ những chất cấm không phổ biến. Theo các tác giả của báo cáo này, vấn đề không nằm ở lĩnh vực khoa học, mà con số trên đã cho thấy sự thiếu nỗ lực và thiếu cả những đầu tư cần thiết cho cuộc chiến chống doping.


Huyền thoại nhảy sào thế giới, Sergei Bubka, một ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào ghế chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), đang kêu gọi việc áp dụng án phạt nặng đối với các trường hợp sử dụng doping, lên mức cấm thi đấu 2 hoặc 4 năm. Việc tăng án phạt dự kiến sẽ được thảo luận và thông qua tại Johannesburg (Nam Phi) vào tháng 11 tới, song song với cuộc bầu cử chủ tịch mới của WADA.


Bảo An

Lance Armstrong: ‘Không thể thắng Tour de France mà không dùng doping’
Lance Armstrong: ‘Không thể thắng Tour de France mà không dùng doping’

Chỉ một ngày trước khi Tour de France khởi tranh, tay đua huyền thoại Lance Armstrong, người đã bị tước toàn bộ 7 danh hiệu vô địch giải này, đã tuyên bố gây sốc rằng, không thể chiến thắng tại giải đua Vòng quanh nước Pháp mà không sử dụng doping.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN