Michael Phelps "bơi" vào lịch sử thế vận hội
Với chiếc huy chương vàng đoạt được trong nội dung bơi tự do 4x200 m tiếp sức nam tại đấu trường xanh Olympic London (Luân Đôn) 2012, kình ngư Mỹ Michael Phelps (ảnh) đã đi vào lịch sử Olympic, khi trở thành vận động viên đoạt nhiều huy chương nhất, với 19 huy chương, trong đó có 15 huy chương vàng. Thành tích của anh đã vượt qua kỷ lục cầm giữ 18 huy chương mà vận động viên thể dục người Liên Xô Larisa Latynina đạt được trong các kỳ Olympic từ năm 1956 đến 1964.
Michael Phelps là nam vận động viên Mỹ duy nhất cho đến nay tham dự 4 kỳ thế vận hội liên tiếp. Anh tham gia Olympic đầu tiên của mình là tại Thế vận hội Xítni 2000 ở Ôxtrâylia khi mới 15 tuổi. Và ở lần ra mắt này, thành tích lớn nhất của Phelps là vị trí thứ 5 ở nội dung bơi bướm 200 m nam. Tuy nhiên, chỉ 4 năm sau, Phelps đã trở thành một hiện tượng ở đấu trường Olympic Aten 2004 khi đoạt 6 huy chương vàng và 2 huy chương đồng. Nhưng phải kể đến Olympic Bắc Kinh 2008, cái tên Michael Phepls thực sự trở thành một thế lực sáng chói khi anh "ẵm" tới 8 huy chương vàng, đồng thời viết lại tới 7 kỷ lục Olympic trên đường đua xanh.
Michael Phelps vẫn còn nội dung đăng ký thi đấu tại Olympic 2012, nên nhiều khả năng anh vẫn còn cơ hội để tăng thêm kỳ tích của mình, mà theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn sẽ khó có vận động viên nào đánh đổ được trong tương lai gần.
Bơi lội Pháp tỏa sáng
Tờ "Thế giới (Le Monde) nói đến “thắng lợi lịch sử” khi đưa tin về huy chương môn bơi tiếp sức nam. Tờ "La Croix" chạy một tựa ngắn gọn, đầy hãnh diện "Made in France" trên bức ảnh nữ vận động viên Camille Muffat đang bơi. Tờ báo không quên nhắc trong hàng chú thích: "Thắng lợi của các vận động viên bơi lội Pháp tại Olympic London là kết quả của quá trình rèn luyện mà những huấn luyện viên tài ba đã thực hiện từ mấy năm qua". Báo "Le Figaro" chú trọng đến “kỳ tích của Yannick Agnel”, người đã đè bẹp các đối thủ.
Các báo cũng điểm lại các huy chương vàng môn bơi lội Thế vận hội mà Pháp đã giành được trong lịch sử. Huy chương đầu tiên là của Jean Boiteux, ở cự ly 400 m, vào năm 1952 tại Helsinki. Trong các kỳ Thế vận hội gần đây, các huy chương vàng đã thuộc về Laure Manaudou, cũng ở cự ly 400 m tại Aten 2004, Alain Bernard ở cự ly 100 m tự do tại Bắc Kinh 2008.
Để có được thành công của các vận động viên bơi lội Pháp tại Luân Đôn, phải kể đến công lao của huấn luyện viên Fabrice Pellerin, người đã huấn luyện một nhóm trẻ em ở Nice từ năm 2000 và đi theo họ cho đến nay.
TTG