Eugenie Bouchard là một phát hiện của quần vợt thế giới năm 2013, không chỉ ở tài năng, mà còn ở vẻ đẹp thuần khiết toát lên từ sự trẻ trung của cô.
Thăng tiến ấn tượng
Năm 2013 là một năm tuyệt vời đối với Eugenie Bouchard. Lần đầu tiên được trải nghiệm ở các giải đấu chuyên nghiệp, cô gái 19 tuổi đến từ Quebec (Canada) đã vượt qua những áp lực và gây được ấn tượng mạnh mẽ, nhảy từ vị trí thứ 114 lên thứ 32 trên bảng xếp hạng các tay vợt nữ thế giới. “Genie” - trong ngôn ngữ tiếng Pháp mà người Quebec sử dụng có nghĩa là “Thiên thần” - cũng chính là biệt danh của tay vợt trẻ nhất ở trong tốp 32 tay vợt hàng đầu thế giới hiện nay.
Bouchard đang đi theo con đường của những tay vợt huyền thoại. Ảnh: zimbio |
Với cú nhảy ngoạn mục đó, Genie đã được trao giải thưởng “Phát hiện của năm”, do Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp nữ thế giới (WTA) bầu chọn. Cũng không ngạc nhiên khi tại Canada, cô tiếp tục được tôn vinh là Cây vợt xuất sắc nhất năm 2013.
Một trong những ấn tượng lớn nhất về tài năng của Genie ở mùa giải vừa qua là việc cô lọt vào tới vòng tứ kết giải Charleston hồi tháng 4. Trên hành trình của mình, cô đã vượt qua một ngôi sao đang lên Laura Robson, rồi loại cả tay vợt khi đó đang xếp hạng 9 thế giới là Samantha Stosur.
Tiếp đó, trong lần đầu tiên góp mặt ở một giải Grand Slam là Roland Garros, Genie đã phải chịu gác vợt ở vòng 2 trước Maria Sharapova. Đây là một kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp của Genie, bởi “búp bê” người Nga chính là thần tượng của Genie.
Thất bại trước Sharapova trên mặt sân đất nện Paris đã mang lại cho Genie một bài học bổ ích, giúp cô tiếp tục hoàn thiện bản thân mình và dẫn tới thành quả là một chiến thắng ấn tượng trước Ana Ivanovic (hạng 12 thế giới) để lọt vào vòng 3 Wimbledon.
Đến tháng 9, sau khi xuất sắc vào đến bán kết giải Challenge Bell được tổ chức tại quê hương Quebec, Genie đã tiếp đà thăng tiến ngoạn mục của mình bằng các trận thắng trước Sloane Stephens (hạng 13 thế giới) và Jelena Jankovic (hạng 10) trên đường tiến vào vòng tứ kết giải Tokyo.
Rồi ở giải đấu áp chót của năm tại Osaka, Bouchard đã đặt cột mốc cho riêng mình, với thành tích lần đầu tiên lọt vào tới trận chung kết của một giải đấu chuyên nghiệp trong hệ thống WTA. Trong trận đấu đó, Genie gặp lại Stosur và chỉ chịu gác vợt sau 3 séc.
Tổng cộng, trong năm 2013, Bouchard có 39 trận thắng và 24 trận thua. Thành tích này đã giúp cô vượt qua Madison Keys (Mỹ) và Monica Puig (Puerto Rico) trong cuộc đua đến danh hiệu “Phát hiện của năm”.
Bouchard là “Phát hiện của năm” của quần vợt nữ thế giới. Ảnh: zimbio |
Những gì mà Genie đã làm được khiến người ta liên tưởng tới bước khởi đầu của các ngôi sao hàng đầu trong làng quần vợt thế giới. Trước Genie, rất nhiều tượng đài đã xuất phát với danh hiệu trên, từ Martina Hingis, Kim Clijsters, cho tới Venus Williams, Serena Williams và Maria Sharapova.
Càng vinh dự hơn cho Bouchard khi cô là tay vợt nữ Canada đầu tiên kể từ Carling Bassett năm 1983, giành được danh hiệu “Phát hiện của năm” do WTA bình chọn. Bassett hiện vẫn là tay vợt Canada có thứ hạng cao nhất trong lịch sử, với vị trí thứ 8 thế giới vào năm 1985. Nhưng trong tương lai gần, rất có thể một cột mốc mới sẽ được tạo nên bởi Bouchard.
Hiện tại, cùng với Milos Raonic ở giải nam, Bouchard là niềm tự hào của quần vợt nói riêng và thể thao Canada nói chung. Năm 2011, Raonic cũng đã được bầu là “Phát hiện của năm” trong các hạng mục trao thưởng của Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp nam thế giới (ATP).
Hành trình gian nan
Bouchard không đi theo trào lưu của rất nhiều tay vợt trẻ hiện nay, đặc biệt là các tay vợt Đông Âu, đó là bỏ rất nhiều tiền để sang Mỹ học quần vợt chuyên nghiệp từ nhỏ. Tuy vậy, Genie cũng đã được gia đình chăm chút đầu tư từ rất sớm. Năm lên 5 tuổi, tài năng của Genie đã phát lộ khi cô bắt đầu chơi quần vợt tại quê nhà Westmount. Không lâu sau đó, cô gia nhập Trung tâm huấn luyện quốc gia Canada, tại Montreal, và đó chính là ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời Genie. Cô đã lựa chọn quần vợt là hướng đi của mình.
Để đi tới vị trí như hiện nay, Genie đã phải tập luyện không ngừng và luôn nỗ lực trong thi đấu để tích lũy điểm số cho giấc mơ chuyên nghiệp của mình. Trong những khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi không phải cầm vợt, Genie chỉ biết đọc sách. Bơi cũng là một sở thích của cô, nhưng chủ yếu xuất phát từ việc rèn luyện nâng cao thể lực để phục vụ mục tiêu chính: Quần vợt.
Từ năm 11 tuổi, Genie bắt đầu tham dự các giải trẻ trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF) và giành được nhiều giải thưởng khác nhau. Năm 2009, khi mới 15 tuổi, Genie đã xuất sắc đăng quang ở giải vô địch trong nhà Canada dành cho lứa tuổi U18, tại Toronto. Sau đó, Genie bắt đầu góp mặt ở các giải Grand Slam trẻ và ngày càng chứng tỏ sự tiến bộ. Năm 2012, sau khi lần thứ 2 liên tiếp vào đến bán kết giải trẻ Australia mở rộng, Bouchard đã thành công trong việc chinh phục chức vô địch Grand Slam trẻ đầu tiên, với chiến thắng trong trận chung kết đơn nữ Wimbledon. Đây cũng chính là chức vô địch Grand Slam (trẻ hoặc chuyên nghiệp) đầu tiên trong lịch sử quần vợt Canada.
Trước khi bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp ở đầu mùa giải 2013, Genie đã leo lên tới vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các tay vợt trẻ thế giới.
Tham vọng số 1
Tự hào khi được so sánh với những cây đại thụ của làng banh nỉ nữ thế giới như Hingis hay chị em nhà Williams, nhưng Genie chỉ xem thành công trong năm 2013 là điểm khởi đầu. Cô gái tóc vàng có chiều cao 1,78m và nụ cười quyến rũ này đang nuôi những tham vọng lớn trong tương lai gần. “Tôi muốn trở thành số 1 thế giới và giành chức vô địch tại một giải Grand Slam (chuyên nghiệp)”, Genie tuyên bố.
Tay vợt này còn nhấn mạnh: “Tôi sẽ nỗ lực làm việc để cải thiện lối chơi của mình. Tôi muốn thực hiện những quả giao bóng mạnh hơn và có những cú đánh uy lực hơn. Tất nhiên, khi thứ hạng của bạn càng cao thì cạnh tranh càng khốc liệt. Từng bước đi nhỏ tới những vị trí đầu tiên đều rất có ý nghĩa. Tôi muốn trở thành số 1, nhưng sẽ không vội”.
Đúng là Eugenie Bouchard cần phải đi từng bước một, vững chắc. Quần vợt nữ thế giới cũng đã có một Anna Kournikova rất xinh đẹp và gợi cảm, nhưng người đẹp Nga đến thời điểm này vẫn chưa một lần chạm tay vào danh hiệu vô địch đánh đơn Grand Slam cao quý và vẫn thường bị gán là “Trông thì hay đấy, nhưng lại không thể thắng được”.
Bảo An