Ngày 24/9 vừa qua, trung vệ đội trưởng một thời John Terry (ảnh) gây sốc với quyết định chia tay ĐTQG ở tuổi 31. Đội trưởng đội tuyển Chelsea từng 78 lần khoác áo đội tuyển quốc gia. Quyết định rời xa màu áo ĐTQG đến ngay trước thềm phiên tòa điều trần những cáo buộc phân biệt chủng tộc với cầu thủ Ferdinand tại giải Premier League trong trận đấu giữa QPR và Chelsea ngày 23/10 năm ngoái.
Chia tay đầy bất ngờ
Không nói lý do chia tay nhưng hẳn ai cũng biết, quyết định của Terry là do những sức ép mà FA dành cho anh từ vụ việc phân biệt chủng tộc với Anton Ferdinand ở mùa giải vừa qua, FA mới đây đã “gửi trát” hầu tòa đến Terry và Anton Ferdinand cho một phiên tòa kín sẽ diễn ra vào đầu tháng sau. Terry phát biểu trong tuyên bố chia tay ĐTQG: “Trước phiên điều trần của ban phụ trách kỷ luật của FA, tôi tự nhận thấy FA đang theo đuổi các cáo buộc chống lại mình, ngay cả khi tôi vô tội trước pháp luật. Việc này khiến cho vị trí của tôi ở ĐTQG là không thể chấp nhận được”.
Cũng trong lời chia tay, Terry nói về sự nghiệp ở ĐTQG: “Được tham dự và là đội trưởng một đội bóng quốc gia là niềm mơ ước của tất cả các cậu bé trai đã khiến tôi thực sự tự hào. Tôi đã luôn nỗ lực hết sức và chiến đấu bằng cả trái tim để có được vị trí ấy. Tôi chúc cho Roy và các đồng đội thành công trong tương lai. Tôi xin dừng chặng đường song hành cùng ĐTQG ở đây. Tôi cũng xin cảm ơn đến những HLV đã cho tôi 78 lần khoác áo ĐTQG, cảm ơn những đồng đội đã ủng hộ tôi suốt thời gian qua. Được khoác áo, được phụng sự và nhất là đeo trên tay chiếc băng đội trưởng ĐTQG là ao ước với bất cứ cậu bé nào. Với tôi, giấc mơ đó đã thành hiện thực và tôi không có gì phải buồn về quyết định chia tay này. Tôi xin chúc HLV Roy Hodgson thành công với những kế hoạch của mình".
Đổi lại, HLV Roy Hodgson đã thể hiện sự bất ngờ của mình bằng những lời thật sự thất vọng khi để mất trung vệ mà ông yêu quý: “Tôi thất vọng vì để mất một cầu thủ đầy kinh nghiệm quốc tế và tài năng xuất chúng như John Terry”. Về phía FA cũng ra một thông báo, nói: “FA gửi lời cảm ơn tới John Terry cho những nỗ lực của anh cùng ĐTQG suốt hơn một thập kỷ qua. 78 lần xuất hiện cùng đội tuyển, anh ấy đã giành tất cả cho đội tuyển”.
Về mối liên quan giữa hai sự việc, ông Alex Horne, Tổng Thư ký FA nhận xét: “Tôi không hiểu tại sao ta cứ phải làm mọi chuyện như là không chấp nhận được - hai việc hoàn toàn khác biệt nhau. Nếu có điều gì đó xảy ra trên sân trong trận đấu giữa QPR và Chelsea, sẽ không mất đến cả năm trời để giải quyết như thế và tôi cũng cảm thấy chúng ta đã sắp có được kết luận cuối cùng rồi”.
Terry đã được tòa xử trắng án bởi không có những bằng chứng đủ mạnh cho những cáo buộc này. Tuy nhiên bất kể trước đó tòa án dân sự đã tuyên anh vô tội, phía Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) lại bắt đầu một cuộc điều tra độc lập và yêu cầu cảnh sát mở lại cuộc điều tra vào ngày 27/7 năm nay. Vụ việc khiến Terry bị ảnh hưởng tinh thần nghiêm trọng. Dự kiến phiên điều trần độc lập của FA sẽ diễn ra tới cả tuần lễ vào đầu tháng sau. Nếu bị kết tội phân biệt chủng tộc, Terry sẽ đối diện với án phạt cấm thi đấu dài ngày.
John Terry bị buộc tội gì?
Vẫn biết thời gian qua Terry đã đánh mất chỗ đứng ở ĐTQG vì những scandal bên lề sân cỏ nhưng xét về yếu tố chuyên môn thì Terry vẫn là lựa chọn số một cho vị trí trung vệ ĐT Anh. Điều duy nhất khiến anh không còn là số một nữa chính là chiếc băng đội trưởng. Terry vẫn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ HLV trưởng Roy Hodgson, người đã tin tưởng anh ngay khi phiên tòa đang treo lơ lửng án phạt trên dầu anh. Vào tháng trước, Hodgson cũng hy vọng Terry sớm được xử trắng án và vụ việc cũng sẽ được kết thúc
Tuy nhiên, các cố vấn pháp lý của Terry lại không lạc quan lắm khi FA không đòi hỏi quá nhiều bằng chứng mạnh để có thể kết tội một cầu thủ. Họ có thể áp dụng án phạt cho những “nghi ngờ có lý do”. Các luật sư này cũng lưu ý rằng tỷ lệ thắng kiện của FA trong các vấn đề như vậy là cao. Có thể thấy, quyết định của Terry là dựa trên những bất lợi nhìn thấy được. FA cáo buộc Terry vi phạm Luật các Khoản 1 và 2 của Điều E3 trong Bộ luật của FA bao gồm “lạm dụng/ hoặc miệt thị/ hoặc có hành vi đối xử” và nghiêm trọng hơn là “tham chiếu đến nguồn gốc dân tộc/ hoặc màu sắc và / hoặc chủng tộc” của Anton Ferdinand.
Minh Đăng