Giữ gìn, phát huy nền võ học tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long

Sáng 12/11, Văn phòng đại diện Viện nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chính thức được thành lập tại thành phố Cần Thơ.

Chú thích ảnh
Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam Phạm Đình Phong phát biểu tại lễ khai trương văn phòng.

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam Phạm Đình Phong, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có nền võ học lâu đời, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Theo đó, nội dung của võ học của nước ta bao hàm các yếu tố như: lịch sử, tinh hoa văn hóa, giá trị giáo dục, khoa học, y học…

Đồng bằng Sông Cửu Long là một vùng đất giàu truyền thống Cách mạng với nền văn hóa đa dạng, phong phú. Trong lịch sử, vùng đất này là nơi quy tụ nhiều anh hùng, hào kiệt, các võ tướng, đại lão võ sư và nhiều môn phái võ thuật. Những điều này góp phần tạo nên sự vẻ vang trong truyền thống võ học dày dặn nơi đây.

Với vai trò là thế hệ hậu bối, chúng ta cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu để ghi lại lịch sử, qua đó tri ân, tôn vinh, gìn giữ truyền bá và phát triển văn hóa võ học của khu vực; đưa nền võ học nơi đây vươn lên “tỏa sáng” và phát triển cùng với lịch sử văn hóa dân tộc, sánh vai với nền võ học của bạn bè quốc tế trong khu vực và trên thế giới.

Chú thích ảnh
Tiết mục biểu diễn võ thuật nhân ngày thành lập văn phòng.

Trong thời gian qua, Ban vận động thành lập Văn phòng đại diện Viện nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã tích cực tuyên truyền tôn chỉ, mục đích, ý nghĩa của việc thành lập Văn phòng đại diện. Qua đó, tiếp nhận sự tham gia tích cực, tự nguyện của nhiều cá nhân trong công tác truyền dạy, phát triển võ học tại khu vực.

Ban vận động đã đi sâu tìm hiểu, sưu tầm và đề nghị vinh danh các võ sư tiền bối ở các địa phương trong khu vực có công sáng lập, đào tạo và duy trì các môn phái võ thuật nổi tiếng, tiêu biểu như: Thiền sư Đoàn Tâm Ảnh (đã mất), sáng lập môn Côn Lôn Bắc Phái; Đại lão võ sư La Văn Long, người có công lớn góp phần đào tạo nhiều thế hệ môn sinh xuất sắc của môn phái Võ lâm Chánh tông – Đoàn Tâm Ảnh – Côn lôn Bắc Phái; Đại võ sư Võ Thành Miên (đã mất), sáng lập và phát triển môn Hắc Long Song Diện…

Chú thích ảnh
Viện nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam trao quyết định thành lập cho Văn phòng đại diện Viện tại Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Sau khi đi vào hoạt động chính thức, Văn phòng đại diện Viện nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hướng đến việc mở rộng liên kết, tăng cường các hoạt động quảng bá võ học cho các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu biết võ học lịch sử của dân tộc nói chung và võ học tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng.

Bên cạnh đó, Văn phòng phấn đấu từng bước mở rộng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển các lớp võ thuật kết hợp phổ biến lịch sử võ học để thu hút đông đảo môn sinh tham gia; kịp thời đề xuất tôn vinh, tri ân các danh nhân võ học, lão võ sư có công với đất nước và với võ học Việt Nam; phối hợp tổ chức cho các du khách yêu võ thuật, võ sư, võ sĩ ngoài nước tham quan, giao lưu tại các võ đường trên địa bàn.

Trung Kiên (TTXVN)
Khai mạc Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 32
Khai mạc Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 32

Ngày 22/10, tại tỉnh Nam Định, Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định tổ chức khai mạc Giải vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 32 năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN