Những khó khăn trên đất Philippines
U22 Việt Nam là đội đặt chân đến Philippines đầu tiên. Tiếp đó là đội nữ và sau đó mới là đoàn của các môn thể thao khác. Những ngày đầu tiên trên đất Philippines, các đội đều gặp nhiều khó khăn. Đội nữ bị thiếu đồ ăn do sức ăn của các nữ cầu thủ nhiều hơn so với khẩu phần ăn bình thường ở Manila, vốn chỉ quen với đồ ăn nhanh.
Đội nam phải chuyển khách sạn mấy lần vì điều kiện tập luyện quá khó khăn. Những hành trình di chuyển liên tục giữa Manila và Binan, với khoảng cách 50km, cũng là vấn đề với đội U22 Việt Nam. Quãng đường ấy không hề dài nhưng lại cực khủng khiếp bởi vấn nạn tắc đường của thủ đô Philippines.
Một ngày trước Lễ khai mạc SEA Games 2019, đoàn thể thao Việt Nam có mặt tại New Clark, thành phố được xây dựng để chuẩn bị cho SEA Games này. Cả đoàn ngỡ ngàng bởi không khí SEA Games chưa hề xuất hiện ở nơi đây. Những con đường vẫn đang còn hoàn thiện, những biển hiệu thậm chí còn chưa được lắp và lực lượng tình nguyện, hướng dẫn thì hạn chế. Có cảm giác như với Philippines, SEA Games vẫn chưa thực sự bắt đầu.
Những khó khăn về khâu ăn ở, đi lại cũng như sự hỗ trợ từ BTC là vấn đề được đưa ra để nói hàng ngày không chỉ ở đoàn thể thao Việt Nam mà còn cả với các đoàn thể thao khác. Nhìn một cách tổng thể, Philippines đã tỏ ra thực sự yếu trong khâu tổ chức ngày hội thể thao mang tầm cỡ khu vực như SEA Games 30.
Cái kết có hậu cho đoàn Thể thao Việt Nam
Sáng ngày 1/12, Trần Thị Minh Huyền là người mở hàng cho thể thao Việt Nam ở SEA Games 30 bằng tấm HCĐ môn Wushu, nội dung Thái cực quyền. Tấm HCV đầu tiên cũng xuất hiện, khi tay đua Đinh Thị Như Quỳnh đã giành về nhất ở nội dung xe đạp băng đồng nữ trong buổi sáng cùng ngày.
Những HCV liên tiếp đã xuất hiện trong những ngày sau đó. Đến ngày thi đấu cuối cùng, với những thành tích vượt trội ở các môn điền kinh, bơi và vật, đoàn Việt Nam đã có tổng cộng 98 HCV đứng trên Thái Lan (92 HCV) và xếp sau chủ nhà Philippines (149 HCV). Như vậy, đoàn Thể thao Việt Nam đã vượt xa chỉ tiêu đề ra ban đầu ( - 70 HCV).
Chiến tích này càng ngọt ngào hơn với “chiến công kép” của môn bóng đá. Tuyển nữ Việt Nam bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games. Trong khi đó, đội bóng đá nam giành HCV môn bóng đá SEA Games sau nhiều năm mong đợi. “Cả đội nam và nữ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước nhân dân, trước lãnh đạo và người hâm mộ Việt Nam. Một kì SEA Games thành công khi mà chúng ta đã đoạt cả 2 bộ huy chương của môn bóng đá, đặc biệt với đội nam, khi chúng ta chưa một lần giành HCV trước đó”, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã nói sau trận chung kết môn bóng đá nam.
Hẹn gặp ở Hà Nội với SEA Games 31
“Trong giai đoạn đầu chủ nhà Philippines đã gặp khá nhiều vấn đề ở khâu tổ chức, từ tiếp đón, chỗ ở đến ăn uống của VĐV. Nhưng sau đó họ đã rút kinh nghiệm, và càng về sau công tác tổ chức càng tốt hơn”, ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 30 đã chia sẻ với phóng viên của báo Thể thao & Văn hóa trong buổi gặp mặt phóng viên vào ngày 9/12 vừa qua.
Cũng theo ông Phấn, dù khâu tổ chức của chủ nhà Philippines không được hoàn hảo như kì vọng nhưng cũng có rất nhiều điều đáng để học hỏi: “Chúng tôi cũng có cử một đoàn đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm tổ chức. 2 năm tới Việt Nam sẽ đăng cai SEA Games 31 và chúng ta quyết tâm tổ chức một kỳ đại hội thành công, để lại ấn tượng với bạn bè”.
Lá cờ SEA Games đã chính thức được trao cho đại diện thể thao Việt Nam. 2 năm nữa, tại SEA Games lần thứ 31, lá cờ ấy sẽ lại phấp phơi bay trên bầu trời Hà Nội, nơi sẽ diễn ra kì Đại hội thể dục thể thao Đông nam Á tiếp theo. Một kì SEA Games được kì vọng sẽ thành công trên các sân đấu, sẽ vẹn toàn chu đáo ở khâu tổ chức...