Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cho biết, môn Bóng chày Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, bước đầu đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Bóng chày là môn thể thao Olympic. Do đó, ngành Thể dục thể thao Việt Nam định hướng phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Mới được thành lập cách đây 2 năm, Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam đã sớm tổ chức thành công giải vô địch toàn quốc lần đầu tiên vào cuối tháng 7/2022. Giải đấu đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho tiềm năng phát triển môn Bóng chày tại Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp.
Bóng chày đều đặn góp mặt trong các kỳ Thế vận hội từ khi chính thức trở thành môn thi đấu Olympic năm 1992. Là môn thể thao có nguồn gốc từ các nước châu Mỹ và phát triển rất mạnh mẽ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng ở Đông Nam Á lại ít phổ biến. Tại Việt Nam, môn thể thao này lần đầu tiên được du nhập vào TP Hồ Chí Minh từ hơn 10 năm trước, qua một số doanh nhân nước ngoài và sau đó các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc có những hỗ trợ về thiết kế sân bóng, đào tạo cơ bản về bóng chày…
Đến nay, bóng chày phát triển khá mạnh mẽ tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều cơ sở đào tạo bóng chày được hình thành, thu hút giới trẻ, nhất là cộng đồng doanh nhân nước ngoài. Tại Hà Nội, Câu lạc bộ Bóng chày Thiếu niên hoạt động từ năm 2008, gồm các thành viên đến từ nhiều trường học. Riêng năm 2015, đội U16 Câu lạc bộ Bóng chày Thiếu niên Hà Nội được mời tham dự vòng chung kết thế giới được tổ chức tại thành phố Lafayette, bang Indiana, Mỹ.
Dù trong điều kiện phong trào còn nhiều khó khăn, lần đầu tiên Việt Nam cử đội Bóng chày quốc gia với 20 vận động viên tham dự SEA Games 26 (năm 2011) tại Indonesia. Trong năm 2011, Đội U12 Bóng chày Việt Nam đã thắng Indonesia và Philippines, trở thành nhà vô địch Đông Nam Á tại Giải Bóng chày thiếu niên Pony tổ chức ở Seoul, Hàn Quốc.
Phong trào tập luyện và thi đấu Bóng chày ở Việt Nam đã và đang thu hút khá đông người tham gia. Tuy nhiên, để phát triển rộng rãi môn thể thao này theo hướng chuyên nghiệp, khó khăn lớn nhất của Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam ở thời điểm hiện tại là thiếu sân tập đúng chuẩn. Do vậy, Liên đoàn rất mong muốn nhận được sự hợp tác từ các nguồn xã hội hóa, các tổ chức doanh nghiệp trong nước và quốc tế để Bóng chày Việt Nam có được điều kiện tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp.
Tại buổi làm việc, ông Kwon KunSang, Giám đốc Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng tốt đẹp. Ngày càng nhiều người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc và ngược lại. Đặc biệt, sự hợp tác trong lĩnh vực thể thao ở hai quốc gia đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nổi bật ở bộ môn Bóng đá.
Bên cạnh đó, môn Bóng chày là một trong những môn thể thao phát triển mạnh tại Hàn Quốc. Chính vì vậy, phía Hàn Quốc mong muốn, cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển môn Bóng chày cả phạm vi phong trào và chuyên nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn đánh giá, với những tiềm năng hiện tại, việc giành huy chương tại SEA Games hay xa hơn là góp mặt ở các giải đấu châu lục, quốc tế là tương đối khả thi với Bóng chày Việt Nam nếu được tập trung đầu tư bài bản, hệ thống và khoa học.