Đoàn Trung Quốc đã “bứt tốc mạnh mẽ” để tiếp tục vững vàng ở ngôi đầu, tiếp theo là đoàn Mỹ và đoàn thể thao nước chủ nhà Nhật Bản.
Trong ngày thi đấu 2/8, đoàn thể thao Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu khi giành thêm được 6 Huy chương Vàng (HCV), nâng tổng số HCV lên con số 29, cùng với 17 Huy chương Bạc (HCB) và 16 Huy chương Đồng (HCĐ), nới rộng cách biệt với đoàn thể thao Mỹ (22 HCV, 25 HCB, 17 HCĐ). Đoàn thể thao nước chủ nhà Nhật Bản tuy không có thêm tấm HCV nào, nhưng vẫn bảo toàn được vị trí thứ ba, với 17 HCV, 6 HCB và 10 HCĐ.
HCV đầu tiên trong ngày thi đấu 2/8 thuộc về vận động viên (VĐV) Miltiadis Tentoglou ở nội dung nhảy xa dành cho nam. VĐV người Hy Lạp vượt qua đối thủ người Cuba Juan Miguel Echevarria ở cú nhảy cuối cùng, đạt 8,41m. Mặc dù cũng có thành tích 8,41m nhưng VĐV Echevarria đành chấp nhận xếp sau, do kém thành tích tốt thứ hai (8,08 so với 8,15).
Đoàn thể thao Trung Quốc đã có một ngày thi đấu thành công, thậm chí giành tới 4 HCV liên tiếp chỉ trong vòng 30 phút buổi chiều. Trong đó, phải kể đến VĐV Zhang Chang Hong với kỷ lục thế giới mới tại trận chung kết môn bắn súng nội dung 50m súng trường 3 tư thế nam, với 466,0 điểm. Cả 2 VĐV Liu Yang và You Hao đã giành trọn HCV và HCB ở nội dung thể dục dụng cụ nam vòng treo, với số điểm lần lượt là 15.500 và 15.300.
Các HCV còn lại thuộc về 2 VĐV Wang Zhou Yu và Li Wenwen ở nội dung cử tạ nữ hạng dưới 87kg và trên 87kg, đua xe đạp lòng chảo nước rút đồng đội nữ. Tuy vậy, các VĐV Trung Quốc cũng để lại nhiều tiếc nuối khi thất bại ở cả hai trận chung kết cầu lông, trước đội tuyển của Indonesia ở nội dung đôi nữ và tay vợt Chen Long để thua trước tay vợt người Đan Mạnh Victor Axelsen ở nội dung đơn nam.
Tại môn "thể thao Vua”, đội tuyển bóng đá nữ Canada đã xuất sắc giành vé vào chung kết sau khi lần đầu tiên đánh bại đội tuyển Mỹ trong 20 năm qua. Không chỉ phòng ngự kiên cường với sự xuất sắc của thủ thành Labbe, các nữ cầu thủ Canada còn trừng phạt sai lầm của hàng phòng ngự đội tuyển Mỹ phạm lỗi với tiền đạo của Canada trong vòng cấm ở phút 73. Trên chấm phạt đền, cầu thủ Jessie Fleming đã không mắc sai lầm để ghi bàn thắng duy nhất cho đội tuyển Canada.
Đây là chiến thắng lịch sử cho đội tuyển bóng đá nữ Canada khi họ lần đầu tiên giành quyền chơi trận chung kết sau 2 kỳ thế vận hội liên tiếp chỉ có được tấm HCĐ vào các năm 2012 và 2016. Trong trận Bán kết còn lại diễn ra sau đó ít lâu, đội tuyển bóng đá nữ Thụy Điển đã xuất sắc vượt qua đội tuyển Australia, cũng với tỷ số 1-0. Bàn thắng duy nhất của đội tuyển Thụy Điển được ghi do công của cầu thủ F. Rolfoe với cú đá bồi cận thành. Như vậy các cô gái đến từ Canada và Thụy Điển sẽ gặp nhau ở trận tranh HCV môn bóng đá nữ vào ngày 6/8 tới.
Ở nội dung chung kết cầu lông đôi nữ, cặp đôi VĐV Apriyani Rahayu và Greysia Polii đã giành chiến thắng trước cặp VĐV Chen Qing Chen và Jia Yi Fan của Trung Quốc để mang về tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Indonesia. Qua đó, giúp Indonesia vươn lên trở thành đoàn thể thao Đông Nam Á có thành tích tốt nhất tính đến thời điểm này tại Olympic Tokyo 2020 với 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ, xếp trên đoàn Thái Lan và Philppines (cùng có 1 HCV).
Là VĐV duy nhất của Đông Nam Á tranh tài ở vòng Bán kết chạy vượt rào 400m nữ, VĐV Quách Thị Lan đã không tạo được bất ngờ khi chỉ cán đích ở vị trí thứ 6/8, với thành tích 56 giây 78.
Tốc độ này là chưa đủ để đưa cô vào lượt chạy chung kết, đồng thời không đáp ứng mục tiêu mà cô đặt ra lúc ban đầu là phá kỷ lục cá nhân (55 giây 30), thậm chí thấp hơn thành tích cô đã đạt được ở vòng đấu loại (55 giây 71).
Mặc dù vậy, sự nỗ lực của Quách Thị Lan đã giúp cô gái trẻ này lưu lại một cột mốc đáng nhớ tại Olympic Tokyo 2020. Quách Thị Lan đã ghi tên mình là nữ VĐV châu Á thứ 5 trong lịch sử giành quyền tham dự 400m vượt rào Olympic.
Trước đó, mới chỉ có 4 nữ VĐV của châu Á làm được điều này là Pilavullakandi Thekkeparambil Usha (người Ấn Độ, năm 1984), Natalya Torshina (người Kazakhstan, năm 2000 và 2004), Huang Xiaoxiao (người Trung Quốc, năm 2004) và Satomi Kubokura (người Nhật Bản, năm 2008 và 2012).
Quách Thị Lan cũng là VĐV đầu tiên của đoàn Thể thao Việt Nam góp mặt ở vòng Bán kết tại Olympic Tokyo. Cô cũng ghi dấu ấn trong làng điền kinh Việt Nam, bởi trước đó chưa có VĐV điền kinh nào của Việt Nam vào tới Bán kết một kỳ Thế vận hội, không tính các nội dung thi luôn chung kết.
Với việc Quách Thị Lan dừng bước ở Bán kết vượt rào 400m nữ, đoàn Thể thao Việt Nam kết thúc cuộc hành trình tại Olympic Tokyo 2020 mà không giành được huy chương. Dự kiến, các thành viên của đoàn sẽ về nước vào ngày 4/8 tới.
Sau đây là danh sách 20 đoàn thể thao đang dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tính đến hết ngày 2/8:
TT Đoàn HCV HCB HCĐ Tổng
1. Trung Quốc 29 17 16 62
2. Mỹ 22 25 17 64
3. Nhật Bản 17 6 10 33
4. Australia 14 4 15 33
5. Ủy ban Olympic Nga 12 21 17 50
6. Anh 11 12 12 35
7. Pháp 6 10 7 23
8. Đức 6 6 11 23
9. Hàn Quốc 6 4 9 19
10. Hà Lan 5 7 6 18
11. Italy 4 9 15 28
12. New Zealand 4 3 4 11
13. CH Séc 4 3 1 8
14. Canada 3 4 7 14
15. Thụy Sĩ 3 4 5 12
16. Croatia 3 2 2 7
17. Đài Bắc Trung Hoa 2 4 4 10
18. Brazil 2 3 5 10
19. Cuba 2 3 3 8
20. Hungary 2 2 2 6.