Khán giả cũng như VĐV một lần nữa lại được sống trong một lễ hội âm nhạc màu sắc đậm chất Nam Mỹ và hơn hết thảy vẫn là thông điệp nhân văn, đề cao tinh thần thể thao. Nước chủ nhà Brazil đã đưa vào chương trình nhiều màn trình diễn nghệ thuật, âm nhạc được dàn dựng công phu, trong đó có lồng ghép cả những tiết mục dành cho các nghệ sĩ khuyết tật. Đặc biệt là màn biểu diễn của Jonathan Bastos, một nghệ sĩ Brazil được sinh ra không có tay, song vẫn trở thành một tài năng guitar với đôi chân khéo léo. Tiếp theo, cầm cờ cho đoàn thể thao Brazil, cầu thủ Ricardinho, ngôi sao khiếm thị cùng các đồng đội đã giành HCV nội dung bóng đá 5 người, mở đầu buổi lễ diễu hành quanh SVĐ của các đoàn thể thao.
Cũng trong buổi lễ, 1 phút yên lặng đã được dành ra để mặc niệm VĐV xấu số người Iran Bahman Golbarnezhad. Tay đua này qua đời trong bệnh viện ở Rio de Janeiro, sau khi anh gặp tai nạn trên đường đua xe đạp, nội dung dành cho nhóm VĐV hạng thương tật C4-5 của nam, hôm 17/9.
Màn pháo hoa ấn tượng tại lễ bế mạc. Ảnh: Reuters |
Trưởng ban tổ chức Paralympic Ri 2016 Carlos Nuzman đã có bài phát biểu cảm ơn chủ nhà Brazil cùng sự quyết tâm của các VĐV, sự ủng hộ của người hâm mộ toàn thế giới đã góp sức để 2 kỳ đại hội thể thao thế giới diễn ra thành công, nhiệm vụ tưởng chừng khó thực hiện trong bối cảnh bất ổn chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.
Tiếp đến là một trong những nội dung quan trọng trong buổi lễ bế mạc của Paralympic, đó là việc chuyển giao lá cờ của Paralympic cho Tokyo (Nhật Bản) - thành phố đăng cai sự kiện này năm 2020. Kết thúc buổi lễ, ngọn lửa Paralympic tạm tắt để chuẩn bị cho đại hội 4 năm nữa ở phía bên kia Thái Bình Dương.
Paralympic Rio 2016 khép lại với ngôi đầu trên bảng tổng sắp thuộc về đoàn thể thao Trung Quốc - tổng cộng 239 huy chương, trong đó 107 HCV, 81 HCB và 51 HCĐ. Đoàn Anh xếp vị trí thứ 2 với 147 huy chương. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Ukraine, Mỹ, Australia. Đoàn chủ nhà Brazil xếp thứ 8 với 72 huy chương các loại.
Với thể thao người khuyết tật Việt Nam, chúng ta đã có một kỳ Paralympic rất thành công khi xếp thứ 55 chung cuộc với 4 tấm huy chương. Đặc biệt là Việt Nam tham dự 3 môn cử tạ, điền kinh, bơi thì cả 3 đều có huy chương. Đây là sự nỗ lực phi thường, vượt qua khiếm khuyết, nghịch cảnh đáng được khâm phục, bởi 4 năm trước tại Paralympic London 2012, thể thao người khuyết tật Việt Nam tiếc nuối khi có đến 4 hạng 4 nhưng chưa thể chạm tay vào tấm huy chương. Đáng chú ý là tấm HCV cử tạ của lực sĩ Lê Văn Công ở hạng cân 49 kg. Cùng với đó là tấm HCB của kình ngư Võ Thanh Tùng ở nội dung bơi 50m tự do nam hạng thương tật S5, Đặng Thị Linh Phượng với HCĐ ở nội dung cử tạ hạng cân 50kg, Cao Ngọc Hùng với HCĐ ở môn ném lao hạng thương tật F56/57.
Có thể nói khát vọng vươn lên, thi đấu nhiều khi trong thinh lặng, chẳng nhiều khán giả cổ vũ nhưng chỉ cần chiến thắng được số phận thì có khác chi đã chiến thắng cả một cuộc tranh tài. Tại kỳ Paralympic lần này, các VĐV Việt Nam đã làm nên kỳ tích, mở ra chương mới với thể thao người khuyết tật Việt Nam ở đấu trường lớn nhất hành tinh, khiến bạn bè quốc tế nể phục.