Khi bóng đá không phải là tất cả

Giống như thủ môn Mickael Landreau, một số cầu thủ bóng đá có thể bỗng nhiên quyết định kết thúc sự nghiệp. Giờ họ là người mẫu, chính trị gia hay một con chiên ngoan đạo, tất cả đều có lý do riêng để chạy trốn khỏi những nỗi đau của bóng đá hiện đại. Một số khác thì bị suy sụp về tâm lý hoặc đơn giản hơn là quyết định dừng cuộc chơi để cứu một người thân. 


Thủ môn Landreau vừa bất ngờ chia tay Lille. Ảnh: uefa.com


Bóng đá, một thế giới đảo điên vì tiền


Trong làng bóng đá, hiếm có những cầu thủ có thể tự đưa ra quan điểm chính trị của mình. Nhưng có một người lại không ngần ngại bày tỏ sự phẫn nộ về những chuyện xảy ra xung quanh anh cũng như về nền bóng đá ở nước mình, đó là Javi Poves, một cựu cầu thủ của Sporting Gijon.


Cách đây hơn 1 năm, chàng trai 24 tuổi người Tây Ban Nha này đột ngột chia tay bóng đá và từ chối nhận lương tại Sporting nhằm phản đối tình trạng thất nghiệp, nợ nần và tham nhũng tràn lan. Anh cũng kịch liệt lên án mặt trái của bóng đá, đó là đem đến cho giới cầu thủ ngôi sao một cuộc sống như những ông hoàng, mà anh gọi là “ốc đảo giấc mơ”, xa rời với thực tế.


Trong khi đó, với Daniel da Cruz Carvalho, công việc bận rộn hằng ngày của anh vào thời điểm này là danh sách người mẫu, những buổi trình diễn thời trang. Xuất thân từ một gia đình khá giả, Carvalho từ lâu đã không che giấu hai niềm đam mê: bóng đá và thời trang. Và khi phải quyết định chọn một, cựu cầu thủ của Atletico Madrid và West Ham đã không ngần ngại chấm dứt sự nghiệp “quần đùi, áo số” ở tuổi 27, khi anh vẫn là một trong những niềm hy vọng của bóng đá Bồ Đào Nha.


Cứu sống con gái hay chơi bóng?


Một số cầu thủ khác lại chọn cách cầu nguyện để bù đắp lại quãng thời gian điên rồ trước đây của mình. Điển hình trong số này có Roberto Brum, cựu cầu thủ của Sporting Braga. Không còn những buổi nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng ở các hộp đêm, với gái và rượu, cầu thủ người Brazil giờ là một linh mục và anh còn mở một nhà thờ riêng tại Niteroi.


Brum cho biết: “Tôi trung thành với Chúa và tôi giờ quan tâm nhiều hơn tới các con của mình. Chúa đã dẫn tôi đến với cuộc đời và tôi không hề tiếc nuối (khi chia tay bóng đá). Tôi đã trở thành một con người tốt hơn”.


Nhưng cũng có trường hợp như Ariel Gianconne, sẵn sàng hy sinh niềm đam mê cá nhân chỉ vì mục đích là cứu sống con mình. Cựu cầu thủ của Belgrano và Ferro Carril (Argentina) đã hiến thận để cứu cô con gái 19 tuổi, khi mà anh vẫn đang sung sức và thi đấu tốt ở tuổi 36.


Những cầu thủ khác lại bị sụp đổ về mặt tinh thần và phải treo giày, như cựu ngôi sao người Đức, Sebastian Deisler. Hay thậm chí, một đồng hương của Deisler là Robert Enke lại chọn giải pháp tự tử để giải thoát. Trên tờ Stern mới đây, thủ môn Rene Alder của Hamburg và đội tuyển Đức tâm sự: “Cả hai chúng tôi đều gặp sức ép giống nhau. Điều đó khiến tôi sợ hãi vì tôi cũng có thể làm theo cách của anh ấy (Enke). Sức ép ở ĐTQG là rất lớn”.

Jonathan de Falco giờ có nghệ danh là Stany Falcone. Ảnh: internet



Và cá biệt có những trường hợp như Jonathan de Falco, anh tìm cách thoát khỏi những áp lực từ quãng thời gian thi đấu cho một đội bóng hạng Ba của Bỉ bằng cách tham gia... đóng phim cấp 3 dành cho dân đồng tính. Cựu cầu thủ 26 tuổi của RC Malines giờ được biết đến với nghệ danh Stany Falcone. “Thế giới bóng đá không sẵn sàng chấp nhận những cầu thủ công khai đồng tính, có quá nhiều thành kiến và quá ít sự khoan dung”, Stany Falcone nói.


Bảo An




Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN