Khó khăn đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ

Đào tạo cầu thủ trẻ chính là cốt lõi của mỗi nền bóng đá. Nếu muốn có thành công trong ngày mai thì cần phải tập trung đầu tư tốt cho lứa cầu thủ trẻ từ hôm nay. Các nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam tất yếu hiểu rất rõ điều này. Thế nhưng, để làm được lại là điều không hề đơn giản.


 

Hình ảnh đáng thất vọng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2012.

 

Kể từ sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, thành tích của bóng đá nam đang ngày một sa sút: Á quân SEA Games 2009, xuống thứ 3 tại AFF Suzuki Cup 2010, tiếp tục tụt xuống vị trí thứ 4 SEA Games 2011 và bị loại ngay từ vòng bảng AFF Suzuki Cup 2012. Gần đây nhất, đội tuyển Việt Nam cũng đã thua cả 2 trận mở màn và hầu như không có cơ hội tiến xa ở vòng loại Asian Cup 2015. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là chúng ta thiếu những lứa cầu thủ kế cận, các cầu thủ trẻ ít có cơ hội cọ xát để phát huy hết khả năng.


Tất nhiên, không phải tới thời điểm này, công tác đào tạo cầu thủ trẻ mới bộc lộ những hạn chế, mà đây vốn là điểm yếu cố hữu của bóng đá Việt Nam. Hầu hết các chuyên gia bóng đá nước ngoài, khi đặt chân đến Việt Nam đều có chung nhận xét: Xuất phát điểm của bóng đá Việt Nam không thua bất cứ quốc gia nào ở châu Á, cầu thủ Việt Nam thông minh, nhanh nhẹ, kỹ thuật tốt và chịu khó. Đây chính là những nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của bộ môn này, nhất là ở một đất nước mà sự quan tâm của người hâm mộ tới bóng đá không thua kém bất cứ quốc gia nào có nền bóng đá phát triển. Nhưng nghịch lý là với một nền tảng như vậy, thành tích của bóng đá nam Việt Nam vẫn chỉ đì đẹt ở “vùng trũng” Đông Nam Á, thậm chí chưa từng vô địch SEA Games.


Các đội tuyển trẻ Việt Nam thường chơi rất tốt ở các giải đấu khu vực và châu Á. Đội U16 từng vô địch Đông Nam Á năm 2010 (giải mở rộng), sau khi đánh bại Trung Quốc ở trận chung kết. Lứa U16 của HLV Hoàng Văn Phúc từng vào vòng chung kết châu Á và tương tự như vậy là lứa U19 của HLV Triệu Quang Hà. Năm 2000, U17 Việt Nam từng giành vị trí thứ 4 châu Á. Tại giải đó, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã thắng Trung Quốc ở vòng bảng và Phạm Văn Quyến được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Mới đây nhất, U17 Việt Nam (do U17 Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đại diện) cũng thắng Trung Quốc và chỉ thua sát nút Nhật Bản…


Nhưng cũng giống như chính hình ảnh của Văn Quyến, những tài năng trẻ bóng đá Việt Nam càng lớn tuổi càng… thui chột. Những lứa cầu thủ trẻ giỏi ấy cứ mai một dần, nhất là khi họ bước chân vào sự nghiệp chuyên nghiệp. Lý do thì có nhiều, nhưng cách đào tạo và quản lý bóng đá trẻ của chúng ta rõ ràng có vấn đề. Những thế hệ cầu thủ giỏi ấy không được quan tâm thường xuyên, ít được tạo cơ hội tập trung thi đấu quốc tế, dẫn đến tình trạng “tan đàn, xẻ nghé” chỉ một thời gian ngắn sau khi lập nên những chiến tích đáng nể.


HLV Henrique Calisto, người đã đem về cho bóng đá Việt Nam chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, từng đánh giá: Muốn có một “thế hệ vàng” thì các cầu thủ cần phải chơi cùng nhau từ tuổi 15, 16, lên đến đội tuyển quốc gia. Với thời gian ấy, họ chơi cùng nhau ít nhất 45 trận, để hình thành nên một lối chơi có cá tính và đặc biệt là tạo nên mối liên hệ chắc chắn giữa các cầu thủ trong đội. Thế nhưng, bóng đã Việt Nam chưa từng làm được điều này.
Chưa kể tới việc, kể từ khi bóng đá Việt Nam bắt đầu lên chuyên nghiệp năm 2000, cơ hội để cho các cầu thủ trẻ phát triển tài năng lại càng ít đi. Các doanh nghiệp đổ tiền vào làm bóng đá và họ muốn thu lại thành tích càng sớm càng tốt. Với một khoản tiền nhất định, họ có thể mua vài cầu thủ ngoại để nhanh chóng làm biến đổi bộ mặt của đội bóng, thay vì đầu tư cho việc đào tạo cầu thủ trẻ, vừa mất thời gian, vừa không được đảm bảo thành công về chất lượng. Nhìn khắp sân chơi V-League hiện nay, không đội bóng nào là không có trụ cột là ngoại binh. Rất hiếm khi các chân sút nội có thể qua mặt các “ông Tây” về khả năng ghi bàn…


Trong chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games từ 2 - 3 lần, vượt qua vòng loại thứ ba của vòng loại World Cup khu vực châu Á ít nhất 1 lần, đội tuyển nam xếp thứ 10 - 12 châu Á… Để những kế hoạch này trở thành hiện thực thì việc tập trung đầu tư bài bản cho bóng đá trẻ từ bây giờ, e rằng cũng đã là quá muộn.


Song Long


Bài cuối: Nỗi lo kinh phí

Khó khăn đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ
Khó khăn đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ

Đào tạo cầu thủ trẻ chính là cốt lõi của mỗi nền bóng đá. Nếu muốn có thành công trong ngày mai thì cần phải tập trung đầu tư tốt cho lứa cầu thủ trẻ từ hôm nay. Các nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam tất yếu hiểu rất rõ điều này. Thế nhưng, để làm được lại là điều không hề đơn giản.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN