Không thể đùa với “cơm áo” cầu thủ

V-League 2014 còn chưa khởi tranh nhưng đã sớm chào đón 3 đội bóng tân binh, sau khi mùa giải hạng Nhất 2013 hạ màn. Hy vọng “phục sinh” của các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam lại được nhen nhóm, sau cuộc khủng hoảng trên diện rộng hồi cuối năm 2012. Tuy nhiên, với tình cảnh túng quẫn tài chính điển hình của một đại diện V-League là Kienlongbank Kiên Giang như hiện nay, nguy cơ số lượng các đội bóng tham dự V-League 2014 lại "thiếu trên, hụt dưới" có khả năng sẽ tái diễn.

 

Các cầu thủ K. Kiên Giang (trái) vẫn bị nợ lương, tiền lót tay. Ảnh: Dương Thu - TTXVN

 

Theo tính toán của những người làm bóng đá, hiện nay, số tiền đầu tư cho các CLB V-League và hạng Nhất mỗi năm lên đến 1.500 tỷ đồng. Như vậy, trong 10 năm “cõng” chữ “chuyên” trên lưng, các CLB Việt Nam đã tiêu tốn khoảng 15.000 tỷ đồng từ các khoản đầu tư xã hội. Nhưng thay vì hình ảnh chuyên nghiệp và hiện đại như mục tiêu đặt ra, cảnh hàng loạt "tượng đài" bóng đá như Thể Công, Cảng Sài Gòn, Công an TP Hồ Chí Minh, rồi đến Hòa Phát Hà Nội, Navibank Sài Gòn, Khatoco Khánh Hòa bị giải thể hoặc xóa tên đã gây sốc cho cả nền bóng đá.


Sự kiện 7 đội bóng V-League và hạng Nhất rút lui trước mùa giải 2013, khiến 2 giải đấu hàng đầu quốc gia phải 3 lần tạm hoãn ngày khai mạc, đã cho thấy những hậu quả nghiêm trọng từ khó khăn tài chính. Hy vọng về cuộc phục sinh, thoát khỏi khủng hoảng ở mùa 2014 mới chớm lên lại đang có nguy cơ lụi tàn. Cả 3 tân binh mới thăng hạng là QNK Quảng Nam, Hùng Vương An Giang và Than Quảng Ninh đều không mạnh về tiềm lực kinh tế. Hiện nay, mới chỉ có QNK Quảng Nam được tỉnh cho bao thầu việc khai khoáng, kinh doanh bất động sản ở tỉnh để có thêm vốn làm ăn, ngoài tiền tài trợ từ Tập đoàn đầu tư khoáng sản QNK. Trong khi đó, 2 đội bóng còn lại đang phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà tài trợ, nên chưa dễ gì đủ tiền để nâng cấp nhân sự và đủ kinh phí dự V-League.


Giải chuyên nghiệp 2013 hiện vẫn còn u ám, sau sự kiện một số CLB như XM Xuân Thành Sài Gòn, XM The Vissai Ninh Bình dọa “xóa sổ” đội bóng. Đáng nói nhất là trường hợp của K. Kiên Giang, họ bị rơi cảnh thiếu hụt kinh phí, lương thưởng và cả tiền lót tay cầu thủ suốt nhiều tháng qua. Đến trước trận gặp Thanh Hóa ở vòng 15 V-League, các cầu thủ K. Kiên Giang đã đình công không tập luyện, do CLB còn nợ họ gần 10 tỷ đồng tiền lót tay, lương thưởng. Một cầu thủ (đề nghị giấu tên) đã bộc lộ sự chán chường: “Thực tế, khoản tiền lót tay cầu thủ cao nhất là 700 triệu đồng/mùa, tổng số tiền lót tay mà K. Kiên Giang phải chi không quá cao so với mặt bằng chung V-League. Nhưng do thiếu kinh phí, nhà tài trợ thì bỏ bê, nên chúng tôi bị rơi cảnh phải chờ dài nhiều tháng. Có tin K. Kiên Giang sẽ giải thể ở cuối mùa, nên anh em càng chán nản, thân ai nấy lo trước khi con tàu bị đánh đắm”.


Giám đốc điều hành của K.Kiên Giang, ông Trương Thanh Hồng, cũng lo lắng: “Chúng tôi đã nhờ VFF (LĐBĐ Việt Nam) lẫn VPF (Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp) tác động lên tỉnh, nhà tài trợ để hỗ trợ kinh phí. Trước trận gặp Thanh Hóa, CLB cũng lo được 2 tỷ đồng để trả lương tháng 5 và tiền lót tay cho một số cầu thủ. Nhưng số tiền còn thiếu không nhỏ, chúng tôi đã cố gắng nhưng phải có sự hỗ trợ thêm từ trên mới ổn, chứ mọi thứ bây giờ quá khó để lãnh đạo CLB có thể một mình xoay xở”.


Lãnh đạo đội mệt mỏi vì áp lực, cầu thủ chán nản vì nghe lời hứa quá nhiều. Tình hình tại K. Kiên Giang không được cải thiện trong thời gian qua. Kể cả đến cuối tháng 7, việc giải quyết số nợ còn tồn đọng với cầu thủ cũng khó có thể thực hiện được. Nhiều khả năng, cuối mùa giải này, K. Kiên Giang sẽ phải giải thể thực sự vì không đủ kinh phí dự giải mùa sau.


Chỉ e rằng, vết xe đổ từ K. Kiên Giang sẽ tạo nên hiệu ứng đôminô, đổ sập có hệ thống, khiến số đội dự V-League và hạng Nhất bị xáo trộn lớn. Không chừng mùa giải chuyên nghiệp 2014 lại đứng trước nguy cơ phải điều chỉnh số đội, đẩy lùi ngày khai mạc như mùa giải 2013.


Nguyễn Tuấn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN