Quãng nghỉ khoảng 2 tháng hè giúp các cầu thủ có những giây phút xả hơi để lấy lại thể lực và tinh thần tốt nhất cho mùa bóng mới. Nhưng sự xả hơi ấy không phải luôn diễn ra trên những hòn đảo xinh đẹp, những du thuyền hạng sang, mà ở cả những mảnh đất xa xôi trong các chuyến du đấu. Đó là những chuyến đi mang theo tầm nhìn về quảng bá hình ảnh, về marketing thể thao và về các mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng. Tháng 7 và tháng 8 này, cuộc “tiến công” châu Á, Bắc Mỹ của các CLB châu Âu lại đang hâm nóng bầu không khí bóng đá toàn cầu.
“Đánh cắp” trái tim fan châu Á
Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi những giải đấu chính thức của châu Âu hạ màn, các CLB lại rục rịch chuẩn bị hai kế hoạch lớn trong mùa hè: Mua sắm cầu thủ và du đấu. Mua sắm là vấn đề thường trực trong tâm trí những giám đốc thể thao và huấn luyện viên, nhưng họ cũng không quên mục tiêu nâng cao thương hiệu của CLB trong mắt người hâm mộ, các nhà tài trợ, cũng như các nhà đầu tư. Điều này được tiến hành thông qua những chuyến du đấu.
Sau Inđônêxia, "Pháo thủ" sẽ dừng chân ở Việt Nam. |
Rất nhiều CLB hàng đầu châu Âu xách vali tới châu Á trong tháng 7 này. Đi đầu phải kể đến những tên tuổi của giải Ngoại hạng Anh. Manchester United đã bắt đầu mùa hè của họ với trận gặp Các ngôi sao Thai-League tại Băngcốc (Thái Lan) ngày 13/7. 7 ngày sau đó, họ bay tới Ôxtrâylia cho một cuộc đọ sức tương tự, trước khi đổ bộ lên đất Nhật Bản và Hồng Công (Trung Quốc).
Cùng thời điểm với Man “đỏ”, Chelsea cũng tới Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan, Malaixia và Inđônêxia. Arsenal thậm chí còn gây bất ngờ hơn, với việc lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam và quay trở lại Nhật Bản sau 42 năm. Liverpool đương nhiên không thể vắng mặt ở những mảnh đất quen thuộc này, với 3 trận đấu chỉ trong vòng 8 ngày.
Dường như, để tránh “đụng hàng” với các ông lớn nước Anh, rất ít đội bóng của Italia, Đức hay Tây Ban Nha “book” vé tới đây, ngoại trừ Barcelona, nhưng cũng là tận tháng 8.
Với các đội bóng châu Âu, châu Á hiện là thị trường quan trọng nhất cho việc quảng bá tên tuổi. Đây là nơi họ có lượng fan khổng lồ. Man Utd tuyên bố có đến 325 triệu fan ở châu Á, Chelsea có 44 triệu, còn Liverpool là 33 triệu. Các đội bóng này tự đặt cho mình sứ mệnh làm hài lòng những người hâm mộ - vốn thường chỉ chứng kiến họ qua màn hình TV.
Các nhà tổ chức châu Á không ngại mở két hàng triệu USD để mời về những ngôi sao bên trời Tây. Ở nơi này có những đối tác thương mại chính thức của các CLB. Chẳng hạn, Singha từ Thái Lan là đối tác toàn cầu của Man Utd, vì thế “Quỷ đỏ” phải ưu tiên du đấu tới đây. Bên cạnh đó, doanh thu từ việc bán các sản phẩm chính thức, như trang phục thi đấu, tập luyện ở châu Á luôn ổn định và ở mức cao. Một lần du đấu là một lần kích thích người hâm mộ chi tiêu.
Người châu Á yêu bóng đá châu Âu nên luôn sẵn lòng trả tiền xem các trận đấu qua truyền hình. Người Pháp, Đức có thể không xem Ngoại hạng Anh, nhưng người châu Á thì không thể. Đến châu Á, các CLB Anh càng gây nên cơn sốt ở người hâm mộ, khiến họ sẽ không thể nào bỏ lỡ đội bóng yêu mến trên truyền hình khi mùa giải chính thức bắt đầu. Vậy là cuộc chiến giữa các hãng truyền hình khu vực để mua bản quyền phát sóng nổ ra, đẩy giá mua lên cao và thu về cho các đội bóng cả núi tiền.
Khai phá thị trường Mỹ
Mỹ cũng là địa điểm du đấu ưa thích gần đây của các đội bóng châu Âu. Chelsea, Real Madrid và các ông lớn Italia như Juventus, Inter Milan, AC Milan đều có kế hoạch tới đó vào tháng 8/2013. Valencia hay Everton cũng đã xác nhận kế hoạch tương tự.
Khác với châu Á, người Mỹ không “phát sốt” vì bóng đá. Nơi đây, bóng rổ, bóng chày và bóng bầu dục vốn rất được ưa chuộng. Khi tới Mỹ, các đội bóng châu Âu vì thế mang theo sứ mệnh quảng bá là chính, để thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ, nơi tiềm năng tài chính dồi dào hơn châu Á. Hiện nay, rất nhiều nhà tài trợ, nhà đầu tư và các ông chủ CLB châu Âu đến từ Mỹ.
Các đội bóng châu Âu tới đây vào quãng nghỉ của giải nhà nghề Mỹ (MLS), tức là khoảng thời gian vàng để lấp chỗ trống trên các sân đấu. Vì thế, các nhà tài trợ có cơ hội phô trương thương hiệu mà không sợ gặp cạnh tranh với giải đấu nội địa. Về lâu dài, khi số lượng người hâm mộ Mỹ gia tăng, đây hứa hẹn sẽ là thị trường chủ đạo của cuộc “tiến công” từ châu Âu.
Tuy nhiên, việc phải di chuyển xa xôi và giao hữu dày đặc với các đối thủ “dưới cơ” thường ít mang lại lợi ích chuyên môn cho các CLB. Một số cầu thủ còn cảm thấy bị “hành xác”, dẫn đến tiêu tốn thể lực hoặc gặp chấn thương không đáng có, điều mà Wayne Rooney (Man Utd) đã gặp phải ngay ngày đầu tiên đặt chân đến Băngcốc. Nhưng dù sao, thương mại cũng có ý nghĩa quan trọng và kiếm tiền ngoài mùa giải cũng là một nhiệm vụ chính cho bất kỳ cầu thủ nào.
Trần Anh