Trong sự nghiệp sáng chói của mình, cựu Thủ tướng Anh Thatcher không chỉ tạo dấu ấn sâu đậm trên chính trường Anh mà lịch sử cũng không thể quên tầm quan trọng của “Người đàn bà thép” trong những bước phát triển của bóng đá Anh.
Cựu Thủ tướng Thatcher góp công lớn trong việc dẹp nạn hooligan trong bóng đá Anh. Ảnh: internet |
Trên thực tế, trong hơn một thập niên làm thủ tướng Anh (1979 - 1990), bà Thatcher đã gián tiếp tạo nên nền tảng cho bóng đá thương mại. Không có bà, giá vé vào sân không tăng cao như hiện nay. Không có bà, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch không thể mua bản quyền truyền hình các trận đấu Premier League. Hay nói cách khác, không có bà, Premier League không tồn tại như hiện nay, giải đấu sẽ mãi là “sút và chạy” (kick & rush) theo kiểu truyền thống.
Đối với những người yêu mến Cristiano Ronaldo, Cesc Fabregas và Didier Drogba trước đây, Wayne Rooney, Robin van Persie, Eden Hazard và Gareth Bale hiện tại, họ phải nói lời cảm ơn bà Thatcher. Chính nhờ những quyết định của “Người đàn bà thép”, bóng đá Anh mới thu hút được nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới, cũng như kiếm được bộn tiền như hiện nay.
Năm 1985, sau thảm họa Heysel (39 người thiệt mạng trong trận Liverpool - Juventus), luật pháp Anh cho phép kết án những cổ động viên (CĐV) say xỉn, dùng đồ uống có cồn, mang các đồ vật nguy hiểm (pháo, pháo khói) vào sân vận động, đồng thời mở rộng quyền hạn của cảnh sát. Hooligan (CĐV quá khích) từ đó được xem là một loại tội phạm. Cảnh sát Anh bắt đầu được tăng cường ở trong và ngoài sân bóng, được sử dụng chó nghiệp vụ để đảm bảo an ninh cho các trận đấu. Các camera theo dõi, các hàng rào trên khán đài... đã được sử dụng để ngăn chặn các vụ bạo lực xuất phát từ các CĐV. Thậm chí, một điều luật ra đời năm 1989 chỉ cho phép những khán giả có thẻ quẹt điện tử được vào sân và thẻ này sẽ bị tịch thu trong trường hợp phạm tội.
Cũng trong thời gian này, cảnh sát Anh đã tiến hành trấn áp, bắt giữ và xử lý hàng loạt vụ bạo lực nổi cộm, ví dụ như án tù 10 năm được đưa ra đối với thủ lĩnh của nhóm hooligan Head Hunters năm 1985, hay áp dụng những án phạt quy đổi đối với những hooligan nhỏ tuổi.
Mặc dù vậy, những án phạt mạnh tay đôi khi cũng không giải quyết được mọi chuyện. Bà Thatcher đã bị lên án sau thảm họa Hillsborough ngày 15/4/1989, khi đám đông xô đẩy làm sập một góc khán đài và gây ra cái chết của 95 CĐV Liverpool. Báo cáo điều tra sau đó (năm 1990) khẳng định CĐV không phải là thủ phạm duy nhất gây ra vụ việc, mà nguyên nhân còn là do sự thất bại trong việc quản lý của cảnh sát. Tháng 9/2012, Thủ tướng Cameron và cảnh sát Anh đã chính thức xin lỗi CLB Liverpool và các CĐV của đội bóng này về việc đã quy kết họ gây nên thảm họa Hillsborough.
Báo cáo điều tra năm 1990 cũng mở đường cho một thay đổi lớn nữa ở bóng đá Anh: Các hàng rào chắn ở hàng ghế đầu bị dỡ bỏ, chỗ ngồi trong các sân bóng cũng được sắp xếp lại, mang lại hình ảnh thân thiện như chúng ta thấy hiện nay. Đặc biệt, bóng đá thương mại cũng hình thành từ đó. Để vào sân xem bóng đá, người hâm mộ sẽ phải trả tiền cao hơn. Những ý tưởng trước đó của bà Thatcher về việc biến bóng đá thành một ngành công nghiệp giải trí cũng nhận được sự chào đón của một thế hệ ông chủ mới và đối tác mới của các CLB. Sau đó, các đội bóng cũng dần chuyển đổi thành các “Công ty TNHH tư nhân”, một số hiện có tên niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Những thay đổi này cũng là tiền đề để năm 1992, giải hạng Nhất Anh đã ký được một hợp đồng lịch sử với Murdoch, ông chủ của Sky Network và kênh truyền hình BskyB: 300 triệu bảng (khoảng 350 triệu euro) để phát sóng một số trận đấu trong 5 năm. Những khán giả bình dân không thể đến sân vì giá vé quá cao? Murdoch “bán rẻ” cho họ qua truyền hình trực tiếp. Và đến bây giờ, Premier League đã trở thành giải đấu có giá trị thương mại lớn nhất thế giới, với giá bản quyền truyền hình kỷ lục: Khoảng 3,7 tỷ euro trong giai đoạn 2013 - 2016.
Song Long