Ngày quốc tế Thể thao vì sự phát triển và hòa bình (6/4):

Nhịp cầu kết nối, lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Trong đời sống hiện đại ngày nay, thể thao ngày càng được đông đảo người dân tập luyện và ưa chuộng bởi nó góp phần mang lại cho con người cuộc sống mạnh khỏe, giảm áp lực. Không những thế, thể thao còn giúp kết nối tinh thần đoàn kết giữa con người với con người, lan tỏa những giá trị văn hóa, tốt đẹp của mỗi quốc gia, dân tộc đến với bạn bè thế giới.

Chú thích ảnh
 Ngày 27/3/2022, tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2022 và Giải Việt dã Đại hội Thể dục thể thao thành phố lần thứ IX năm 2022. Ảnh: TTXVN phát

Tăng cường vị thế thể thao Việt Nam

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng công tác thể dục thể thao để bồi dưỡng nhân tài, tạo sức mạnh và động lực phát triển đất nước. Sự chăm lo của các cấp lãnh đạo đã khích lệ các đoàn thể thao, vận động viên củng cố thêm quyết tâm tập luyện, thi đấu, đem về thành tích cao, ghi dấu ấu vào bảng vàng vinh quang cho Tổ quốc.

Thể thao thành tích cao có bước phát triển, thành tích một số môn đạt được trình độ châu Á và thế giới. Cơ sở vật chất, kỹ thuật cho thể dục, thể thao từng bước được nâng cấp, xây dựng mới. Hợp tác quốc tế về thể thao được tăng cường, vị thế của thể thao Việt Nam được nâng cao, nhất là ở khu vực Ðông Nam Á.

Đối với thể thao thành tích cao, năm 2021, thể thao Việt Nam đã giành được huy chương Vàng, 15 huy chương Bạc và 14 huy chương Đồng. Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia và các địa phương tổ chức 72 giải thể thao quốc gia, mở 7 lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 quốc gia và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thành tích nổi bật của thể thao Việt Nam những năm qua không thể không kể tới là dấu mốc quan trọng trong môn bóng đá. Đội tuyển U20 quốc gia xuất sắc giành quyền tham dự Vòng chung kết FIFA U20 World Cup 2017; Đội tuyển U23 quốc gia giành ngôi Á quân tại Giải U23 châu Á 2018; Đội tuyển Futsal quốc gia 2 lần góp mặt tại Vòng chung kết FIFA Futsal World Cup (2016 và 2021); Đội tuyển nam quốc gia lần đầu tiên lọt vào Vòng loại cuối FIFA World Cup 2022; Đội tuyển nữ quốc gia lần đầu tiên giành quyền thi đấu tại Vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023...

Mới đây, trong những ngày đầu tháng 2/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi đội tuyển bóng đá nam và nữ quốc gia giành hai chiến thắng liên tiếp trong ngày mồng Một và mồng Hai Tết Nhâm Dần.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa biểu dương và đánh giá cao các huấn luyện viên, cầu thủ đội tuyển bóng đá nam quốc gia đã giành chiến thắng 3-1 trong trận đấu với đội tuyển Trung Quốc. Chủ tịch nước cũng gửi lời chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao Huấn luyện viên Mai Đức Chung cùng các cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ quốc gia đã thi đấu rất xuất sắc, giành thắng lợi 2-1 trước đội tuyển Đài Bắc Trung Hoa, để lần đầu tiên đưa bóng đá nữ Việt Nam lọt vào Vòng chung kết World Cup 2023. Chủ tịch nước nhấn mạnh, mỗi chiến thắng thể thao thể hiện khát vọng chung của đất nước trong quá trình phát triển.

Không chỉ thể thao thành tích cao mà thể thao quần chúng cũng nhanh chóng phát triển với nhiều hình thức đa dạng, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Theo Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2021 số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc đạt 35,5%. Số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc đạt 26,8% tổng số hộ.

Nhiều cuộc vận động tập luyện thể dục thể thao đã được triển khai trong tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, nông dân, lực lượng vũ trang, người khuyết tật... Có thể kể đến phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”; phong trào “Xây dựng thôn, bản, xã, phường văn hóa, gia đình văn hóa”; “Chương trình xây dựng nông thôn mới”...

Có thể nói, phong trào thể thao quần chúng ở cơ sở tiếp tục được phát triển rộng ở tất cả các đối tượng và địa bàn theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng, chất lượng phong trào từng bước được nâng lên.

SEA Games - kênh quảng bá văn hóa, con người các quốc gia ASEAN

Ngày 6/4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Thể thao vì sự phát triển và hòa bình. Đây là quyết định trên cơ sở sáng kiến của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), nhằm nêu cao vai trò đóng góp của thể thao trong quá trình thực hiện, đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Qua đó, Liên hợp quốc nhấn mạnh sự hỗ trợ của thể thao đối với hòa bình và phát triển, khẳng định đóng góp của lĩnh vực này trong việc tạo ra môi trường hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau.

Chú thích ảnh
Logo SEA Games 31. Ảnh: TCTDTT

Ở nước ta, ngày “Quốc tế thể thao vì sự phát triển và hòa bình” tổ chức lần đầu tiên vào ngày 6/4/2014. Trong đó, Giải chạy Báo Hà Nội Mới - Vì hòa bình được tổ chức hàng năm tại Hà Nội thu hút hàng ngàn người dân, các vận động viên, nhiều tham tán, đại sứ quán và bạn bè quốc tế cùng tham gia hưởng ứng. Sự kiện thể thao này như một thông điệp về tình đoàn kết, hữu nghị, yêu chuộng hòa bình…

Năm 2022 diễn ra SEA Games - một sự kiện thể thao quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á. SEA Games 31 là kỳ Đại hội có ý nghĩa trong việc hợp tác, phát triển giữa các quốc gia Đông Nam Á không chỉ trong lĩnh vực thể thao mà trong các lĩnh vực khác. Đó là kênh quảng bá hình ảnh đất nước, con người và nền văn hóa các quốc gia.

Khẩu hiệu (slogan) chính thức của SEA Games 31 - "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" (For a stronger Southeast Asia) sẽ luôn gắn liền với các sự kiện của Đại hội nhằm truyền tải thông điệp tới Chính phủ, người dân các quốc gia khu vực Đông Nam Á cùng nhau đoàn kết, xây dựng cộng đồng ASEAN hùng cường, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của ASEAN trên trường quốc tế.

Theo Ban tổ chức SEA Games 31, logo của Đại hội bắt nguồn từ ý tưởng hình ảnh vận động viên đặt bàn tay phải lên ngực trái (phía trái tim và hình Quốc kỳ), cùng vang lên bản Quốc ca trước mỗi lượt thi đấu - trước mỗi lần đứng trên bục vinh quang là khoảnh khắc niềm tự hào dâng trào, đầy cảm xúc và thiêng liêng. Bàn tay cũng là một biểu tượng của sự bền bỉ, siêng năng và nỗ lực vượt qua mọi thách thức, giới hạn.

Tất cả các nét - mảng được tổ hợp hệ thống, hòa quyện vào nhau tạo hình “Bàn tay chữ V” (Việt Nam/Victory) chiến thắng, đồng thời cũng chính là hình tượng “Cánh chim bồ câu bay lên” qua đó truyền tải thông điệp về ý chí phi thường, khát vọng chinh phục và nghị lực vươn lên của tinh thần thể thao. Thể thao là sự kiện hội tụ, thi đấu, cùng nhau tỏa sáng, là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết, tôn trọng, sự hiểu biết lẫn nhau, tất cả vì sự nghiệp thể thao Đông Nam Á, vì thế giới hòa bình và hạnh phúc.

Logo của Đại hội còn mang ý nghĩa thể thao không phân biệt bạn là ai, đến từ đâu như bàn tay không phân biệt ngón ngắn ngón dài. Mỗi ngón tay sở hữu sức mạnh riêng và thể thao không đơn giản chỉ để thi đấu, chinh phục khát vọng, lập kỷ lục, mà cao cả hơn là cùng nhau viết nên kỳ tích, kỳ tích của việc lan tỏa năng lượng tốt đẹp, hướng đến hòa bình như cánh chim bồ câu.

Việc tổ chức thành công SEA Games 31 sẽ là cột mốc đánh dấu những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác đẩy lùi dịch bệnh. Ông Anthony Lee, Giám đốc Dự án thuộc Ủy ban Olympic Singpore cho rằng, ngay sau khi chính thức công bố thời gian tổ chức SEA Games 31 hồi cuối năm 2021, Việt Nam đã khẩn trương dốc sức công tác xây dựng và cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng.  Ông tin rằng Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội thành công và hiệu quả…

Cùng với sự phát triển của thể thao trên toàn thế giới, thể thao Việt Nam đã có những bước tiến cả về chiều rộng và chiều sâu. Hằng năm, không ít các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế được tổ chức, không chỉ mang ý nghĩa rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, truyền tải ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, vận động viên chuyên nghiệp và không chuyên, mà còn là cầu nối giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu hòa bình, thân thiện, mến khách...

Nam Thái (TTXVN)
Quảng Ninh tham gia tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX năm 2022
Quảng Ninh tham gia tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX năm 2022

Ngày 30/3, Văn phòng Chính phủ có công văn số 1939/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý việc tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX năm 2022 tại Quảng Ninh và các địa phương lân cận theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN