Đây là hoạt động động trong chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 với chủ đề “Bình đẳng giới hôm nay vì một ngày mai bền vững”.
Tại tọa đàm, cầu thủ Huỳnh Như - Đội trưởng Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam đã chia sẻ về hành trình đến với thể thao chuyên nghiệp. Cô có niềm đam mê bóng đá khi còn rất nhỏ và gia đình luôn giúp cô tự tin, dồn hết tâm sức cho bóng đá.
Nỗ lực vượt khó giúp Huỳnh Như trở thành gương mặt nổi trội của đội nữ Trà Vinh; sau đó, được tuyển vào Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008 - bước ngoặt đưa cô đến với bóng đá chuyên nghiệp. "Khi còn đá cho đội trẻ của Thành phồ Hồ Chí Minh, trải qua nhiều trận thua, đã có những lúc tôi muốn bỏ cuộc nhưng cha mẹ đã động viên tôi rất nhiều, khiến tôi quyết tâm và không ngừng nỗ lực vươn lên", Huỳnh Như xúc động chia sẻ.
Cũng có sự động viên từ người cha, bà Laurence Fischer - Đại sứ Thể thao, Bộ Ngoại giao Pháp, cựu nữ võ sỹ karate cho biết, để đạt được thành tích cao trong thể thao, bà đã không ngừng rèn luyện năng lực bản thân cũng như sự dấn thân, tự tin, quyết tâm đạt được mục tiêu của mình. “Khi chuyển sang thể thao chuyên nghiệp, tôi đã quyết tâm rất cao, đảm bảo song hành giữa thể thao và học tập. Thể thao mang lại cho chúng ta rất nhiều giá trị, sự phát triển bền vững”, bà Laurence Fischer nhấn mạnh.
Trao đổi về bình đẳng giới trong thể thao Việt Nam, các vị diễn giả tại tọa đàm đều thống nhất cho rằng về tổng thể vai trò, vị thế của nữ giới được đảm bảo chế độ, chính sách ngang với nam giới; thậm chí nếu xét về thành tích, nữ giới còn có phần nổi trội hơn. Đến nay, hầu hết những thành tích cao nhất của thể thao Việt Nam là do các nữ vận động viên mang về. Tuy nhiên, các diễn giả cũng cho rằng, vẫn còn những khoảng cách bình đẳng giữa nam và nữ giới trong thể thao, chẳng hạn như sự quan tâm của dư luận, truyền thông dành cho các môn thể thao nam và nữ tham gia...
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ: “Chúng tôi đang tìm cách để thu hẹp khoảng cách này bằng chính sách thúc đẩy xã hội hóa thể thao, truyền thông tốt, ủng hộ hơn với nữ giới, mang lại sự công bằng về chính sách tốt cho thể thao nữ; giúp các nữ vận động viên đảm bảo cuộc sống, yên tâm cống hiến cho thể thao nước nhà”. Mặc dù hiện nay đã có các mô hình liên kết với các doanh nghiệp trong việc đảm bảo công việc “đầu ra” cho các nữ vận động viên sau khi nghỉ thi đấu đỉnh cao, song các mô hình này vẫn chỉ mang tính thời điểm, cá biệt, theo xu hướng chứ chưa mang tính chiến lược, bài bản.
Từ góc độ cơ quan bình đẳng giới của Liên hợp quốc, bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho rằng đã đến lúc truyền thông cần dành một thời lượng thích đáng cho thể thao nữ, để thể thao nữ đến gần hơn với công chúng. Điều này sẽ góp phần khẳng định vai trò, vị thế của nữ giới đối với sự phát triển của thể thao.
Bà Elisa Fernandez cũng cho rằng cần có chính sách để giúp nữ giới có thể sống được bằng thể thao, tự chủ về tài chính, cùng cộng đồng xã hội chống xâm hại, định kiến giới, đồng thời trao quyền nhiều hơn cho nữ giới trong thế thao...