Những con đường bóng đá

Nếu có một lần đặt chân đến Manchester và tìm đến “Nhà hát của những giấc mơ” Old Trafford, chắc chắn bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi người chỉ đường hướng dẫn bạn xuôi theo phố Sir Matt Busby, rồi rẽ vào phố Sir Alex Ferguson, trước khi đứng trước những cánh cổng uy nghi của một trong những sân bóng nổi tiếng nhất thế giới.

 

Thường chỉ có những vĩ nhân lịch sử, sau khi nằm xuống mới được lưu danh trên những con đường, con phố. Họ là những nhân vật kiệt xuất, được đời đời ngợi ca vì những công lao và cống hiến to lớn cho dân tộc, đất nước. Vậy thì ở đó làm gì có chỗ cho những nhân vật thể thao?

 

Sir Alex Ferguson và con đường mang tên ông tại Manchester. Ảnh: zimbio


Vậy mà có đấy. Thậm chí, nhiều nhân vật được tôn vinh hiện vẫn ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp thể thao. Điều đó cũng có nghĩa, thể thao, mà đặc biệt là bóng đá, bây giờ đã vượt lên trên ý nghĩa giải trí thông thường.


Tại Anh, bóng đá thực sự có ý nghĩa lớn đối với mọi người dân, thậm chí còn được xem là một tôn giáo. Cứ quan sát bầu không khí cuồng nhiệt của giải Ngoại hạng Anh mỗi cuối tuần là rõ. Và cũng vì có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống như vậy, nên những nhân vật lịch sử của bóng đá Anh đã được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau. Cách thông thường nhất là tên họ được lấy để đặt cho các khán đài, cho các sân bóng, trung tâm đào tạo - những gì liên quan mật thiết đến đội bóng. Cao hơn một mức nữa là họ được tạc tượng, đặt ở phía ngoài sân bóng. Hình thức này, chúng ta có thể bắt gặp khi đến sân Emirates của Arsenal (tượng Thierry Henry), sân St James’ Park của Newcastle (tượng Bobby Robson), hay chính Old Trafford (tượng Alex Ferguson)...


Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, người hâm mộ còn muốn những ngả đường, con phố mà họ đi trên cũng mang tên thần tượng. Thế là xuất hiện đường Sir Alex Ferguson, đường Sir Matt Busby...


Sau khi huấn luyện viên Ferguson giải nghệ vào cuối mùa hè 2013, kết thúc 27 năm cùng Manchester United chinh phạt khắp các đấu trường, Hội đồng thành phố Manchester đã quyết định thay tên phố Waters Roach bằng tên Sir Alex Ferguson, nhằm tôn vinh sự nghiệp có một không hai của chiến lược gia người Scotland. Con phố này cách không xa sân Old Trafford, gợi cảm giác ngài Ferguson vẫn luôn hiện hữu, bao bọc và chở che cho “bầy Quỷ đỏ”.


“Đây là một niềm vinh dự lớn đối với tôi. Khi đến Manchester vào năm 1986, tôi không nghĩ một điều tuyệt vời như vậy đang chờ đợi mình”, Ferguson nói trong buổi lễ ra mắt con đường mang tên ông.


Trước đó, từ những năm 1980, một vị HLV huyền thoại khác của Man Utd là Sir Matt Busby cũng đã được tôn vinh theo cách như vậy.


Từ Manchester dịch chuyển lên London, người ta hiện vẫn chưa thấy có một con đường nào mang tên Mesut Ozil. Tất nhiên rồi, ngôi sao người Đức mới gia nhập Arsenal hồi đầu mùa giải 2013 - 2014 và có lẽ còn rất lâu mới có thể ghi tên mình vào danh sách các huyền thoại của sân Emirates. Tuy nhiên, tại thành phố Devrek của Thổ Nhĩ Kỳ thì khác. “Anh ấy là một người con của thành phố. Chúng tôi phải làm điều này cho anh ấy”, Thị trưởng Mustafa Semerci của thành phố 60.000 dân này giải thích về việc đặt tên cho một con phố là Mesut Ozil. Tiền vệ tài năng có cái tên rất Thổ Nhĩ Kỳ này đúng là có gốc gác Thổ (ông bà anh là người Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng anh lại được sinh ra và lớn lên tại Gelsenkirchen (Đức). Ở đây, nói theo cách của người Việt, thì “Hoa thơm, mỗi người ngửi một ít”!

 

Thủ môn Iker Casillas cũng được vinh danh tại quê nhà Mostoles. Ảnh: zimbio


Người từng dẫn dắt Ozil tại Real Madrid, HLV Jose Mourinho, lại không rơi vào hoàn cảnh bị gượng ép như vậy. Nổi tiếng với biệt danh “Người đặc biệt”, là một kẻ chinh phạt tài năng và cũng rất kiêu ngạo, Mourinho đã được lấy tên để thay thế cho con phố đi bộ Rua Saude, ở trung tâm thành phố Setubal, quê nhà của Mourinho. Người dân nơi đây rất tự hào về “Avenida Jose Mourinho” và xem những gì mà Mourinho đã làm cho bóng đá thế giới là những điều kỳ diệu.


Một trong những đối thủ của Mourinho trước đây tại giải vô địch Tây Ban Nha và bây giờ là tại giải Ngoại hạng Anh, HLV Manuel Pellegrini, cũng sắp thấy tên mình xuất hiện trên một con phố. Pellegrini là người Chile, được sinh ra ở thành phố Santiago, nhưng tên ông lại chuẩn bị được khắc ở bờ bên kia của Đại Tây Dương. Chính xác là ở thành phố Malaga (Tây Ban Nha). Pellegrini đã có công lớn trong việc giúp Malaga lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền tham dự Champions League (mùa giải 2012 - 2013) và hơn thế là đưa CLB vào đến vòng tứ kết. Thị trưởng của Malaga, ông Francisco De la Torre, cho biết: “Quyết định đã được đưa ra, hiện chỉ còn là lựa chọn phố hay đại lộ mà thôi. Manuel Pellegrini xứng đáng với điều đó”.


Tại Barcelona, người ta lại không phải suy nghĩ nhiều như vậy để khánh thành một con phố mang tên Joan Gamper, nhà sáng lập, cựu cầu thủ và chủ tịch của Barca. Sau khi ông này tự tử vào ngày 30/4/1930 do hậu quả của cuộc khủng hoảng năm 1929, thành phố đã lấy tên ông để đặt cho một con đường ở khu Corts. Chính ở khu phố phía tây Barcelona này, năm 1922, Joan Gamper đã đầu tư 1 triệu pesetas để xây dựng một sân vận động lớn. Vào thời điểm sân này được khánh thành, nó được mô tả là “thánh đường của bóng đá”. Năm 1957, sân này đã bị phá hủy, khi Barca quyết định chuyển tới Nou Camp.


Tương tự như Gamper tại Barcelona, một sự kiện buồn đã thúc đẩy Hannover đặt lại tên một con phố. Hiện tại, văn phòng của đội bóng Bundesliga này nằm ở số 1 phố Robert Enke. Enke là cựu thủ môn tài ba của đội tuyển Đức. Vụ tự tử của anh hồi tháng 11/2009 đã gây chấn động thế giới bóng đá.
Với Antonio Puerta cũng vậy. Sau khi qua đời năm 2007, ở tuổi 22, tên anh đã được đặt cho một con phố ở quê hương Sevilla (Tây Ban Nha).


Trong khi đó, thành công rực rỡ của đội tuyển Tây Ban Nha tại các giải đấu lớn gần đây (vô địch Euro 2008, 2012 và World Cup 2010) không chỉ làm thay đổi bản đồ bóng đá thế giới và châu Âu, mà còn làm thay đổi cả bản đồ... thành phố Madrid. “Phố đội tuyển Tây Ban Nha” và “Quảng trường Vicente del Bosque” đã xuất hiện để tôn vinh thành tích của đội bóng, cũng như của vị HLV tài năng có biệt danh “Ngài râu kẽm”.


Về phần mình, hai thành viên của đội tuyển Tây Ban Nha là tiền vệ Andres Iniesta và thủ môn Iker Casillas cũng vinh dự có tên trong các cuốn cẩm nang du lịch. Iniesta được lấy tên cho một con phố ở quê hương Fuentalbilla của anh, còn Casillas thì ở Mostoles.


Tại Hàn Quốc, Park Ji - sung cũng có được vinh dự như vậy, khi thành phố Suwon có một con đường mang tên tiền vệ từng khoác áo Man Utd này. “Đường Park Ji - sung” xuất hiện từ sau chiến tích lọt vào tới bán kết World Cup 2002 của đội tuyển Hàn Quốc, trong đó Park Ji - sung là một trụ cột.
Tuy nhiên, nếu nói về mức độ được tôn sùng thì có lẽ tất cả những nhân vật kể trên đều không thể so sánh với Gaetano Scirea.

Huyền thoại một thời của đội tuyển Italia và CLB Juventus đã được đặt tên cho một con phố ở khu Mirafiori Sud năm 2008, rồi đến năm 2011 xuất hiện trên con đường dẫn vào sân Juventus Arena. Tại Laureana di Borrello (Calabria) và tại Cinisello Balsamo (Lombardia), mỗi nơi cũng có một con đường Geatano Scirea khác.


Bây giờ, có lẽ bạn sẽ không còn sợ bị lạc đường khi tới Old Trafford, hay tới Juventus Arena, khi trong đầu đã có Alex Ferguson, Geatano Scirea.

Bảo An

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN