Đoàn Thể thao Việt Nam (áo đỏ) tham dự Thế vận hội (Olympic) 2016 được chào đón trước Lễ thượng cờ tại Làng Olympic ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 1/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Olympic 2016 quy tụ hơn 10.500 vận động viên (VĐV), huấn luyện viên đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở 306 nội dung thuộc 28 môn thể thao. Không chỉ có lực lượng VĐV lớn nhất trong lịch sử các kỳ Olympic, đoàn Thể thao Việt Nam còn mang tới Rio de Janeiro (Brazil) những kỷ lục và nhiều điều thú vị.
-
Số lượng VĐV đông nhất: Với 23 VĐV thuộc 10 đội tuyển - trong đó có 10 VĐV nam, Olympic 2016 được ghi nhận là kỳ đại hội có số lượng VĐV đông nhất, đa dạng nhất của Thể thao Việt Nam.
-
Địa phương góp nhiều VĐV nhất: Hà Nội, với 8 trên tổng số 23 VĐV.
-
VĐV có số lần dự Olympic nhiều nhất: Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) là VĐV duy nhất của thể thao Việt Nam 3 lần giành quyền dự Olympic.
-
VĐV thi nhiều nội dung nhất: Với 4 chuẩn A đạt được, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có thể thi đấu 4 nội dung tại Olympic 2016 gồm 200m tự do, 400m tự do, 400m hỗn hợp, 200m hỗn hợp. Tuy nhiên, chiếu theo kết quả ở Olympic London 4 năm trước, khoảng cách giữa Ánh Viên với các VĐV đoạt Huy chương Đồng là khá xa. Muốn giành huy chương, Ánh Viên phải rút ngắn thông số từ 6-7 giây ở các nội dung - một mục tiêu quá khó cho bất kỳ VĐV nào của môn bơi.
-
VĐV lớn tuổi nhất: Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, năm nay 42 tuổi.
-
VĐV nhỏ tuổi nhất: Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), 20 tuổi.
-
VĐV may mắn nhất: Đỗ Thị Anh (kiếm) dù không vượt qua vòng loại nhưng sau đó bất ngờ được đôn lên nhận vé Olympic thế chỗ một VĐV người New Zealand bị tước tư cách tham dự.
-
Cặp uyên ương duy nhất: Nguyễn Tiến Minh cùng bạn gái Vũ Thị Trang là cặp đôi duy nhất của thể thao Việt Nam cùng dự một kỳ Olympic. Kết thúc đại hội, 2 người dự định sẽ tổ chức đám cưới, giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện.
-
Ba niềm hy vọng lớn nhất của đoàn Việt Nam là Hoàng Xuân Vinh (bắn súng, thi đấu ngày 6/8); Thạch Kim Tuấn (cử tạ hạng 56kg nam, thi ngày 8/8) và Vương Thị Huyền (cử tạ 48kg nữ, thi ngày 7/8). Tuy nhiên con đường đến với tấm huy chương của các VĐV này chắc chắn không ít chông gai.
+ Theo bảng xếp hạng của Liên đoàn Bắn súng thế giới, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đang xếp thứ 6 nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Xếp trên anh là các xạ thủ rất mạnh gồm: Pablo (Tây Ban Nha, hạng 5), Jongoh (Hàn Quốc, hạng 4), Jitu (Ấn Độ, hạng 3), Oleh (Ukraine, hạng 2) và hạng 1 là Almeida của chủ nhà Brazil.
Tuy nhiên cơ hội huy chương cho Hoàng Xuân Vinh là khả quan nếu xạ thủ 42 tuổi này giải quyết điểm yếu tâm lý. Tại Olympic London 2012, Xuân Vinh bắn rất tốt ở 8 loạt đầu tiên nhưng tới lượt cuối lại thấp điểm, mất Huy chương Đồng vì thiếu 0,1 điểm. Còn tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2014, đang từ vị thế giành Huy chương Vàng, Xuân Vinh bất ngờ tụt xuống hạng 13 chỉ vì giật mình để súng cướp cò ở loạt bắn cuối.
+ Trưởng bộ môn cử tạ Đỗ Đình Kháng cho biết Thạch Kim Tuấn đã tái phát chấn thương đầu gối, do đó anh không thể tập nặng, chỉ có thể bung sức khi thi đấu. Thành tích tốt nhất của Kim Tuấn là 296kg. Trong khi đó, đối thủ anh phải vượt qua là đương kim vô địch Olympic Om Yun Chol (Triều Tiên) và cựu vô địch Olympic Long Qing Quan (Trung Quốc), đều đạt mức tạ thông số hơn 300kg tổng cử.
+ Đối với Vương Thị Huyền, thành tích giúp cô giành Huy chương Bạc châu Á vừa qua vẫn còn cách nhóm đoạt huy chương Olympic 2012 từ 7-10kg tổng cử.
- Ngoài các bộ môn nêu trên, hai nữ đô vật Nguyễn Thị Lụa (hạng 53kg) và Vũ Thị Hằng (48kg) cũng có cơ hội tranh huy chương. Tuy nhiên, hy vọng này tùy thuộc rất lớn vào việc bốc thăm nhánh đấu.
- Kiếm thủ Vũ Thành An là VĐV cầm cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam trong lễ diễu hành khai mạc Olympic mùa Hè lần thứ 31 tại Rio de Janeiro. Có khuôn mặt điển trai và chiều cao lý tưởng, Vũ Thành An (24 tuổi) là VĐV sáng giá của môn đấu kiếm và của Thể thao Việt Nam hiện nay. Thành An là kiếm thủ thứ 2 có được vinh dự này sau VĐV Nguyễn Tiến Nhật cầm cờ ở Olympic London 2012.