Gia đình và các học trò của ông đều có mặt trong sự kiện. Eric Cantona, Ruud van Nistelrooy, Dwight Yorke và nhiều ngôi sao bóng đá thế giới khác cũng hội tụ về. Một không khí trang trọng đến mức người ta tưởng đó là buổi lễ chia tay bóng đá của Sir Alex Ferguson.
Trên thực tế, HLV nổi tiếng này của Manchester United chỉ vừa nhận được một sự tôn vinh hồi cuối tháng 11. Mặc dù đã quá quen với những màn đăng quang, chiến lược gia người Xcốtlen vẫn không giấu được xúc động khi đón nhận món quà đặc biệt này. “Thật tuyệt vời. Tôi vô cùng tự hào”, Ferguson bày tỏ khi vợ ông, Cathy, kéo tấm vải khánh thành bức tượng ông đặt phía bên ngoài sân Old Trafford, “Thông thường, người ta chỉ được tạc tượng sau khi đã qua đời. Theo một cách nào đó, tôi đã chinh phục được thần chết!”.
Những huyền thoại sống
Phát biểu của Ferguson đã khiến những người tham dự sự kiện phải bật cười. Nhưng nếu như những sự tôn vinh như vậy thường dành cho những người đã qua đời, thì bóng đá cũng không thiếu những ngoại lệ. Cách đây 4 năm, Man Utd từng ghi nhận công lao của Dennis Law và Bobby Charlton theo cách tương tự. Hai nhân vật này, hiện đều khỏe mạnh, đã xuất hiện bên cạnh thành viên thứ 3 của “bộ ba huyền thoại” của Quỷ đỏ, George Best - người đã qua đời năm 2005. “Đây là một trong những điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”, Charlton khi đó phát biểu.
Bức tượng HLV Ferguson vừa được khánh thành bên ngoài sân Old Trafford. |
Một đối thủ lớn của Charlton trên đấu trường quốc tế là Eusebio cũng được vinh danh như vậy. Bức tượng ông hiện đứng ngạo nghễ trước sân Da Luz ở Lixbon. Giống như những đối thủ của mình trong trận chung kết Cúp C1 châu Âu năm 19, bức tượng huyền thoại bóng đá người Bồ Đào Nha đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch thực sự. Cũng theo cách này, khách tham quan tới sân của Dinamo Moscow không thể không dừng lại trước bức tượng đồng của Lev Yashin vĩ đại. Tác phẩm này mô tả thủ môn huyền thoại của đội tuyển Liên Xô trước đây, đang bay người bắt bóng. Con đường dẫn tới sân Wembley mới ở Luân Đôn thì cho phép người ta chiêm ngưỡng tượng của Bobby Moore. Bên ngoài sân De Kuip ở Rotterdam, người hâm mộ Feyenoord có thể đặt hoa trước bức tượng của Coen Moulijn, người được Robin van Persie mô tả là “Lionel Messi của thế hệ ông”.
Về phần Alfredo Di Stefano, ông luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử Real Madrid. Bức tượng ông, mang tên “La Saeta Rubia”, mô tả hình ảnh chân sút nổi danh một thời này đang ăn mừng pha ghi bàn đẹp mắt bằng đá phạt trực tiếp ở trận bán kết Cúp C1 năm 1958. Tuy nhiên, bức tượng này không được đặt ở sân Santiago Bernabeu, mà ở trung tâm huấn luyện mới của CLB, có lẽ với mục đích tạo nguồn cảm hứng cho các ngôi sao Real tương lai. Hamburg thì chọn cách thể hiện không thể rõ ràng hơn để tôn vinh Uwe Seeler. Cựu tuyển thủ Đức không được mô phỏng ở tư thế đang thi đấu hay đang ăn mừng chiến thắng thường thấy, mà bằng một tác phẩm điêu khắc bằng đồng cao 5m30 và nặng 4 tấn về riêng... bàn chân phải của ông.
Henry là một huyền thoại sống của Arsenal. |
Năm 2004, Adécbaidan đã tạo ra một xu thế mới bằng việc tôn vinh một... trợ lý trọng tài. Tofik Bakhramov đã trở nên nổi danh toàn cầu với quyết định rằng cú sút của Geoff Hurst ở trận chung kết World Cup 1966 đã đi vào phía trong vạch vôi, đem đến chiến thắng cho đội tuyển Anh. Hay bị nhầm lẫn là một trọng tài biên người Nga, Bakhramov giờ đã có bức tượng của riêng mình tại Bacu. Những nhà chức trách địa phương đánh giá rằng chính vị trọng tài này đã giúp Adécbaidan được biết đến nhiều hơn trên trường quốc tế.
Những người khổng lồ trên ghế chỉ đạo
Ferguson là điển hình tiêu biểu cho việc một HLV có thể tạo nên dấu ấn lớn trong lịch sử của một đội bóng. Ngoài ông thì Sir Bobby Robson cũng đã trở thành bất tử tại Portman Road (sân của Ipswich) và tại St. James’ Park (sân của Newcastle). Về phần mình, tượng của Brian Clough xuất hiện tại Pride Park, sân của Derby, ở trung tâm thành phố Nottingham và ở quê hương ông, Middlesbrough. Trong khi đó, sân Anfield của Liverpool đang được bảo vệ bởi “thần hộ mệnh” Bill Shankly. Dịch một chút lên phía Bắc, tại sân Celtic Park ở Glasgow, Jock Stein được tôn vinh với chiếc Cúp châu Âu trên tay. Đứng bên cạnh ông là Brother Walfrid, người sáng lập ra CLB, và cựu danh thủ Jimmy Johnstone.
“Mỗi lần đến Celtic Park và nhìn thấy cảnh tượng này, tôi đều mỉm cười”, Sean Fallon cho biết. Fallon thực sự là một gạch nối giữa 3 huyền thoại kể trên của Celtic. Cựu trợ lý của Stein đã có một thời gian dài làm việc cùng Johnstone và có xuất thân Ailen giống như Walfrid.
Trong quá khứ, Racing Club từng có một cuộc chạm trán quyết liệt với Celtic của Stein ở Cúp Liên lục địa. Đội bóng Áchentina cũng đã tôn vinh một trong số các HLV xuất sắc của mình là Reinaldo Merlo. Bức tượng ông được tạc với một hình dáng đặc trưng: chắp tay khẩn cầu.
Tại Trung Quốc, một tượng đài đã được dựng lên để tôn vinh cựu cầu thủ và HLV Lee Wai Tong. Tại Shenyang, các nhà chức trách địa phương đã khánh thành một công trình có hình dáng chữ V để ghi nhớ công lao của HLV Bora Milutinovic, nhân dịp kỷ niệm 10 năm đội tuyển Trung Quốc lọt vào VCK World Cup.
Pha “thiết đầu công” của Zidane
Nếu như rất nhiều tác phẩm điêu khắc được dành để tôn vinh các “cây đa, cây đề” như Ferguson và tôn vinh những ngôi sao đã khuất bóng, thì một số cầu thủ cũng được tạc tượng khi họ vẫn còn đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Boca Juniors đã khánh thành 2 bức tượng của Martin Palermo và Juan Roman Riquelme bên cạnh Diego Maradona vĩ đại trong bảo tàng của CLB. Arsenal đã tôn vinh Thierry Henry và Tony Adams trước sân Emirates. Nghệ sỹ người Côlômbia, Amilkar Ariza, năm 2006 đã sáng tạo nên một tác phẩm cao gần 7 m mô tả Carlos Valderrama, đặt tại thành phố quê hương ông, Santa Marta. Mọi thứ đều y như thật, giống đến cả mái tóc xù.
Cho dù lớn hay nhỏ, không phải tất cả các bức tượng đều nhận được sự ủng hộ. Tháng 10/2012, các nhà chức trách ở Veracruz (Mêhicô) đã bị sốc khi nhận ra rằng bức tượng của Hugo Sanchez bị phá hoại. Được tạo dáng đang tung người móc bóng, cựu tiền đạo này giờ... sút vào không khí, bởi trái bóng đã bị kẻ xấu phá hủy. Năm 2007 tại Xanvađo, bang Bahia, một bức tượng Vua bóng đá Pele cũng phải chịu một số phận bi thảm: ai đó đã cưa những cánh tay ông - trước đó cầm một phiên bản chiếc Cúp thế giới.
Trong khi đó, Zinedine Zidane có lẽ đã phải nóng mặt khi biết một bức tượng về anh được trưng bày tại Pari mới đây. Bức tượng đó trên thực tế đã tái hiện một trong những khoảnh khắc đáng quên nhất trong sự nghiệp của huyền thoại người Pháp: cú húc đầu nổi tiếng đối với Marco Materazzi trong trận chung kết World Cup 2006.
Bức tượng Zizou và đối thủ người Italia chắc chắn gây cười. Tuy nhiên, một số khác lại khiến người ta phải bật khóc. Theo đó, Rangers đã chọn cách tưởng nhớ tới thảm họa ở sân Ibrox – khiến 66 người chết năm 1971 – bằng cách khánh thành bức tượng bán thân của John Greig, cầu thủ đeo băng đội trưởng của đội bóng ngày hôm đó. Một dấu ấn buồn khác cũng được ghi lại ở gần sân tập của Sevilla: Antonio Puerta, mất ở tuổi 22, giờ đã được lưu danh bằng môt bức tượng đồng.
Tất cả những nhân vật trên không ai giống ai và các tác phẩm ghi lại hình ảnh của họ cũng vậy. Tuy nhiên, dù là Ferguson hay Puerta, mục đích của việc tạc tượng vẫn luôn như vậy: lưu giữ kỷ niệm và tôn vinh.
Bảo An