Olympic trẻ 2014 được xem là bước đệm cho Olympic 2016. Với một vài vận động viên Việt Nam, đây còn là cữ dượt quan trọng cho Asiad 2014. Sự vắng mặt của điền kinh, bắn súng hay vật tại Olympic trẻ lần này do vậy không thể không đặt ra những câu hỏi.
Lại chờ Ánh Viên
Olympic trẻ 2014 là lần thứ hai đại hội thể thao thế giới dành cho các VĐV thuộc lứa tuổi từ 15 - 18 được tổ chức, gọi tắt là YOG II (Youth Olympic Games II), với địa điểm đăng cai là thành phố Nam Kinh (Trung Quốc), từ ngày 16 - 28/8. YOG thực chất là Olympic trẻ mùa hè, bởi song song với giải đấu này, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hiện còn tổ chức cả Olympic trẻ mùa đông. Mục đích của YOG là kiểm tra, đánh giá quá trình đầu tư và chuẩn bị lâu dài của các nền thể thao, hướng đến các kỳ Olympic sau đó.
Phạm Cao Cường liệu có thể trở thành một Nguyễn Tiến Minh mới? |
YOG II cũng là lần thứ hai liên tiếp châu Á được vinh dự đăng cai sân chơi này. Tại Singapore 2010, Việt Nam đã cử 13 VĐV tham dự, tranh tài ở 7 bộ môn và xuất sắc giành được 1 Huy chương Vàng (Thạch Kim Tuấn, cử tạ), 1 Huy chương Bạc (Nguyễn Thanh Thảo, taekwondo) và 2 Huy chương Đồng (Nguyễn Quốc Cường, taekwondo; Vũ Thị Trang, cầu lông), xếp thứ 41 toàn đoàn.
Lần này, số lượng VĐV Việt Nam tiếp tục được duy trì, nhờ việc 11 VĐV đã vượt qua được các vòng loại tuyển chọn và 2 VĐV bóng chuyền bãi biển được nhận suất đặc cách tới Nam Kinh. Các VĐV Việt Nam sẽ thi đấu 7/28 môn của đại hội. Theo thông tin của Ban tổ chức, YOG II dự kiến sẽ đón khoảng 3.800 VĐV, đến từ 204 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Trần Đức Phấn, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự YOG II, cho biết, nhằm chuẩn bị cho giải và cũng nằm trong kế hoạch hướng đến các đấu trường lớn sắp tới, nhiều VĐV trẻ đã được gửi đi tập huấn ở nước ngoài trong thời gian qua. Nếu như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) đã ăn, tập dài hạn ở Mỹ từ hơn 2 năm qua và Nguyễn Trần Anh Tuấn (cử tạ) mới đây được cọ xát ở Hungary, thì Nguyễn Thị Thu Thùy (taekwondo) và Phạm Cao Cường (cầu lông) cũng đã được cho đi tập huấn ở lần lượt Hàn Quốc và Indonesia.
Khả năng tái lập thành tích huy chương của Việt Nam tại YOG II là khá cao, đặc biệt nếu nhìn vào thành tích thi đấu ở môn bơi của Ánh Viên thời gian gần đây. Ánh Viên đã giành tổng cộng 18 HCV tại giải bơi vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á 2014 và giải bơi vô địch Đông Nam Á 2014 (mỗi giải 9 HCV), đồng thời xác lập nhiều kỷ lục mới ở sân chơi khu vực. Ánh Viên cũng chính là một trong những niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam tại Asiad 17. Nhưng Ánh Viên dù sao cũng là trường hợp đặc biệt, là một hiện tượng hiếm của thể thao Việt Nam.
Dấu hỏi điền kinh
Ở đây, nếu xem YOG là tấm gương phản chiếu sự kế thừa của các lứa VĐV trẻ Việt Nam, thì không khó để nhận ra những hụt hẫng. Nếu như bơi, cử tạ, taekwondo và cầu lông vẫn duy trì hoặc phát huy được thế mạnh, thì một số môn thể thao được cho là thế mạnh của Việt Nam đã “biến mất” ở YOG II. Đó là các môn điền kinh (môn thể thao “nữ hoàng” của Olympic), bắn súng và vật. Cách đây 4 năm, 3 bộ môn này đều có đại diện ở YOG I: Nguyễn Thị Tươi (điền kinh), Nguyễn Thị Ngọc Dương (bắn súng) và Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (vật).
4 năm sau, giới chuyên môn đều đã trông đợi điền kinh giành 2 suất đi Nam Kinh. Cuối tháng 5 vừa qua, những niềm hy vọng của điền kinh Việt Nam đã có mặt tại Thái Lan, tham dự giải tuyển chọn cho Olympic trẻ: Vũ Thị Mộng Mơ (nhảy 3 bước), Nguyễn Thị Trúc Mai (nhảy xa), Pi Năng Thị Bạc (2.000 m vượt chướng ngại vật), Trần Thị Thắm (800 m), Danh Giọt (nhảy xa) và Trần Văn Luận (400 m). Nhưng kết quả chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Cộng với việc chỉ giành được 1 HCV (Nguyễn Thị Oanh, 3.000 m vượt chướng ngại vật) và 1 HCĐ (Hoàng Thị Ngọc, 400 m) ở giải vô địch trẻ châu Á tại Đài Loan (Trung Quốc) hồi giữa tháng 6, hoàn toàn có lý do để lo ngại cho khả năng cạnh tranh của điền kinh Việt Nam tại đấu trường châu lục trong vài năm tới, chưa nói đến Olympic. Cùng thời điểm, Vũ Thị Hương hay Trương Thanh Hằng đều đang dần bước sang phía bên kia sườn dốc sự nghiệp.
Tương tự như vậy, bắn súng và vật vốn là những “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam tại đấu trường Đông Nam Á, nhưng để tìm được một Hoàng Xuân Vinh mới, một Nguyễn Thị Lụa mới, nghĩa là những VĐV trẻ có tiềm năng vươn xa ở tầm châu lục và thế giới, thì quả thật nan giải. Sự trống vắng của các bộ môn này tại Nam Kinh đang đặt ra những vấn đề nghiêm túc cho những người làm công tác phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo VĐV trẻ tại Việt Nam.
Bài và ảnh: Bảo An