Olympic: Xung quanh 'chuyện không tưởng' của Ye Shiwen

Khi VĐV bơi lội Trung Quốc Ye Shiwen giành được HCV tại Olympic London ở 2 nội dung 400m cá nhân hỗn hợp và 200 m cá nhân hỗn hợp cũng là lúc những ồn ào nổi lên. Đặc biệt nghi vấn được đưa ra khi Ye phá vỡ kỷ lục thế giới cũ với thành tích ít hơn tới 1 giây ở nội dung 400 m.


Phá sâu kỷ lục thế giới


Ye, năm nay 16 tuổi, hoàn thành 400m đường đua xanh với thành tích 58, giây, vượt qua kỷ lục cá nhân của cô tới 5 giây. Ở 50m đua cuối, cô thậm chí còn bơi nhanh hơn cả nam VĐV giành HCV ở cùng cự ly là Ryan Lochte. Thành tích của Ye cũng được người nắm giữ kỷ lục bơi 400m cá nhân hỗn hợp trước đó là VĐV người Ôxtrâylia Stephanie Rice nhận xét là “nhanh một cách bất ngờ”.

Ye Shiwen đang bị nghi ngờ vì thành tích quá ấn tượng của mình ở Olympic lần này.
Ảnh: AFP - TTXVN


Nghi ngờ nổi lên khi Giám đốc điều hành Hiệp hội HLV bơi lội thế giới nhận xét “Chuyện không tưởng.” Leonard khẳng định trên tờ Guardian của Anh rằng ông sẽ còn đặt dấu chấm hỏi cho trường hợp không thể tin nổi này bởi trong lịch sử môn bơi lội, Trung Quốc cũng từng có nhiều “duyên nợ” với doping. Nhà vô địch Olympic bơi tự do năm 2008 người Pháp Alain Bernard phát biểu: “Là một người cổ vũ cho thể thao chân chính, không doping, tôi thực sự mong những người có trách nhiệm hãy nhìn nhận thật khách quan vấn đề này để thực hiện thật tốt. Cho tới nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy kết quả thử doping của các VĐV Trung Quốc dương tính cả”.


Tại buổi họp báo sau cuộc thi hôm thứ 2, Chủ tịch Ủy ban Y tế của Ủy ban Olympic quốc tế Arne Ljungqvist trả lời trước những câu hỏi về Ye Shiwen, cho biết: "Tôi thật sự buồn khi một cuộc trình diễn đầy đột phá như vậy lại bị bao phủ bởi những nghi vấn. Nghi ngờ là nửa chừng của một lời buộc tội ai đó sai lầm. Tôi không thích điều đó, tôi muốn có sự thật”. Các quan chức Olympic cũng cảnh cáo trước các cáo buộc không có bằng chứng xác thực chứng minh. Chủ tịch Hiệp hội Olympic Anh Lord Moynihan cho biết: “Chúng ta đều biết cách tôn trọng kết luận của WADA (Cơ quan Phòng chống doping thế giới) và WADA đã đưa kết luận là cô ấy không sử dụng chất kích thích”.


Thay đổi từ đầu tư có chiều sâu


Vụ lùm xùm về doping của đội tuyển bơi Trung Quốc diễn ra hồi những năm 1990. Tại ASEAN Games 1994, 7 VĐV bơi lội của họ có kết quả kiểm tra dương tính với chất kích thích. Bốn năm sau đó, các VĐV bơi lội Trung Quốc tiếp tục dính doping trong kỳ kiểm tra trước giải Vô địch thế giới diễn ra tại Ôxtrâylia. Tuy nhiên, năm nay, rõ ràng Trung Quốc có hiện tượng bơi lội bởi họ đã biết đầu tư có chiều sâu. Thay đổi rõ ràng nhất từ tư tưởng, khi các VĐV hạnh phúc, họ sẽ bơi rất nhanh.


Ye đã được đào tạo ở Ôxtrâylia với hai HLV khá nổi tiếng là Ken Wood và Denis Cotterell. Wood đã có hợp đồng với các Hiệp hội Bơi lội Trung Quốc kể từ năm 2008. Hai HLV thay phiên nhau đào tạo 15 VĐV bơi lội Trung Quốc tại học viện phía Bắc Brisbane. “Tôi được trả lương tháng theo từng VĐV tôi huấn luyện, mức lương gấp 4 lần tôi đào tạo các VĐV Ôxtrâylia” - ông Wood tiết lộ sau khi Ye trở thành VĐV bơi nhanh nhất ở vòng loại 200m hỗn hợp. Rõ ràng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền bạc để có VĐV giỏi, để có HCV Olympic.


Kinh nghiệm thi đấu nước ngoài là một trong những điểm yếu của các HLV Trung Quốc hiện nay. Các HLV hàng đầu trong nhiều tỉnh chủ yếu là những VĐV đã giải nghệ. Họ tập trung vào kỹ thuật và rất nghiêm khắc và yêu cầu tính kỷ luật cao trong khi lại chưa thích ứng tốt với nhịp phát triển sinh học của VĐV cũng như chưa phù hợp với khoa học thể thao. Vì vậy, tại Ôxtrâylia, các VĐV vừa được tập luyện, vừa được khuyến khích nghỉ ngơi phù hợp với sự phát triển về thể chất.
Thêm một bằng chứng cho sự thành công của phương pháp huấn luyện này là nam VĐV Sun Yang cũng là nam VĐV bơi lội đầu tiên của Trung Quốc đạt HCV Olympic cự ly 400m tự do. Anh cũng là người tham dự đội tập huấn tại Ôxtrâylia.


Minh Đăng

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN