Tròn 2 năm trước Thế vận hội mùa hè Rio 2016, các nhà lãnh đạo Olympic thế giới vẫn đang đứng ngồi không yên. Bất chấp những cam kết của Brazil, quá trình chuẩn bị của thành phố chủ nhà Rio de Janeiro diễn ra hết sức ì ạch.
29% số dự án chưa nhúc nhích
Chỉ mới tháng trước, cả đất nước Brazil còn chìm ngập trong bầu không khí lễ hội World Cup. Chiến thắng của Đức trước Argentina trong trận chung kết tại sân Maracana huyền thoại ở Rio đã hạ màn một trong những kỳ World Cup được tổ chức tốt nhất trong lịch sử.
Mathew Belcher (trái) trong giải đấu thử nghiệm tại vịnh Guanabara ngày 5/8.Ảnh: zimbio |
Ngay sau ánh hào quang đó, tâm điểm chú ý lại đổ vào dự án đầy tham vọng trị giá 16 tỷ USD của Rio, dành cho kỳ Olympic đầu tiên tại Nam Mỹ. Khoản ngân sách này đã vượt qua con số của Olympic London 2012 (15,28 tỷ USD). Hơn một nửa trong số đó là đầu tư tư nhân hoặc các nguồn đầu tư liên doanh công - tư. Kế hoạch là vậy, song trên thực tế, công tác chuẩn bị cho sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 5 - 12/8/2016 vẫn đang khiến Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) mất ăn mất ngủ.
Hồi tháng 4, Phó Chủ tịch IOC John Coates đã chỉ trích gay gắt công tác chuẩn bị của Rio và mô tả những gì ông chứng kiến là “điều tồi tệ nhất” trong suốt 40 năm làm việc với các kỳ Olympic. IOC sau đó đã gửi chuyên gia đến Rio để cùng hợp lực với các nhà tổ chức địa phương đẩy nhanh tiến độ. Trong các cuộc làm việc trực tiếp sau đó, Brazil đã xoa dịu được IOC và làm họ tin vào khả năng tổ chức của Brazil.
Nằm cách vịnh Guanabara 40 km là một vùng đất hoang phế. Nơi đây dự kiến sẽ trở thành trung tâm của Làng Olympic và tổ chức 15 môn thi đấu. Những cuộc đình công xảy ra tại đây đã khiến công việc bị chậm kế hoạch. Ở đó, Barra Velodrome, địa điểm diễn ra các cuộc đua xe đạp, chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu chuẩn bị. |
Sau cuộc gặp với Tổng thống Brazil Dilma Rousself trước trận chung kết World Cup 2014, Chủ tịch IOC Thomas Bach phát biểu: “Tôi hài lòng vì thấy Tổng thống Rousself tự tin về Olympic và về cam kết của Brazil rằng cơ sở vật chất phục vụ Olympic sẽ là ưu tiên hàng đầu sau World Cup”.
Tuần trước, trong một bản báo cáo công việc, các nhà tổ chức Rio 2016 đã lạc quan khẳng định có thể hoàn tất công việc đúng tiến độ. Trong số 52 dự án có liên quan trực tiếp tới sự kiện, 71% đang trong giai đoạn thực hiện.
Ngoài các dự án trên, Brazil còn có 27 dự án khác, có thể giúp cải thiện cuộc sống cho cư dân ở Rio và các khu vực ngoại ô, nổi bật là dự án cải tạo khu vực cảng Rio, dự án tàu điện ngầm và hệ thống xe buýt tốc hành.
“Bãi rác” Guanabara
Một trong những dự án phục vụ Olympic đang bị trì hoãn là tại Deodoro, nơi dự kiến sẽ diễn ra 7 môn thể thao, trong đó có đua ngựa, đạp xe, bắn súng và đấu kiếm. Theo kế hoạch, dự án này phải được khởi công năm 2013, nhưng phải tới ngày 3/7 vừa qua, công việc mới rậm rịch được bắt đầu. Tại đây, ngoài 3 công trình được kế thừa từ Đại hội Thể thao liên châu Mỹ 2007 và cần được cải tạo, các hạng mục còn lại đều phải xây mới. Theo quy định của IOC, các cơ sở này phải được bàn giao trong 6 tháng đầu năm 2016 và không được phép chậm trễ hay có sai sót nào.
Nếu như các cơ sở hạ tầng chưa hoặc mới khởi công của Brazil đang canh cánh nỗi lo trễ thời hạn, thì những nơi bước vào giai đoạn nghiệm thu lại đương đầu với các bài kiểm tra chất lượng. Đó là trường hợp của vịnh Guanabara, nơi sẽ có hơn 320 vận động viên đến từ 34 quốc gia, tranh tài trong cuộc đua diễn ra trong 9 ngày. Cuộc thử nghiệm đầu tuần này của 23 VĐV từng đoạt huy chương tại Olympic đã phát hiện một Guanabara không phải hình ảnh của một vùng vịnh đẹp lung linh.
“Chúng tôi phát hiện nhiều chai và túi nhựa, thậm chí là xác của một chú chó trôi nổi. Nếu Olympic diễn ra ngày mai, đó sẽ là một rắc rối lớn”, Mathew Belcher, nhà vô địch đua thuyền buồm loại 470 tại Olympic London 2012, kể.
Còn với nhà sinh vật học Mario Moscatelli, vịnh Guanabara không khác gì một “bãi rác nổi khổng lồ”: Ngoài xác chết động vật, nơi đây còn là kho chứa đồ phế thải, từ ti vi, ghế sofa, cho đến giày dép... Tất cả những “cư dân” này của vùng vịnh trôi dạt theo dòng chất thải đến từ thành phố Rio sau mỗi cơn mưa. Một khi không có các nhà máy xử lý rác thải, tình trạng sẽ không thể được cải thiện.
Về vấn đề này, các nhà chức trách Brazil cam kết: 80% tình trạng ô nhiễm tại vịnh Guanabara sẽ được xử lý trước ngày khai mạc Olympic 2016.
Với khối lượng công việc đồ sộ cần phải hoàn thành, khoảng thời gian 2 năm trước lễ khai mạc Olympic sẽ trôi qua rất nhanh. Nhưng các nhà tổ chức Rio vẫn tin vào kỳ tích: Nếu Brazil đã thành công trong cuộc chạy nước rút tại World Cup 2014, không có lý do gì họ lại không thể cán đích tốt ở Olympic 2016.
Anh Vũ