“Gương kia ngự ở trên tường/Nước ta ai đẹp được dường như ta”, đó là câu hỏi của bà hoàng hậu độc ác trong câu chuyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Ấy thế mà trong những ngày này của EURO 2012, tiền đạo người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo (ảnh) cũng đang lâm vào tâm trạng tuyệt vọng như bà hoàng hậu kia vì không thể chịu đựng nổi trước thực tế có một người khác giỏi hơn mình.
Trong văn hóa bóng đá ở một số nước, sự hiện diện của một nhà tâm lý học vẫn gây ra những sự nghi ngại. Rất nhiều cầu thủ coi sự có mặt của chuyên gia nói trên như sự thừa nhận một điểm yếu. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhà báo Bruto Prata, phóng viên của tờ Publico và bạn thân của Cristiano Ronaldo, việc mời một chuyên gia tâm lý để dẹp nỗi ám ảnh phải giành được Quả bóng Vàng trong đầu CR7 là điều nên làm trong bối cảnh hiện nay.
Ronaldo cho mình có phần lợi thế hơn Leo Messi để lần thứ hai (lần đầu vào năm 2008) giành được danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Nhưng để củng cố lợi thế đó, anh cho rằng mình phải tạo ra sự khác biệt tại giải đấu châu Âu lần này. Sự nhầm lẫn này đã gây hại cho tiền đạo của ĐTQG Bồ Đào Nha: 8 cú sút và không bàn thắng nào trong hai trận trước Đức và Đan Mạch. Mãi đến trận gặp Hà Lan, anh mới nổ súng, với cú đúp. “Là một cầu thủ chuyên nghiệp tới 150%, CR7 có thể bị rơi vào tình trạng quẫn trí. Cậu ấy cần phải tìm lại niềm vui chơi bóng đá. Một nhà tâm lý học có thể giúp được điều đó”, nhà báo Prata nhận xét.
Khi nhận dẫn dắt đội tuyển Đức năm 2004, một trong những quyết định đầu tiên của Jurgen Klinsmann là ký hợp đồng với một bác sỹ tâm lý. Ở Bồ Đào Nha, nhà báo Prata kể, việc này cũng từng xảy ra với CLB Oporto, nơi chuyên gia tâm lý góp phần cải thiện rõ rệt hiệu quả thi đấu của trung vệ Bruno Alves. Từ khi cầu thủ này tiếp xúc với chuyên gia tâm lý, anh ít cãi cọ hẳn. Chính bác sỹ tâm lý nói trên cũng từng điều trị cho hậu vệ Pepe từ khi còn khoác áo Oporto. Mãi đến bây giờ, khi đã khoác áo Real Madrid, trung vệ gốc Braxin này vẫn tiếc nhớ chuyên gia tâm lý của mình.
Ronaldo rõ ràng đang mắc hội chứng của bà hoàng hậu trong câu chuyện cổ tích “Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn”... Không phải ngẫu nhiên mà tờ Suddeutsche Zeitung của nước Đức lại ví von: Cứ mỗi buổi sáng Ronaldo lại tự hỏi: Gương ơi, ai là cầu thủ giỏi nhất thế giới? Chính vì bị ám ảnh bởi câu hỏi này mà tuần trước, khi bị các CĐV trêu ngươi bằng cách gọi tên Messi, Ronaldo đã phản ứng một cách rất trẻ con: “Các anh có biết giờ này năm ngoái Messi ở đâu không? Cũng gây thất vọng ở Copa America. Và đó là điều tồi tệ hơn, có phải như vậy không?”.
Ngay lập tức, các tờ báo của Áchentina như Ole, Canchallena, Clarin... đã đồng loạt chỉ trích siêu sao người Bồ Đào Nha không biết cầu thiện mà chỉ giỏi ghen ghét với người xuất sắc hơn, đã thế lại cố tình lờ đi những sai lầm của mình.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành cho tờ L’Equipe, người đại diện của CR7 là ông Jorge Mendes còn ca ngợi “Ronaldo sẽ được nhắc tới như cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bởi vì là người duy nhất dám đối mặt với Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha, hai đội bóng hay nhất trong những thập kỷ gần đây”.
CR7 đến EURO lần này sau một mùa bóng kiệt sức. Anh đã thi đấu tới 5.826 phút trong 65 trận. “Thật khó hiểu tại sao tài năng của Cristiano bị ôxy hóa nhanh đến vậy. Có lẽ, chính khi anh ta ít bị ám ảnh bởi các chiến thắng, các bàn thắng và bản thân mình thì mọi việc mới sẽ dễ dàng hơn. Cả cho Cristiano và cho Bồ Đào Nha”, nhà báo Prata kết luận.
Khang Chi