Thách thức từ đối thủ
Trên trang thông tin của Tổng cục Thể dục Thể thao, chuyên gia phụ trách môn bóng bàn tham dự SEA Games 32 chia sẻ: Nhằm giúp các tay vợt Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất về chuyên môn, trong những ngày này, 10 VĐV dự kiến nằm trong đội hình chính thức tham dự SEA Games 32 đang bước vào giai đoạn nước rút, tập luyện cường độ cao cùng những chuyên gia hàng đầu của bộ môn bóng bàn tại Trung Quốc.
Sau 1 thập kỷ tham gia, bóng bàn Việt Nam đã có được chiến thắng lịch sử khi giành tấm HCV nội dung đôi nam (Đoàn Bá Tuấn Anh và Nguyễn Anh Tú) tại SEA Games 30 trên đất Philippines.
Sau đó, ở kỳ SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam, tay vợt Nguyễn Đức Tuân tiếp tục tạo nên dấu mốc lịch sử cho bóng bàn Việt Nam khi giành được tấm HCV đơn nam (sau 19 năm bóng bàn Việt Nam mới có một VĐV giành ngôi vô địch ở nội dung cá nhân).
Tiếp đà cho những thành công, ở kỳ SEA Games 32 lần này, tuyển bóng bàn Việt Nam tiếp tục hướng đến sự bứt phá mới khi đặt mục tiêu giành được từ 1 - 2 HCV. Đây được xem là chỉ tiêu hợp lý, phù hợp với nội lực của Bóng bàn Việt Nam ở thời điểm này.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó không phải dễ, bởi rất nhiều khó khăn mà các tay vợt Việt Nam phải đối mặt khi thi đấu cùng với những tay vợt hàng đầu khu vực như: VĐV 17 tuổi Quek Izaac (Singapore), Padasak, Suthasini Sawettabut, Orawan Paranang (Thái Lan) và Chee Feng, Wong Qi shen (Malaysia). Đây đều là những tay vợt tiến bộ rất nhanh nhờ được gửi đi tập huấn ở các nước mạnh như Thụy Điển, Nhật Bản… và được tạo điều kiện thi đấu các giải quốc tế mở rộng.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu huy chương mà tuyển bóng bàn đặt ra tại kỳ SEA Games 32 lần này, ngay sau khi kết thúc SEA Games 31 tại sân nhà, ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã lên kế hoạch tập luyện cho các VĐV để duy trì phong độ, trau dồi trình độ chuyên môn.
Theo chia sẻ của ông Phan Anh Tuấn: SEA Games 32 là sân chơi thể thao lớn nhất khu vực, đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2023 của bóng bàn Việt Nam. Hiện, các tay vợt của tuyển Bóng bàn Việt Nam đều có được thể lực và tâm lý tốt nhất, thích ứng nhanh với chuỗi giáo án huấn luyện dành cho các VĐV đỉnh cao trong giai đoạn tập huấn từ ngày 11 - 30/4 tại Trung Quốc.
Cụ thể, các thành viên tham gia đợt tập huấn lần này gồm 10 VĐV (5 VĐV nam và 5 VĐV nữ) và 6 cán bộ. Ngay sau khi kết thúc chuyến tập huấn này, toàn đội sẽ trở về Việt Nam và ngày 7/5 di chuyển sang Campuchia tranh tài. Tại SEA Games 32, tuyển bóng bàn Việt Nam tham gia 7 nội dung: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ.
Với sự chuẩn bị nghiêm túc, đội tuyển bóng bàn Việt Nam kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu đã đề ra, góp phần hoàn thành xuất sắc mục tiêu chung của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.
Hướng tới mục tiêu vươn tầm châu lục
Chia sẻ về kế hoạch dài hơn của tuyển Bbóng bàn Việt Nam trong thời gian tới, ông Phan Anh Tuấn khẳng định: Sau khi kết thúc SEA Games 32, để hướng tới những mục tiêu xa hơn là Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19), Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đã quyết định cử 6 VĐV (Nguyễn Anh Tú, Lê Đình Đức, Đinh Anh Hoàng, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Khoa Diệu Khánh, Trần Mai Ngọc), 2 HLV (Đinh Quang Linh, Vũ Văn Trung) sang thành phố Houston (Texas, Mỹ) tập huấn từ ngày 5 - 16/6. Đáng chú ý, nguồn kinh phí cho chuyến tập huấn tại Mỹ được tài trợ bởi ông Trần Cảnh Tuấn - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam.
Lần đầu tiên bóng bàn Việt Nam được tập huấn tại xứ sở cờ hoa, đây là dịp tốt, cơ hội vô cùng quý giá dành cho các tay vợt Việt Nam. Bởi, theo ông Phan Anh Tuấn, trong chuyến tập huấn này các tay vợt Việt Nam sẽ tham dự giải bóng bàn Mỹ mở rộng nhằm tạo cơ hội thi đấu cọ xát quốc tế. Đặc biệt, trong quãng thời gian tập huấn này, các tay vợt Việt Nam được tập luyện cùng với tuyển bóng bàn quốc gia Mỹ, do HLV hàng đầu Nhật Bản đang huấn luyện.
Các chương trình tập huấn đều là những cơ hội quý giá để VĐV Việt Nam học hỏi, trau rồi kiến thức, nâng cao, hoàn thiện trình độ chuyên môn, thích ứng nhanh với xu hướng phát triển nền bóng bàn quốc tế.