Qua 18 kỳ tổ chức, Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam đã tôn vinh nhiều cầu thủ xuất sắc. Là giải thưởng ý nghĩa và đáng tự hào, song nhìn lại thì những danh thủ được tôn vinh thường gặp trắc trở trong sự nghiệp hơn đạt thành tựu lớn lao từ cột mốc ấy.
Huỳnh Đức đã để lại dấu ấn tại SHB Đà Nẵng. Ảnh: Văn Sơn - TTXVN |
Giải thưởng QBV ra đời năm 1995, thời điểm bóng đá Việt Nam “trình làng” hàng loạt cầu thủ xuất sắc, gây tiếng vang trong khu vực và được xếp vào “Thế hệ vàng”. Người nổi tiếng nhất thời ấy không ai khác là trung phong Lê Huỳnh Đức của đội Công an TP Hồ Chí Minh.
Được vinh danh ở kỳ trao giải đầu tiên, Huỳnh Đức cũng là cầu thủ đầu tiên đạt hat-trick QBV (1995, 1997, 2002), trước khi kỷ lục này được cân bằng bởi “đàn em” Lê Công Vinh. Nhưng sau cột mốc đáng tự hào ấy, sự nghiệp cầu thủ của Huỳnh Đức bỗng nhiên bị che mờ. Bị nghi ngờ là "quyền lực đen" ở đội Ngân hàng Đông Á, chân sút hào hoa này có lúc bị đẩy xuống bùn đen của dư luận.
Hồng Sơn đang tham gia công tác đào tạo trẻ. Ảnh: Internet |
Nhưng với việc bất ngờ được làm HLV ở đội bóng cưu mang mình - SHB Đà Nẵng (từ năm 2008), sự nghiệp huấn luyện của Huỳnh Đức phát tiết không ngờ. Kinh qua nhiều thầy ngoại, cũng như từng có nhiều năm lăn lộn, Huỳnh Đức tạo được dấu ấn đậm nét ở sân Chi Lăng. Với hai chức vô địch V-League, một Cúp quốc gia, một Siêu Cúp quốc gia, Huỳnh Đức là người thành công nhất trong số các QBV nhảy qua nghiệp cầm sa bàn.
Ngoài Huỳnh Đức, ba QBV còn lại chọn nghiệp HLV đều thất bại… toàn tập. QBV năm 1998, 2000 Nguyễn Hồng Sơn có kỷ niệm đáng quên ở STN Quảng Ngãi và đội tuyển Futsal Việt Nam. Cuối cùng, Sơn "công chúa" trở về dẫn dắt U15 Viettel, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu ấn gì đặc biệt. Hay trường hợp QBV năm 1996 Võ Hoàng Bửu cũng kém suôn sẻ. Từng dẫn dắt TMN Cảng Sài Gòn, XM Fico Tây Ninh, CLB TP.HCM và U19 Việt Nam, nhưng sự nghiệp Bửu "voi" trầm nhiều hơn thăng. Hiện tại, danh thủ họ Võ theo chân các đồng đội cũ như Trần Minh Chiến, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Phúc Nguyên Chương... về làm công tác tại lò đào tạo trẻ PVF (Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam). Trung tâm này vừa đón thêm cựu thủ môn Võ Văn Hạnh - người từng đạt QBV năm 2001, biến nơi đây thành nơi tụ hội của nhiều danh thủ Việt Nam đầu thập niên 1990.
Một danh thủ khác là Trần Công Minh (QBV năm 1999) cũng có sự nghiệp HLV chẳng mấy êm đềm. Chỉ sau 1 năm nghỉ thi đấu, hậu vệ phải lừng danh một thời này đã giúp TĐCS Đồng Tháp trụ lại V-League 3 năm (2003 - 2006). Nhưng rồi quyết định dấn thân làm trợ lý ở đội tuyển Việt Nam, rồi đầu quân cho Đồng Tâm Long An, lại là bước lùi trong sự nghiệp của danh thủ họ Trần.
Tính cách có phần dễ dãi, thiếu độ lạnh lùng kiểu Huỳnh Đức, đã khiến Công Minh thất bại trong 3 lần cầm quân ở "Gạch". Mới trở lại đội bóng quê nhà không lâu, Công Minh lại bị mất chức về tay HLV Phạm Công Lộc và là lần thứ 5 bị sa thải trong sự nghiệp cầm quân tròn 10 năm của mình.
Xem ra các cựu QBV, ngoại trừ trường hợp Huỳnh Đức, đều kém duyên với nghiệp sa bàn và tự hài lòng ở công tác "gõ đầu trẻ".
"Bóng hồng" cũng theo nghiệp HLV
Mãi đến năm 2001, danh hiệu QBV mới được trao cho các nữ cầu thủ. Nhìn vào danh sách 6 cựu danh thủ đã nghỉ thi đấu, thì tất cả đều chuyển qua nghề HLV. Nữ cầu thủ 4 lần đạt danh hiệu Đoàn Thị Kim Chi (2004, 2005, 2007, 2009) hiện cùng Lưu Ngọc Mai (2001) làm công tác đào tạo trẻ tại đội nữ TP.HCM.
Trong lúc ấy, Đỗ Ngọc Châm (2008), Đào Thị Miện (2006) đang làm trợ lý ở đội nữ Hà Nội. Nữ danh thủ Văn Thị Thanh (2003) từ dẫn dắt U19 Hà Nam đã chuyển sang dẫn đội 1 Hà Nam, vừa thi đấu giai đoạn 1 giải vô địch nữ quốc gia. Cựu thủ môn Nguyễn Thị Kim Hồng (2002) thì vừa là HLV thủ môn nữ TP.HCM, vừa là trợ lý cho HLV Trần Vân Phát ở tuyển nữ Việt Nam.
Nguyễn Tuấn