Phải mất 8 năm, bộ đôi trung vệ của SHB Đà Nẵng là Châu Lê Phước Vĩnh - Trần Hải Lâm mới cùng lúc được triệu tập trở lại đội tuyển Việt Nam. Nếu không có vụ bán độ tại SEA Games 23, hẳn sự nghiệp của hai cầu thủ này đã sáng sủa hơn rất nhiều.
Kinh nghiệm dày dạn của Hải Lâm (phải) là rất cần thiết cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Quang Nhựt – TTXVN |
Trong đợt triệu tập đội hình chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của vòng loại Asian Cup 2015, Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam đã gọi cặp trung vệ Hải Lâm - Phước Vĩnh của SHB Đà Nẵng. Đó quả là một quyết định bất ngờ, bởi mùa giải vừa qua, phong độ của hai cầu thủ này không thực sự ổn định. Phước Vĩnh mới hồi phục sau ca phẫu thuật chấn thương đầu gối và chỉ trở lại thi đấu ở lượt về V-League 2013. Trong khi đó, Hải Lâm đá trọn cả mùa, nhưng anh mắc lỗi rất nhiều, khiến hàng phòng ngự SHB Đà Nẵng sa sút hẳn so với những mùa trước. Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều trung vệ tên tuổi như Vũ Như Thành, Lê Phước Tứ, Nguyễn Minh Đức không còn giữ được phong độ cao, cơ hội đã mở ra cho Hải Lâm và Phước Vĩnh.
Đối với Phước Vĩnh, anh từng được cựu HLV Phan Thanh Hùng triệu tập chuẩn bị cho chiến dịch AFF Cup 2012, nhưng do chấn thương đầu gối quá dai dẳng, Phước Vĩnh đành lỡ hẹn. Nhắc lại chuyện cũ, trung vệ người Đà Nẵng không khỏi buồn bã: “Sau nhiều năm vắng mặt, tôi đã rất mong được cống hiến cho màu áo ĐTQG. Tiếc rằng, sát ngày dự AFF Cup 2012 thì chấn thương cũ tái phát, khiến tôi vô cùng thất vọng. Kể từ chuyện buồn ở SEA Games 2005, tôi và các đồng đội đã nỗ lực rất nhiều để lấy lại tình cảm, sự tin yêu nơi người hâm mộ. Nhưng sau thành công ở SHB Đà Nẵng, tôi vẫn chưa thực sự có duyên cho lắm với màu áo đội tuyển. Lần này, dù chấn thương cũ mới hồi phục, tôi cũng cố hết sức để đáp lại niềm tin từ Ban huấn luyện đội tuyển”.
Dẫu sao, con đường trở lại đội tuyển của Phước Vĩnh vẫn còn êm ả hơn so với người đồng đội Hải Lâm của mình. Còn nhớ, sau khi hết án tù treo, Hải Lâm cùng Huỳnh Quốc Anh, Phước Vĩnh trở lại sân Chi Lăng với rất nhiều áp lực. Sau đó, mặc dù cựu trung vệ của Hoàng Anh Gia Lai tỏa sáng và cùng SHB Đà Nẵng vô địch V-League 2009 và 2012, nhưng hậu trường đời tư của Hải Lâm có không ít sóng gió. Có lúc, do bị ảnh hưởng bởi những chuyện ngoài chuyên môn, Hải Lâm đã tính rời SHB Đà Nẵng. Nhưng với tài năng trời phú và quyết tâm làm lại, cầu thủ này dần trở thành trụ cột không thể thiếu ở đội bóng sông Hàn.
Ưu thế của Phước Vĩnh là chiều cao 1,83 m. |
Từng gắn bó nhiều năm với bóng đá Đà Nẵng, HLV Phan Thanh Hùng đánh giá rằng Phước Vĩnh - Hải Lâm là cặp trung vệ nội xuất sắc hàng đầu V-League. Cả hai đều có chiều cao lý tưởng, lối chơi đơn giản nhưng hiệu quả, không kém bất cứ trung vệ ngoại nào. Giá như không có phút giây lầm lỡ, lạc lối ở Balcolod (Philippines) cách đây 8 năm, hẳn bộ đôi này đã có những thành tựu nhất định ở cấp độ đội tuyển, chứ không phải chờ đợi mãi đến thời điểm này mới có cơ hội bắt đầu lại từ đầu.
Mặc dù vậy, sau cú vấp ngã, Phước Vĩnh và Hải Lâm mới thấy quý giá giây phút được triệu tập lại đội tuyển sau 8 năm đầy những ký ức muốn chôn sâu. Trước Phước Vĩnh và Hải Lâm, một đứa con lạc lối khác của SHB Đà Nẵng là Quốc Anh đã trở lại và tỏa sáng rực rỡ, để giành danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2012, dù tiền vệ này cũng đã có lúc rơi xuống vực thẳm. Thành công của Quốc Anh cũng chính là cái kết mà hai trung vệ cùng lò đào tạo SHB Đà Nẵng mong muốn vươn tới, ở đợt tập trung chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup 2015 lần này.
Sau vụ dàn xếp tỷ số trận Việt Nam – Myanmar ở SEA Games 23, tại Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tháng 4/2007, Trần Hải Lâm và Châu Lê Phước Vĩnh, cùng với Phạm Văn Quyến, Lê Văn Trương, Lê Bật Hiếu, Huỳnh Quốc Anh đã bị tuyên án từ 2 – 2,5 năm tù treo vì tội tổ chức đánh bạc. Riêng cầu thủ cầm đầu vụ bán độ này là Lê Quốc Vượng phải nhận án tù 4 năm. Khi đó, Phước Vĩnh và Hải Lâm cũng bị VFF cấm thi đấu 3 năm. Nhưng đến tháng 4/2008, hai cầu thủ này cùng với Quốc Anh và Bật Hiếu được VFF xóa án treo giò, để trở lại thi đấu ở giai đoạn 2 V-League 2008. |
Nguyễn Tuấn