Sức bật thế hệ vận động viên 9X

Có lẽ chưa bao giờ thể thao Việt Nam lại sở hữu đông đảo vận động viên trẻ tài năng như hiện nay. Đáng quý hơn là thế hệ này đang tạo ra một lực đẩy, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ thể thao khu vực và châu lục.

 

Năm 2013, thể thao Việt Nam (TTVN) hoàn toàn có thể tự hào khi rất nhiều VĐV trẻ của chúng ta đã tỏa sáng ở các đấu trường quốc tế. Ngoài Đại hội thể thao Sinh viên Đông Nam Á và Đại hội thể thao trẻ châu Á (AYG 2), thì Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIMAG 4), Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 27) và một số giải vô địch thế giới, cũng đều chứng kiến sự bùng nổ của lứa VĐV “9x” Việt Nam.

 

Nguyễn Thị Oanh (trái) là lớp kế cận xứng đáng của các đàn chị như Vũ Thị Hương. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN


Càng tuyệt vời hơn khi biết rằng, phần lớn các gương mặt trẻ ấy đang góp mặt ở những bộ môn cơ bản của Olympic. Đây chính là tiền đề để TTVN hy vọng có thể vượt khỏi những khung khổ hạn chế của SEA Games, để bước lên một tầm cao mới tại các giải đấu lớn hơn sắp tới, như Đại hội thể thao châu Á 2014 (Asiad 17), Thế vận hội Olympic 2016 và đặc biệt là Asiad 18 do Việt Nam đăng cai vào năm 2019.


Năm 2013 có thể được xem là năm của Nguyễn Thị Ánh Viên. Ở tuổi 17, nữ “kình ngư” người Cần Thơ đã buộc các đối thủ và người hâm mộ phải ngả mũ về những màn trình diễn hết sức ấn tượng của cô. Tiếp sau sự có mặt ở Olympic London 2012, năm qua là quãng thời gian mà tài năng của Ánh Viên đã được khẳng định một bước nữa. Nhờ được đầu tư trọng điểm, Ánh Viên đã có cơ hội sang Mỹ tập huấn và không ngừng cải thiện thành tích, bản lĩnh thi đấu. Cô thượng úy quân đội trẻ tuổi liên tiếp giành vinh quang ở tất cả các giải đấu mà mình tham dự, với đỉnh cao là 2 kỷ lục SEA Games trong số 3 tấm HCV tại Myanmar hồi tháng 12 vừa qua. Giờ đây, cái đích mà Ánh Viên nhắm tới là những tấm huy chương đầu tiên cho bơi Việt Nam tại đấu trường Asiad. Điều này rất có thể sẽ đến ngay tại Inchoen (Hàn Quốc) năm 2014.

 

Nguyễn Thị Ánh Viên đang hướng tới chinh phục châu Á. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN


Ngoài Ánh Viên, hai gương mặt trẻ nổi bật khác của bơi Việt Nam vào thời điểm này là Trần Duy Khôi và Lâm Quang Nhật. Cả hai cùng chưa tròn 17 tuổi. Nếu như Duy Khôi đã được biết đến là kỳ phùng địch thủ của “đàn anh” Hoàng Quý Phước ở sân chơi nội địa, thì Quang Nhật chính là một “phát hiện” lý thú ở đường bơi nam. Năm 2013, Duy Khôi đã cho thấy anh đang dần “lớn lên” với 1 HCB và 1 HCĐ tại SEA Games 27. Còn Quang Nhật, trong lần đầu góp mặt ở SEA Games, gương mặt “thư sinh” này đã làm dậy sóng đường đua xanh và giành HCV 1.500 m trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.


Mừng hơn cho bơi Việt Nam, khi phía sau những gương mặt kể trên còn có Phan Gia Mẫn, Huỳnh Thế Vĩ, Nguyễn Thị Kim Tuyến... đều đang có sức bật tốt của tuổi trẻ. Thậm chí, ngay cả VĐV sinh năm 2000 là Ngô Thị Ngọc Quỳnh cũng đã được cho thử sức ở SEA Games. Cô bé người Quảng Ngãi chính là VĐV trẻ nhất của Đoàn TTVN tại SEA Games 27. Nếu tiếp tục được đầu tư thích đáng, số VĐV này chắc chắn sẽ còn tiến bộ và giành vinh quang về cho Tổ quốc trong tương lai không xa.

 

Lý Hoàng Nam vô địch quần vợt quốc gia 2 năm liên tiếp. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN


Ở một môn thể thao cơ bản khác là điền kinh, Việt Nam cũng đang sở hữu những “baby” đầy triển vọng, mà đáng kể nhất là Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Oanh. Tại SEA Games 27, cả hai cô gái ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” này đều chưa đáp lại sự kỳ vọng của giới chuyên môn và người hâm mộ, do bị “khớp” về tâm lý, khiến điền kinh Việt Nam một lần nữa phải dựa vào sự tỏa sáng của gương mặt gạo cội Vũ Thị Hương và sự nổi lên bất ngờ của Nguyễn Văn Lai hay Phạm Thị Bình. Mặc dù vậy, về lâu dài, Lan và Oanh vẫn rất đáng được chờ đợi, khi các thông số thành tích của họ đều đang ở mức tiệm cận huy chương châu lục. Những cú vấp ngã trên đường chạy SEA Games 27 chắc chắn sẽ cho Lan và Oanh những bài học quý giá.


Bài học từ những thất bại, đó chính là điều mà Thạch Kim Tuấn đã rút ra được để không ngừng cải thiện bản thân. Kim Tuấn từng là nhà vô địch trẻ châu Á năm 2011 ở môn cử tạ, nhưng tại SEA Games 26 trên đất Indonesia, tâm lý không vững đã khiến anh thất bại trong mục tiêu giành HCV. Sang năm 2012, Kim Tuấn một lần nữa thua “đàn anh” Trần Lê Quốc Toàn trong cuộc đua tới chiếc vé tham dự Olympic London. Tuy nhiên, đến năm 2013, ở tuổi 19, Kim Tuấn đã chững chạc hẳn lên. Sau khi giành HCĐ thế giới, đô cử người TP Hồ Chí Minh đã thi đấu xuất sắc tại SEA Games 27: Giành HCV và phá 2 kỷ lục của đại hội. Có thể khẳng định, Kim Tuấn hiện không có đối thủ ở hạng cân 56kg trong khu vực Đông Nam Á. Bây giờ là lúc anh vươn mình ra đấu trường Asiad và phấn đấu góp mặt tại Olympic 2016.


Đáng tiếc khi không thể góp mặt ở SEA Games 27 vì quần vợt không có trong chương trình thi đấu, nhưng năm qua cũng được xem là một năm ấn tượng của Lý Hoàng Nam, khi tay vợt này đã tạo nên một vị thế mới cho quần vợt Việt Nam trong làng banh nỉ châu Á. Bước sang tuổi 17, Hoàng Nam đã gần như thống trị sân chơi nội địa, với 2 chức vô địch quốc gia liên tiếp. Đặc biệt, tại AYG 2, tay vợt này đã thể hiện một phong độ xuất sắc và giành chức vô địch đơn nam một cách khó tin. Đây chính là chức vô địch đầu tiên của quần vợt Việt Nam ở tầm châu lục.


Cũng không thể chung sức cùng Đoàn TTVN tại SEA Games 27, nhưng Lê Quang Liêm (sinh năm 1991) đã để lại một dấu ấn khó phai trong năm 2013. Ngày 10/6, chức vô địch cờ chớp thế giới của Quang Liêm tại Nga đã được mô tả là “đưa lịch sử cờ vua Việt Nam sang một trang mới”. Đây chính là chiến thắng đầu tiên của cờ vua Việt Nam ở một nội dung của giải vô địch thế giới do Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) tổ chức. Quang Liêm xứng đáng là một trong những niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam.


Những người trẻ đang nhanh chóng chiếm lĩnh và làm chủ sân chơi của mình, đó thực sự là tín hiệu mừng cho TTVN, để chúng ta vững tin vào chiến lược đầu tư trọng điểm cho các sân chơi lớn như Asiad hay Olympic.


Song Long

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN