Ở nội dung cử giật, Thạch Kim Tuấn đăng ký mức tạ khởi điểm là 126 kg và phải đến lần cử thứ hai mới thành công. Trong lần cử giật cuối cùng, Thạch Kim Tuấn và ban huấn luyện đăng ký mức tạ 130 kg nhưng không thành công. Với thành tích 126 kg, Thạch Kim Tuấn đứng thứ 8 trong phần thi cử giật
Ở nội dung cử đẩy, đô cử của Việt Nam đã không vượt qua mức tạ 150 kg trong hai lần cử đầu tiên. Đến lần thi thứ ba với mức tạ được nâng lên 153 kg, Thạch Kim Tuấn chỉ đạt được 1 tín hiệu đèn trắng trong khi có 2 tín hiệu đèn đỏ từ các trọng tài. Như vậy, với ba lần không thành công phần thi cử đẩy, Thạch Kim Tuấn không được tính kết quả tổng cử để xếp hạng chung cuộc.
Kết thúc chung kết cử tạ hạng cân 61 kg, VĐV Trung Quốc Li Fabin đoạt HCV với thành tích tổng cử 313 kg (giật 141 kg, đẩy 172 kg), thiết lập kỷ lục Olympic bởi lần đầu tiên hạng cân này thi đấu ở Olympic. Yuli Eko (Indonesia) HCB với thành tích 302 kg (giật 137 kg, đẩy 165 kg), Igor Son (Kazakhstan) HCĐ với thành tích 294 kg (giật 131 kg, đẩy 163 kg).
Vận động viên thứ hai của Việt Nam thi đấu trong buổi chiều 25/7 là Nguyễn Thị Tâm trong trận ra quân môn boxing vòng 1/16 hạng cân dưới 51 kg nữ. Đối thủ của cô là Stoyka Krasteva đến từ Bulgaria, người từng 2 lần giành ngôi Á quân thế giới. Đây là lần đầu tiên, boxing nữ Việt Nam có đại diện giành quyền chính thức dự Olympic và kỳ vọng không phải quá lớn. Tuy nhiên, võ sĩ Việt Nam đã phải dừng bước một cách đáng tiếc sau khi thất bại sát nút 2-3 trước đối thủ người Bulgaria. Như vậy, boxing Việt Nam chỉ còn duy nhất một đại diện là Nguyễn Văn Đương.
Vào lúc 18h00 giờ Việt Nam, tay vợt Nguyễn Tiến Minh sẽ khép lại ngày thi đấu 25/7 của Thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo 2020 khi đối đầu Anders Antonsen (Đan Mạch) ở vòng bảng đơn nam môn cầu lông.