Nhưng cũng vì là một ngành công nghiệp với tuổi đời còn trẻ nên khâu đào tạo nhân sự chưa thực sự bài bản và có lộ trình. Đây rõ ràng là "bài toán khó" cần các bên liên quan tập trung giải quyết để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của eSports trong tương lai.
Cung đang ít hơn cầu
Theo các chuyên gia: Hiện tại, nhân lực ngành eSports nói riêng, ngành game nói chung và các lĩnh vực liên quan đang ở mức cung ít hơn cầu, đó là còn chưa kể đến chất lượng nhân sự.
Tổng thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Đỗ Việt Hùng chia sẻ, hiện nay, nguồn nhân lực chính của ngành thể thao điện tử chủ yếu là dịch chuyển từ các ngành game sang, chưa có nhân lực chuẩn theo ngành thể thao điện tử. Hội Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam mong muốn thành lập câu lạc bộ sinh viên ở các trường để lồng ghép việc hướng nghiệp, giúp các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận với những ngành nghề mới tại Việt Nam.
Sinh viên chính là nguồn nhân lực trẻ sẽ bước vào ngành eSports trong tương lai. Vì vậy, để giải quyết bài toán nhân sự cần phải lưu ý đối tượng này. Nếu như các trường đại học được phân chia theo từng khối ngành như kinh tế, kĩ thuật, y tế,… thì thể thao điện tử hiện nay vẫn chưa thuộc một phạm trù ngành nghề cố định nào, nguyên nhân một phần là do đây là ngành nghề còn quá trẻ, chưa chính thức có những tổ chức đào tạo và giáo dục chính quy.
Chính vì vậy, để có thể xây dựng nền móng nhân sự cho tương lai trong khi eSports vẫn cần thời gian để được công nhận, các câu lạc bộ và tổ chức eSports sinh viên là một môi trường thuận lợi để đưa eSports tiếp cận trực tiếp với cộng đồng sinh viên.
Ở các trường đại học hiện nay, nhiều môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… đã được thi đấu chuyên nghiệp ở các cấp, trường trong cùng địa phương hoặc toàn quốc. Thể thao điện tử cũng đã song hành với các bộ môn thể thao truyền thống trong môi trường sinh viên với bước đi đầu tiên đó, là hệ thống Giải Thể thao điện tử bán chuyên dành cho sinh viên - UEC do Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam tổ chức.
Hệ thống Giải Thể thao điện tử bán chuyên dành cho sinh viên hướng tới phát triển phong trào, từ đó phát hiện và bồi dưỡng nguồn vận động viên chuyên nghiệp cho các đội tuyển quốc gia. Đồng thời, đây cũng là cầu nối để các chương trình truyền thông, đào tạo hướng nghiệp và chuẩn bị nguồn nhân lực tổng thể cho phát triển ngành thể thao điện tử Việt Nam trong những năm tới.
Nguồn nhân lực trẻ tiên phong trong tiếp cận
Nhắc đến thể thao điện tử, có lẽ nhiều người sẽ hình dung ra hình ảnh các “game thủ” hay chính xác hơn là các vận động viên tập luyện, thi đấu. Thực tế cho thấy là đa phần các vận động viên eSports còn rất trẻ, họ là những người tiếp cận sớm và dễ dàng với công nghệ. Khi theo đuổi đam mê, tập luyện, thi đấu một cách chuyên nghiệp, đúng hướng, thể thao điện tử sẽ đem lại cho các bạn trẻ rất nhiều nguồn lợi (lương, thưởng từ các giải đấu). Khi đã có danh tiếng, họ cũng sẽ nhận được nhiều lợi ích từ các nền tảng mạng xã hội thông qua livestream, quảng cáo cho các nhãn hàng....
Vận động viên Hoàng Vũ Tuấn Anh (Công ty MDH Entertainment) cho biết: Nghề thể thao điện tử chuyên nghiệp giúp em theo đuổi, kiếm tiền được bằng đam mê, giúp em chứng tỏ được game không phải chỉ để giải trí mà còn là một nghề để theo đuổi.
Giám đốc Công ty MDH Entertainment Nguyễn Minh Đức chia sẻ, là người quản lý thì điều đầu tiên là phải đảm bảo sinh hoạt cho các vận động viên, thu nhập phải nuôi sống được họ. Trung bình lương cứng của một tuyển thủ của Công ty MDH Entertainment dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn thưởng và công ty cũng có những sự kiện nhỏ để các bạn tham gia, kiếm thêm thu nhập.
Thực tế, một vận động viên thể thao chuyên nghiệp khi đã thành danh, có trình độ cao đem có thể thu nhập triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài tập luyện, thi đấu, thể thao điện tử còn nhiều khía cạnh khác, eSports đã hình thành nên một hệ sinh thái gồm nhiều lĩnh vực và để tiếp cận sớm, bắt nhịp kịp thời thì có lẽ các bạn trẻ thế hệ “Gen Z” là ứng cử viên phù hợp nhất.
Câu lạc bộ Thể thao điện tử trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEC) là một trong những câu lạc bộ thể thao điện tử chính danh đầu tiên tại Việt Nam. Dù mới được thành lập một vài năm trở lại đây, nhưng câu lạc bộ này hoạt động sôi nổi, tổ chức được nhiều sự kiện có ý nghĩa như: Giải đấu Hanoi Open Student Cup 2019, Giải đấu Hanoi Fall Battle 2019, Giải đấu Hanoi Open Student Cup 2020. Bên cạnh đó là các talkshow kết hợp với ngày hội trải nghiệm mang đến cho các bạn sinh viên cái nhìn tổng quan về thể thao điện tử, mang tính chất định hướng, hướng nghiệp, giúp các bạn trẻ được trải nghiệm một vài vị trí trong hệ sinh thái eSports như: Bình luận viên, streamer,…
Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Câu lạc bộ Thể thao điện tử trường Đại học Kinh tế Quốc dân Lâm Minh Phước cho biết, hai năm trước, NEC có 4 ban chính: Đối ngoại, truyền thông – kỹ thuật, Ban tổ chức sự kiện và Ban chuyên môn. Nhưng sang năm nay, câu lạc bộ có thêm 3 mảng nữa. Ở mỗi ban- mảng này đều liên kết chặt chẽ với việc các bạn sinh viên có thể trải nghiệm được eSports ở khía cạnh nhất định. Đơn cử như các bạn ở mảng truyền thông kỹ thuật, các bạn sẽ được trải nghiệm ở góc độ là một người sáng tạo nội dung hoặc làm về Marketing eSports, thiết kế...
Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Đỗ Việt Hùng cho rằng khi mô hình câu lạc bộ thể thao điện tử trong sinh viên hoạt động đúng mục đích và hiệu quả, sinh viên không chỉ đơn thuần là thi đấu mà sẽ làm quen với các lĩnh vực liên quan như quản lý nhân sự, quảng cáo, marketing, tổ chức sự kiện...Thông qua những sự kiện đó, có thể phát hiện ra những tài năng, tạo cầu nối liên thông từ câu lạc bộ sinh viên sang môi trường chuyên nghiệp, làm việc trong ngành eSports năng động.
Bài cuối: Cần khai phá mạnh mẽ 'mảnh đất màu mỡ' eSports